Cuộc chiến chống dịch của doanh nghiệp ở khu công nghiệp TP.HCM

Đợt dịch bệnh lần thứ tư trở nên khốc liệt hơn khi đã xâm nhập vào các khu công nghiệp (KCN) ở TP.HCM. Trong bối cảnh đó, đảm bảo sự an toàn tối đa cho nhân lực nhằm không gây gián đoạn sản xuất trở thành nỗ lực đầy quyết tâm của các công ty nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Chủ động ứng phó, không sợ hãi

Khi thông tin về đợt dịch bệnh lần thứ tư xuất hiện, đặc biệt bắt đầu lan vào KCN, ông Nguyễn Quang Tường, Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban chỉ đạo chống dịch của Công ty cổ phần Sài Gòn Food (KCN Vĩnh Lộc), lập tức khởi động các phương án đã được hoạch định sẵn trước đó.

Giữ vững tinh thần, không sợ hãi, không hoảng loạn là điều đầu tiên mà ông Tường nhắn nhủ với lực lượng lao động để không bị dịch bệnh tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất, giữ nhà máy không bị gián đoạn sản xuất và qua đó đảm bảo thu nhập cho họ.

Một mặt triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của các cơ quan chức năng, mặt khác Sài Gòn Food chuyển dịch hoạt động theo từng phân khu nhằm tránh bị dừng sản xuất nếu dịch bệnh hiện diện tại nhà máy. Thông tin hàng ngàn công nhân được theo dõi sát và cập nhật theo thời gian thực nhằm có phương án khoanh vùng trong tình huống xấu nhất. Ngoài ra, công ty áp dụng triệt để hội họp và báo cáo online, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vòng ngoài tạm thời không về nhà máy.

Các biện pháp này đang đem lại hiệu quả: Nhà máy Sài Gòn Food vẫn đảm bảo hoạt động cung cấp các sản phẩm thiết yếu đầy đủ với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng. “Giữa tâm dịch, nguy cơ là không thể tránh khỏi, nó có thể đến từ bên ngoài lẫn bên trong nhưng trên hết là chúng tôi luôn chủ động ứng phó” - ông Tường nhấn mạnh.

Tương tự, ngay khi dịch bệnh lần thứ tư khởi phát, Samsung Việt Nam đóng tại Khu công nghệ cao (quận 9, TP.HCM) cũng nhanh chóng kích hoạt các phương án chống dịch để đảm bảo sản xuất. Theo đó, Samsung thực hiện giãn cách 1 m khi di chuyển trong công ty hoặc khi đến những khu vực đông người; cho tạm dừng toàn bộ hoạt động tập trung đông người như các chương trình đào tạo, cuộc họp không cần thiết; dừng phục vụ đồ uống tại các cửa hàng pha chế đồ uống.

Công nhân khu công nghiệp được đo thân nhiệt, thực hiện đúng thông báo 5K của Bộ Y tế ngay từ cổng vào nhà máy. Ảnh: PM

Bên cạnh đó, công ty còn khuyến cáo nhân viên không đến khu vực tập trung đông người, tránh tiếp xúc với người nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày trở lại đây. Công ty cũng gửi tin nhắn kèm đường link khai báo y tế tới từng nhân viên để có biện pháp tầm soát những nhân viên có yếu tố nguy cơ.

Đại diện một số công ty khác đang hoạt động tại các KCN tại TP.HCM cũng đánh giá: Nếu không có giải pháp ứng phó hiệu quả, kịp thời thì thiệt hại sẽ lớn, thậm chí phải đóng cửa toàn bộ nhà máy. Do đó, họ đã áp dụng nhiều phương án. Chẳng hạn, công nhân được phát khẩu trang N95 thay cho khẩu trang y tế dùng một lần, ăn uống tại chuyền, không tập trung ở nhà ăn, không sang khu vực khác nơi mình làm việc.

Vừa cách ly, vừa làm việc

Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết đang lên phương án cho các doanh nghiệp (DN) vừa cách ly, vừa sản xuất. Hiểu đơn giản, đây là mô hình thiết lập nơi ở tập trung cho người lao động ngay trong công ty; bố trí nơi ở, nơi làm việc của lao động tại nhà máy tách biệt với bên ngoài nhằm tránh đưa mầm bệnh vào.

Nhưng để thực hiện điều này, người lao động của các công ty phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi được đến nơi ở tập trung. Đồng thời chấp nhận không đi khỏi nơi ở tập trung và nơi làm việc trong suốt quá trình thực hiện việc vừa cách ly, vừa tổ chức sản xuất.

“Hiện nay đã có nhiều công ty đăng ký phương án sản xuất này để vừa đảm bảo thông suốt sản xuất, kinh doanh, vừa chống dịch một cách hiệu quả cao, an toàn. Cụ thể, chúng tôi đang phối hợp với ngành chức năng kiểm tra điều kiện tổ chức nơi ở tập trung tại 38 DN với hàng chục ngàn lao động đăng ký thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất” - đại diện Hepza cho biết.

