Bảo tồn và phát triển(*) - Bài 3:

Cuộc đối đầu giữa hai 'trùm' quy hoạch

Cuộc đối đầu giữa Jane Jacobs và Robert Moses không đơn thuần chỉ là một sự kiện lịch sử có sức ảnh hưởng đến sự phát triển TP New York. Nó còn là một sự kiện có tính chất bước ngoặt trong lịch sử ngành đô thị.

Một nét bút xóa phăng cả ngàn hộ dân cư

Robert Moses được xem là “thợ cả” của TP New York. Sinh ra trong một gia đình người Đức gốc Do Thái, ông tốt nghiệp ĐH Yale và có bằng tiến sĩ tại ĐH Colombia. Trong suốt thời gian làm cố vấn dưới bảy đời thống đốc, ông đã thực hiện được 13 cây cầu, hai hầm chui, 669 km đường xa lộ, 658 sân chơi, 10 hồ bơi công cộng khổng lồ, 17 công viên xây mới, cải tạo vô số công viên cũ (nhờ ông mà quỹ cây xanh TP tăng thêm hơn 1 triệu ha), 150.000 nhà ở. Ông là người đã thúc đẩy việc xây dựng sân vận động Shea, trung tâm nghệ thuật Lincoln và tòa nhà Liên Hiệp Quốc, là người tham gia tổ chức hai kỳ hội chợ quốc tế tại New York năm 1939 và 1964. Mặc dù vậy, ông chưa bao giờ được bầu chính thức vô bất cứ chức vụ nào trong bộ máy hành chính nhưng ông là nhân vật quyền lực nhất New York thời bấy giờ. Có người nói đùa rằng Moses không làm việc cho các thị trưởng và thống đốc, mà họ làm việc cho ông.

Moses là một tài năng chính trị và một con người nhìn xa trông rộng, ông dùng sự hiểu biết và sức ảnh hưởng của mình để điều vốn, vận động cho các dự án và thúc đẩy tầm nhìn của ông. Ông muốn biến New York thành một TP lý tưởng, một TP hiện đại bậc nhất. Với quyền lực tuyệt đối, ông thực hiện vô số cuộc “phẫu thuật” đối với New York. Ông không quan tâm đến các cộng đồng nhỏ lẻ, tính xã hội hay văn hóa khu vực. Chỉ với một nét bút của ông, cả ngàn hộ dân cư phải di dời nhường chỗ cho các con đường trong bản thiết kế ông hình dung.

Jane Jacobs: Kẻ thù của những nhà quy hoạch

Jane Jacobs là tất cả những gì trái ngược với Moses. Jacobs là một phụ nữ, sinh ra trong một gia đình thông thường. Khi gia đình bà chuyển đến New York năm bà 18 tuổi, bà chỉ có tấm bằng trung học và chứng chỉ hành nghề tốc ký. Bà làm ở rất nhiều nơi và công việc chính của bà là thư ký và phóng viên tự do. Bà chuyên viết các bài báo về cuộc sống đô thị. Nhờ nỗ lực và kiên trì của bà, bà dần có được các đặt hàng từ tạp chí Vogue, Sunday Herald Tribute và sau này là vị trí biên tập tại một số tờ báo như Amerika, Architectural Forum.

Cuộc đối đầu giữa hai 'trùm' quy hoạch ảnh 1

New York hôm nay là New York của Robert Moses. Cầu Triborough (trái) với Công viên Astoria và hồ bơi ở giữa là một trong những sản phẩm của Moses.

Bà là một phụ nữ bình thường, một người vợ, một người mẹ, một nhân viên bình thường ở tòa báo. Nhưng bà là một người có óc quan sát tinh tế, bà đã nhanh chóng nhận ra các vấn đề của các chính sách quy hoạch trong thời điểm đó. Bà đã mạnh dạn chỉ ra điều này khi được giao nhiệm vụ viết về sự phát triển của TP Philadelphia khi còn làm ở tạp chí Architectural Forum (Diễn đàn kiến trúc).

Bà cũng có các cuộc nói chuyện, thẳng thắn đối chất các nhà quy hoạch đương thời trong các thiết kế và chính sách của họ. Dù nhận được sự đồng tình từ nhiều người, bà nhanh chóng trở thành kẻ thù của những nhà quy hoạch, các chủ dự án và nhà đầu tư. Có người đã từng gọi bà là “người đàn bà điên rồ”. Chỉ là vấn đề thời gian khi mà Jacobs cuốn vào cuộc chiến mà ở đó bà là David chống lại người khổng lồ Moses của New York.

Cuộc đối đầu lịch sử

Trong quá trình tham gia các dự án quy hoạch ở New York, có một điều mà Robert Moses chưa làm được đó là mở hệ thống đường cao tốc xuyên qua trung tâm Manhattan của New York. Ông cho rằng giao thông TP là vấn đề huyết mạch và lý do cho phép TP vận hành. Trong những năm 1950 đến 1960, ông bắt đầu lên các kế hoạch thực hiện các dự án đường cao tốc này.

Đầu tiên, ông lên kế hoạch xây dựng bốn làn đường cao tốc xuyên qua quảng trường Washington, đồng thời phá hủy 14 dãy nhà hiện trạng tại khu Greenwich Village, xây dựng lại các chung cư cao tầng với lý do “làm mới đô thị”. Một điều trùng hợp là Jane Jacobs sống tại khu Greenwich Village và các đứa con của bà thường hay chơi đùa ở quảng trường Washington.

