Ông là Nguyễn Văn Chính (SN 1955) ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Người khổng lồ kể chuyện
Là con trai duy nhất trong một gia đình thuần nông, tuổi thơ của ông cũng bình thường như bao đứa trẻ cùng trang lứa, năm 1972, thay vì đi bộ đội thì ông được gia đình cho đi học cơ điện 3 năm ở thành phố Đồng Hới.
Ông đã ước về một ngày ra trường, được làm công việc mình mơ ước, tòm một người vợ để xây dựng gia đình và chăm sóc bố mẹ khi về già. Nhưng sự “lớn bất thường” trong một năm đã khiến ước mơ được làm người bình thường của ông gặp rất nhiều trắc trở.
Ông đứng gần ngang với cửa chính ngôi nhà |
“Năm 1975, khi đó tôi 20 tuổi và đang học năm cuối ngành cơ điện, cuộc sống xa nhà rất vất vả, ăn chỉ có bữa sắn bữa ngô nhưng tôi cứ tăng cân vùn vụt.
Lúc đầu tôi nghĩ đó là sự phát triển bình thường, nhưng cho đến khi những quần áo cũ bình thường mặc vừa rộng và dài giờ mặc không vừa, đi chợ mua dép thì dép không có cỡ cho tôi. Thời gian đó, tôi thực sự thấy hoảng loạn.
Giấu gia đình được thời gian đầu, nhưng rồi chiều cao và thân hình cứ mỗi lúc một cao lớn đã “tố cáo” tôi. Ba mẹ tôi đều hoảng hốt, cả nhà đưa tôi đi bệnh viện, tất cả các bệnh viện đều trả lời là tôi bị thừa hóc - môn tăng trưởng, còn chứng đau và tức ngực của tôi thì bác sĩ bó tay dù đã thăm khám, xét nghiệm đủ kiểu.
Vậy là chỉ trong vòng 1 năm, chiều cao của tôi lên gần 2m, nặng 80kg, tôi chính thức thành “người khổng lồ", ông kể
Sau khi tốt nghiệp ngành cơ điện, ông đi xin việc khắp nơi, từ các cơ quan đến doanh nghiệp nhưng tất cả đều từ chối vì ông quá to lớn.
“Tôi còn nhớ như in lần xin việc vào Trường Hai giỏi. Ban đầu, thông qua người quen giới thiệu, họ đã nhận tôi nhưng khi tôi đến nơi, họ vội lắc đầu từ chối vì thân hình tôi quá to lớn”, ông Chính nhớ lại.
Xin việc không được, ông về làm chân gánh gạch ở gần nhà, lò gạch giải thể, ông làm mấy sào ruộng của ba mẹ để sinh sống. Vì cái thân hình cao lớn của mình, đi đâu ông cũng bị mọi người trêu chọc, thậm chí có người còn mang gậy theo đuổi đánh.
Và hành trình tìm người yêu
Xin việc làm đã khó, tìm người để làm vợ ông còn khó hơn bội lần vì tất cả các cô gái trong làng đều từ chối.
Đôi bàn tay to lớn của ông Chính, bên cạnh là tay vợ ông. |
Ông kể, đã có lúc định bỏ cuộc vì đi đâu cũng chỉ gặp những ánh mắt ngại ngần và những cái lắc đầu chối từ, nhưng vì thương bố mẹ mong mỏi ông được yên bề gia thất nên ông không bỏ cuộc.
Năm 25 tuổi, có người quen đã giới thiệu cho ông gặp Hạnh, một cô gái làng bên. Mặc dù đã được người quen giới thiệu nhưng cô gái vẫn bất ngờ khi gặp ông. Nhưng qua những lần tiếp xúc, bà càng thấy thương ông nên đã đồng ý về làm vợ ông.
“Biết tôi yêu anh Chính, gia đình phản đối dữ lắm, tôi không sợ ngoại hình của anh ấy mà chỉ thấy thương anh bởi anh là người hiền lành, mộc mạc. Thấy con gái quyết tâm như thế nên dần dần gia đình tôi cũng đã đồng ý”. bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1955) vợ ông Chính cho biết.
Vượt qua rào cản dư luận, năm 1980 ông và bà chính thức trở thành vợ chồng. Ngày rước dâu, người ta thấy chú rể cao vọt hẳn lên giữa đám đông, đi bên cạnh là cô dâu nhỏ bé. Tình yêu của đôi vợ chồng một thời làm xôn xao cả vùng quê nghèo, nhưng dần dần, sự chân thành, mộc mạc của ông bà đã xóa tan dư luận.
Ông bà không có con, năm 1987 vợ chồng ông nhận một người con gái về nuôi để nương nhờ lúc tuổi già.
Thân hình to lớn khác thường là thế nhưng ông không được mạnh khỏe gì, gần đây, ông bị căn bệnh thần kinh toạ làm cho xương sống bị cong, bao nhiêu sức lực cũng mất hết.
Ông bà không làm ruộng nữa mà chỉ trồng rau màu trong vườn đem ra chợ bán cộng với số tiền trợ cấp tàn tật của nhà nước sống đắp đổi qua ngày. Cuộc sống khó khăn nhưng chưa bao giờ hàng xóm thấy ông bà nặng lời với nhau dù chỉ một lời.