Theo hồ sơ, từ tháng 11-2012 đến tháng 1-2013, Công ty ACTN có mua cà phê của DNTN Ân Hồng Phước (gọi tắt là AHP) tổng cộng số tiền hơn 33 tỉ đồng (chưa bao gồm thuế giá trị giá trị gia tăng, thuế này hơn 1,6 tỉ đồng được hoàn lại cho công ty mua là ACTN).
Sau đó, trong năm 2013, Công ty ACTN được Chi cục Thuế quận Phú Nhuận (TP.HCM) cho hoàn thuế số tiền hơn 1,6 tỉ đồng.
Ngày 21-1-2014, Chi cục Thuế quận Phú Nhuận cho rằng Công ty ACTN sử dụng 11 hóa đơn bất hợp pháp nên ra quyết định truy hoàn thuế số tiền hơn 1,6 tỉ đồng nói trên.
Không đồng ý, Công ty ACTN khiếu nại quyết định này nhưng lần lượt bị Chi cục Thuế quận lẫn Cục Thuế TP.HCM ra quyết định không chấp nhận khiếu nại này.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, Cục Thuế TP.HCM ra hai quyết định 495, 931 về việc hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước đối với Công ty ACTN. Trong đó, Cục Thuế TP.HCM trừ số tiền được hoàn thuế của công ty ở những lần sau để hoàn trả cho số tiền hơn 1,6 tỉ đồng của công ty còn nợ thuế.
Đầu năm 2015, Công ty ACTN khởi kiện hành chính các quyết định của Cục Thuế TP.HCM và Chi cục Thuế quận Phú Nhuận (TP.HCM).
HĐXX nhận thấy Công ty ACTN không có hành vi sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn bất hợp pháp vì họ có giao dịch mua bán hàng hóa, có hợp đồng, hàng hóa thật, có việc chuyển tiền qua ngân hàng, xác nhận của kho bãi, có xuất hóa đơn, xuất hàng hóa (giấy hải quan)… giao dịch này tuân thủ đúng quy định pháp luật (xem sơ đồ).
Đường đi của hóa đơn hợp pháp khi mua bán hàng hóa. Ảnh: QUANG DUY
Việc bên bán là Doanh nghiệp AHP bỏ trốn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp bị phát hiện sau thời điểm giao dịch với Công ty ACTN (mua bán đã xong) nên không liên quan đến Công ty ACTN. Công ty này không có lỗi vì trong thời gian mua bán hàng hóa không có cảnh báo nào đối với doanh nghiệp này... Hiện nay, cũng chưa có cơ quan có thẩm quyền nào kết luận về việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp này.
Từ những căn cứ trên, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty ACTN tuyên hủy tất cả quyết định nêu trên.