Theo TS Phạm Công Hiệp, ĐH RMIT Việt Nam, có thể học cách Intel, Samsung và nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn tại các KCN ở TP.HCM trong việc vẫn duy trì sản xuất tốt giữa mùa dịch. Do hầu hết là sử dụng máy móc và tự động hóa, người lao động chủ yếu làm ở trung tâm điều khiển hoặc mật độ tiếp xúc trực tiếp thấp.

“Một điều dễ nhận thấy là lao động ở các công ty lớn và hiện đại thường có tính kỷ luật và tuân thủ quy định chung tốt hơn, cũng như được đào tạo bài bản hơn. Yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất giúp ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro lây nhiễm” - ông Hiệp nhìn nhận.

Tuy nhiên, nhiều công ty Việt Nam vẫn thâm dụng lao động khá lớn. Do đó, theo ông Hiệp, các DN này cần tiếp tục thực hiện giãn cách người lao động, giảm tiếp xúc trực tiếp, vệ sinh nơi làm việc và giám sát y tế hằng ngày là rất quan trọng. “Người lao động cũng cần có ý thức tự bảo vệ mình và gia đình ở cả ngoài công ty để tránh ảnh hưởng đến DN nếu có bị lây nhiễm” - ông Hiệp nói.

Có thể học tập kinh nghiệm của Bắc Ninh, Bắc Giang

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN KCN TP.HCM (HBA), cho rằng có thể học tập kinh nghiệm chống dịch tại các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Cụ thể là sắp xếp chỗ lưu trú tại nhà máy cho công nhân để vừa duy trì sản xuất mà vẫn chống dịch hiệu quả.

Bởi nếu chọn phương án đóng băng các nhà máy sẽ dẫn đến hệ lụy rất nghiêm trọng không chỉ cho các DN mà cả nền kinh tế và ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng Việt Nam và toàn cầu. Hơn nữa, nếu đóng cửa, người lao động sẽ phải nghỉ việc, ở lại các khu nhà trọ với mật độ rất đông dẫn đến rủi ro cao trong phòng chống dịch.

Kỹ sư, kỹ thuật viên đang làm việc tại một công ty trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: QH

“Nếu công ty nào có điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng thì nên bố trí chỗ ăn, ở tại chỗ cho công nhân. Hiện có một số công ty đã bố trí được nhà lưu trú cho công nhân ngay tại nhà máy” - ông Bé cho hay.

Bên cạnh đó, hiện nay KCN Linh Trung 1, 2 và 3 đang thực hiện giải pháp lắp đặt cổng chính kiểm soát phòng dịch, đo thân nhiệt người ra vào và bắt buộc áp dụng 5K. Thậm chí, tại các cổng của công ty còn có thêm chốt kiểm soát thân nhiệt, quy định không cho tiếp xúc giữa các công nhân.

“Đặc biệt, bên cạnh giải pháp của bản thân các công ty, điều quan trọng cần thiết lúc này là Nhà nước cần ưu tiên, hỗ trợ chích ngừa vaccine COVID-19 cho các công nhân, người làm việc trong các KCN kịp thời. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài để có thể sống chung với dịch” - ông Bé nhấn mạnh.

Nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh

Chủ tịch Hiệp hội Các DN KCN TP.HCM Nguyễn Văn Bé cho biết hiện 18 KCN và Khu công nghệ cao tại TP.HCM có khoảng 1.500 DN đang hoạt động với khoảng 300.000 người lao động. Trong đó có khoảng 500 công ty đầu tư nước ngoài với hàng chục ngàn chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên đang làm việc.

Trong ba đợt dịch trước, dịch COVID-19 không lây vào các KCN nên nền kinh tế nước ta không bị ảnh hưởng mà tiếp tục tăng trưởng, xuất siêu. Thế nhưng làn sóng thứ tư của dịch đã và đang lây lan trong các KCN, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta trong năm nay sẽ rất lớn.

Thực tế thời gian qua, một số nhà máy ở các KCN đã phát hiện một số ca nhiễm và bị phong tỏa, ngừng sản xuất. Thống kê của Liên đoàn Lao động TP.HCM cho thấy đến ngày 1-7, đã có gần 20.000 công nhân, lao động phải ngừng việc do dịch.

Trong bối cảnh trên, UBND TP.HCM đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhóm có nguy cơ cao trong các khu chế xuất, khu công nghệ cao và các DN có quy mô lớn; khẩn trương triển khai hướng dẫn các DN theo đề xuất của ban quản lý khu chế xuất với 25.000 lao động để tổ chức vừa cách ly, vừa sản xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới