Cửa vào NATO vẫn rất hẹp cho Ukraine lúc này

(PLO)- Tổng thống Volodymyr Zelensky muốn đẩy nhanh tiến trình Ukraine gia nhập NATO nhưng theo tình thế hiện tại, điều đó khó có thể xảy ra.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 2-10 (giờ địa phương), lãnh đạo chín thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia, Litva, North Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia đã nhóm họp và ra tuyên bố chung ủng hộ đối với việc Ukraine gia nhập liên minh này, đồng thời kêu gọi phương Tây “tăng cường đáng kể” hỗ trợ quân sự cho Kiev. Trước đó, ngày 30-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thông báo Ukraine chính thức nộp đơn đề nghị gia nhập NATO “trong thời gian ngắn nhất”, theo hãng tin Reuters. Dù vậy, thực tế cho thấy mong muốn của phía Ukraine sẽ khó thành hiện thực.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) tại trụ sở Liên minh châu Âu ở thủ đô Brussels, Bỉ hồi tháng 12-2021. Ảnh: AFP

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) tại trụ sở Liên minh châu Âu ở thủ đô Brussels, Bỉ hồi tháng 12-2021. Ảnh: AFP

Tại sao Ukraine muốn gia nhập NATO lúc này?

Thông báo của ông Zelensky được cho là phản ứng trực tiếp trước việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ký quyết định sáp nhập bốn tỉnh ly khai của Ukraine (Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Luhansk) vào lãnh thổ Liên bang Nga. Không chỉ Ukraine, quyết định của ông Putin lúc đó đã lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt đến từ Liên Hợp Quốc và nhiều nước phương Tây.

Trang tin Quint nhận định việc Ukraine tỏ thái độ quyết liệt với việc gia nhập NATO lúc này là cách phát đi thông điệp tới Nga rằng một khi Moscow sáp nhập các khu vực của Ukraine tức là đã đánh mất mọi hy vọng về một Ukraine trung lập quân sự như đã đề ra trong đợt đàm phán hồi tháng 3 giữa hai bên.

Tạp chí Foreign Policy chỉ ra thêm rằng động thái của Ukraine cũng có thể nhằm giúp củng cố tinh thần của dân và quân nước này trong bối cảnh cuộc chiến đã kéo dài suốt bảy tháng và chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt. Ngoài ra, nhắc lại ý định muốn gia nhập NATO còn là cách để Kiev gia tăng áp lực lên phương Tây đẩy mạnh hơn việc viện trợ quân sự - tài chính và hỗ trợ ngoại giao cho Ukraine.

Trong khi Nga vừa kích hoạt lệnh tổng động viên một phần để bổ sung 300.000 binh sĩ, hãng tin Bloomberg mới đây dẫn nguồn tin nội bộ Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ các thành phần ủng hộ Ukraine ở châu Âu và Mỹ vẫn còn lưỡng lự, không có ý định tăng viện trợ vũ khí cho Ukraine do lo ngại xung đột sẽ leo thang và mở rộng sang toàn khu vực.

Dù vậy, xu hướng chung trong các đợt viện trợ gần đây của phương Tây cho Ukraine là dần nâng cấp vũ khí cho Ukraine theo hướng hiện đại. Chẳng hạn, NATO tháng qua đã hỗ trợ chuyển đổi pháo 152 mm chuẩn Liên Xô sang lựu pháo 155 mm, cùng với các hệ thống hiện đại khác như pháo phản lực do Mỹ sản xuất.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Bucharest của Romania năm 2008, các thành viên NATO đã từng hoan nghênh “nguyện vọng trở thành thành viên NATO” của Ukraine và Georgia. Đây là một trong số ít lần NATO công nhận và chủ động ủng hộ ý định gia nhập liên minh của Ukraine nhưng từ đó đến nay không có bất kỳ khung thời gian cụ thể nào cho việc này được đưa ra.