Greenwich village là một cộng đồng dân cư trung lưu lâu đời ở vùng Hạ Manhattan. Khu vực này bao gồm nhiều con đường nhỏ cắt xẻ, không tuân theo sự thống nhất với quy hoạch hệ lưới ô cờ của Manhattan. Các công trình ở khu vực này đa phần là các nhà phố nhỏ, xây dựng theo phong cách kiến trúc thế kỉ 19, trái ngược hoàn toàn với các kiến trúc hiện đại của Manhattan gần đó. Nơi đây từng là nơi ở yêu thích của nhiều cộng đồng dân cư, cũng như nhiều nghệ sĩ, nhà văn lớn. Nhưng trong mắt các nhà quy hoạch tại thời điểm đó, đặc biệt là Robert Moses, Greenwich Village được xem như một nơi không khác gì khu ổ chuột.

Jane Jacobs đã phản bác lại những chiến lược “cải tạo” lúc bấy giờ của các nhà quy hoạch qua bài báo “Downtown is for People” (Trung tâm là của người dân) trên tạp chí Fortune 1958. Mở đầu bài viết, bà viết rằng: “Nếu như khu trung tâm của ngày mai trông giống như hầu hết các dự án cải tạo được đề ra ngày hôm nay, nó sẽ kết thúc như những tượng đài của sự nhàm chán”.

Bà so sánh về sự náo nhiệt, rộn ràng của các khu phố cũ trước khi cải tạo với các con đường thẳng đẹp, đồng nhất nhưng thiếu thân thiện. Bà thẳng thắn chỉ trích phương pháp làm việc chỉ dựa trên số liệu, cũng như tính thiếu thực tế trong quan sát của các nhà làm quy hoạch. Ngoài ra, bà còn đề ra những giải pháp chống lại sự nhàm chán của quy hoạch mới, trong đó lấy con người làm tâm điểm chủ đạo.

Bài viết của bà là một cái tát vào cộng đồng quy hoạch, đặc biệt là Moses. Bà nhận nhiều sự chỉ trích từ phía các kiến trúc sư, các nhà đầu tư. Tuy nhiên, bài viết của bà nhận được sự ủng hộ từ các nhà xã hội học và đặc biệt là người dân. Nhờ bài viết này, bà được quỹ Rockefeller tài trợ để thực hiện các nghiên cứu sâu hơn về các vấn đề của TP và đề xuất các giải pháp phù hợp. Sau ba năm nghiên cứu, bà cho ra đời một cuốn sách quan trọng: The Death and Life of Great American Cities (Sự sống và cái chết ở các thành phố lớn của Mỹ).

Cuốn sách của bà đi sâu hơn những vấn đề bà từng đề cập ở bài báo. Bà chỉ trích lối quy hoạch duy lý của Robert Moses khi chỉ coi trọng xe cộ và tính kinh tế mà bỏ qua yếu tố xã hội và con người. Bà ủng hộ sự hòa trộn và có phần hỗn loạn của cuộc sống đô thị và cho rằng đó là điều làm cho TP trở thành điểm hấp dẫn và lực hút kinh tế.

Chiến dịch của Moses vấp phải sức cản từ phía khu dân cư. Không quen với việc thua cuộc, các đồng nghiệp của ông từng kể lại ông tức giận lao ra khỏi văn phòng và hét lên: “Không có ai chống lại dự án này cả. Không ai, không ai, không một ai, ngoài một mớ các bà nội trợ!”.

Nhưng tham vọng của Moses không chỉ dừng lại ở đó. Ông còn lên kế hoạch xây dựng đường tốc hành Hạ Manhattan 10 làn xe xuyên qua khu SoHo. SoHo là một quần thể dân cư với kiểu kiến trúc đúc sắt đặc trưng và nổi bật nhất New York. Nhiều công trình ở đây được xây dựng từ thế kỉ 19 và đây cũng là một trong những cộng đồng dân cư lâu đời ở Manhattan.

Tất nhiên Jane Jacobs không đứng ngoài lề, bà cùng với những người có tiếng nói lớn đã thành lập Ủy ban Hợp nhất phản đối việc xây dựng đường tốc hành Hạ Manhattan. Bà còn thúc đẩy, vận động người dân lên tiếng phản đối.

Trước sức ép lớn từ công chúng và dư luận, TP New York tổ chức phiên họp khẩn cấp nhằm cân nhắc sự cần thiết của dự án. Sau sáu tiếng họp, toàn thể hội đồng thống nhất loại bỏ dự án đường tốc hành. Louis DeSalvio, một trong các thành viên hội đồng, kết luận tại cuộc họp.

Chúng ta không thể phủ nhận được rằng New York của ngày hôm nay là New York của Moses. Không có Moses, New York không thể trở thành thủ đô của thế giới như ngày hôm nay. Vai trò của ông hiện nay được đặt câu hỏi. Nhất là khi New York cũng đang chuẩn bị bước vào giai đoạn nâng cấp, sửa đổi. Nhiều người nhận ra rằng “New York đang đứng trước một kỷ nguyên Moses tiếp theo nhưng không có Moses”.

KTS VÕ DUY KIM

(*) Xem từ số báo Chủ nhật 7-9

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm