Đó là cụ bà Cao Thị Mà Nga, gần 90 tuổi (dân tộc Raglai), ở 30 Trịnh Phong, thị trấn Khánh Vĩnh, Khánh Hòa.
Cụ Cao Thị Mà Nga với gánh củi trên tấm lưng còng.
Một buổi sáng trời oi ả, chúng tôi tìm đến nhà thăm cụ nhưng cửa đóng, được cháu bé cạnh nhà cho biết: "Cụ Nga lên rẫy cách nhà gần hai cây số từ sáng sớm rồi".
Tôi liền nhờ bé dẫn đường lên rẫy tìm gặp cụ. Đi trong nương ngô hàng trăm mét mới thấy cụ đang nhổ cỏ, tỉa những cây ngô sâu bệnh… xung quanh còn có nhiều chuối, xoài um tùm. Chỉ có con đường mòn cụ đi hằng ngày xuyên ngang con rẫy là hằn sâu rõ nét.
Một cuộc trò chuyện ngay giữa nương ngô mướt xanh đang trổ bắp… còn cô bé dẫn đường giúp thêm vai “phiên dịch”.
Theo lời kể của những người hàng xóm, tuổi thực của cụ đã 90. Cụ có đến 11 lần sinh nhưng giờ chỉ còn ba đứa con. Có đứa ở gần, có đứa ở xa, lâu lâu mới về thăm cụ.
Căn nhà tình nghĩa do chính quyền xây tặng khá vững chắc. Thấy cụ tuổi cao, lưng còng, đi lại khó khăn nên nhiều người khuyên cụ nên nghỉ ngơi. Nhưng cụ chỉ nói một câu ngắn gọn: “Phải làm mới có cái mà ăn chứ!".
Chị Kim Oanh, hằng ngày chứng kiến cụ đi lại qua trước nhà, chia sẻ: "Cụ là tấm gương tiêu biểu trong lao động. Tôi thấy vừa cảm phục vừa thương cụ. Bởi trong xã hội ta ngày nay còn không ít người lười lao động, ỷ lại vào chính quyền, vào cộng đồng dẫn đến lười biếng, thậm chí đi ăn xin… Vì vậy tấm gương yêu lao động của cụ Cao Thị Mà Nga là rất đáng trân trọng".
Một số hình ảnh thường ngày của cụ Cao Thị Mà Nga:
Căn nhà của cụ ở 30 Trịnh Phong, thị trấn Khánh Vĩnh.