Khả năng Ukraine gia nhập NATO: Không nhiều

Tổng thống Zelensky cho biết việc Thụy Điển và Phần Lan trước đó gửi đơn đề nghị gia nhập NATO là cơ sở thúc đẩy Ukraine xúc tiến lần này. “Chúng tôi biết điều đó là có thể. Chúng tôi đã thấy Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập liên minh trong năm nay dù trước đó không có kế hoạch trở thành thành viên của khối. Đây là sự công bằng. Điều này là công bằng cho Ukraine” - ông nói.

Dù vậy, trong cuộc họp báo hôm 30-9, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ trả lời rằng Ukraine có quyền nộp đơn xin gia nhập NATO nhưng cần được toàn bộ 30 thành viên của khối ủng hộ. Đây là điều kiện rất khó đạt được cho Kiev, nhất là khi chiến sự với Nga chưa kết thúc và NATO cùng Mỹ đang cố hết sức tránh đối đầu trực diện với Nga.

Điểm mấu chốt nằm ở Điều 5 trong Hiệp ước NATO về chính sách phòng thủ tập thể quy định rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào một thành viên liên minh sẽ là cuộc tấn công vào toàn khối và toàn bộ thành viên sẽ phải phản ứng lại. Việc kết nạp một quốc gia đang có xung đột quân sự với Nga như Ukraine đồng nghĩa NATO sẽ liên quan trực tiếp đến cuộc chiến này.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sau đó cũng phát biểu thẳng thắn rằng ý định gia nhập NATO của Ukraine “nên được thực hiện vào thời điểm khác”, lựa chọn tốt nhất cho liên minh này ở thời điểm hiện tại là giữ vị thế hỗ trợ cho Kiev trên phương diện ngoại giao và quân sự. Nếu quốc gia đầu tàu của NATO đã nói vậy thì gần như khả năng gia nhập của Ukraine là bằng không trong tương lai gần, theo Foreign Policy.

Trước xung đột, Nga từng yêu cầu NATO phải giải quyết quan hệ với Ukraine ngay lập tức, theo hướng liên minh này phải có đảm bảo mang tính ràng buộc pháp lý rằng Ukraine không bao giờ được gia nhập khối. Những người ủng hộ mở rộng NATO lúc đó cho rằng nhượng bộ trước yêu cầu của ông Putin sẽ thúc đẩy lãnh đạo Nga có những hành động quyết liệt hơn với các nước từng thuộc Liên Xô. Song đa số quan chức NATO đều cảnh báo rằng quyết định kết nạp Ukraine có thể kéo liên minh vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, dẫn tới kịch bản chiến sự leo thang đến mức độ hủy diệt vì vũ khí hạt nhân.

“Hiện tại NATO có thể đáp lại bằng những động thái trấn an Ukraine nhưng sau đó thì Kiev và liên minh thực sự phải tạm gác lại những cuộc thảo luận về tư cách thành viên của Ukraine, thay vào đó chú trọng chuyển giao vũ khí cho nước này trong cuộc xung đột dài hơi với Nga” - chuyên gia Jim Townsend, cựu quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định.•

Phản ứng của Nga trước ý định gia nhập NATO của Ukraine

Theo hãng thông tấn TASS, trong bài viết trên mạng xã hội Telegram hôm 30-9, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói rằng việc Ukraine muốn đẩy nhanh quá trình trở thành thành viên của NATO đồng nghĩa với việc Kiev đang đẩy thế giới sớm bước vào Thế chiến III.

“Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn nhanh chóng trở thành thành viên của NATO. Ý tưởng đó cũng có nghĩa rằng nhà lãnh đạo Ukraine đang thúc đẩy NATO khơi mào Thế chiến III” - ông Medvedev cảnh báo. Cùng ngày, một nghị sĩ cấp cao của Nga cũng cảnh báo rằng động thái của ông Zelensky giống như lời kêu gọi liên minh quân sự này tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm