Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950, bà Lee Soon-kyu cách biệt với chồng từ đó. Tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang (Triều Tiên), khi cuối cùng cũng nhìn thấy người chồng mình mong ngóng, trao nhau một cái ôm vụng về, bà Lee Soon-kyu, 85 tuổi, đến từ Hàn Quốc, mỉm cười bẽn lẽn như cô dâu trẻ được cưới thêm lần nữa. Ngày 20/10, bà và hàng trăm người cao tuổi khác đã có cuộc đoàn tụ đầy nước mắt với người thân ở CHDCND Triều Tiên sau hơn 60 năm phải sống ly biệt.
Bà Lee kết hôn với ông Oh In-se mới được 7 tháng và khi đó đã mang thai 5 tháng thì chiến tranh Triều tiên nổ ra. Ông Oh biệt tăm tích khi tham gia chiến tranh.
Ông Oh In-se hội ngộ cùng vợ là bàLee Soon-kyu sau thời gian cách biệt 65 năm. Ảnh:AP. |
Kể từ đó, cặp vợ chồng không gặp lại nhau, cho đến khi ông Oh (sống ở Triều Tiên) đã là một cụ già 83 tuổi, với những nếp nhăn sâu.
"Tôi không thể nói tôi đã nhớ mình bao nhiêu", bà Lee, người đã không tái hôn, ở vậy nuôi con suốt 65 năm nói. "Tôi đã khóc rất nhiều. Mỗi khi nghĩ chúng ta sẽ không gặp được nhau nữa, nước mắt tôi lại không thể ngừng rơi".
Ông Oh nắm tay vợ nói: "Vợ yêu quý, tôi đã không biết chiến tranh lại gây cho chúng ta điều này". Ngay sau khi trao nhau một cái ôm và hỏi thăm, ông nói với vợ mình "Nào, hãy đến đây, ngồi xuống gần tôi". Họ cùng ngồi xuống chiếc bàn trong phòng hội nghị đông đúc.
Ông Oh ngồi giữa vợ và con trai của mình. "Cảm ơn vì đã sống", bà Lee nói với chồng.
Cặp vợ chồng già kết hôn đã hơn65 năm, nhưng ở bên nhau được 7 tháng. Ảnh:AP. |
Nhiều người khác mang đến cuộc hội ngộ này thuốc men, thực phẩm, riêng bà Lee, hành trang mang theo là một chiếc đồng hồ mạ vàng, trên đó có khắc tên vợ chồng bà. "Đồng hồ là một vật quý giá ở các vùng nông thôn trước đây", bà Lee nói khi đặt nó trên cổ tay của chồng. "Tôi đã luôn luôn hối tiếc không thể tặng cho mình một chiếc".
Người con trai có tuổi đã hét lên tiếng "cha" lần đầu tiên trong đời, trước khi cúi chào thật thấp theo kiểu của người Hàn Quốc và ôm chầm lấy. "Con đã luôn cố gắng sống và tự hào là con trai của bố", ông nói và khóc trước ông Oh In-se.
Thời gian hội ngộ của họ diễn ra trong đau đớn, nước mắt. Bởi họ chỉ được phép ở riêng với nhau tổng cộng 12 giờ, còn lại là cùng tham gia các phiên họp. Đến ngày 22/10, họ phải biệt ly lần nữa.
Khoảng khắc gặp nhau lần đầu tiên của ông Oh In-se và con trai. Ảnh:AP. |
Các cuộc đoàn tụ chóng vánh này là một nét phác họa cho thấy tình hình chính trị trên bán đảo Triều Tiên đã gây ra nỗi đau ly tán cho các gia đình. Trong hơn sáu thập kỷ qua họ đã bị cấm trao đổi thư từ, điện thoại hoặc email.
Hàn Quốc đã nhiều lần kêu gọi có thêm các cuộc đoàn tụ. Nhưng với những căng thẳng chính trị, chỉ có 18.800 người Hàn Quốc đã được phép tham gia vào 19 cuộc gặp mặt kể từ năm 1985 tới nay.
Sự chênh lệch cuộc sống giữa một miền Nam phát triển (Hàn Quốc) và một miền Bắc nghèo khó (Triều Tiên) được phô bày ngay tại cuộc gặp mặt. So với những thân nhân miền Nam thì người ở miền Bắc già hơn, da nhăn hơn, nhiều người trong số họ hoàn toàn không còn răng.
Ông Koo Sang-yun là người già nhất ở Hàn Quốc tham gia sự kiện. Ông đã mang theo hai đôi giày truyền thống màu đỏ để tặng cho hai con gái mình là Sung-ja (71 tuổi) và Sun-ok (68 tuổi). Khi cuộc chiến tranh nổ ra, họ mới được 7 và 4 tuổi. Khi hai con còn nhỏ, ông Koo đã hứa sẽ mua cho hai con đôi giày mới. Gần bảy thập kỷ sau, ông đã thực hiện lời hứa đó.
Theo Phan Dương/Vnexpress (Theo SMH)