Sở GD&ĐT TP.HCM vừa tổ chức vòng tuyển chọn dự án tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh (HS) trung học cấp quốc gia.
Tại vòng này, có 71 đề tài tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Ấn tượng với đề tài về hội chứng “con vịt nổi”
Đến với cuộc thi khoa học kỹ thuật, Mai Trà Ngọc Anh, HS Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, mang đến dự án nghiên cứu “Tác động của hội chứng con vịt nổi đối với học sinh THPT tại TP.HCM và đề xuất một số giải pháp”.
“Đậu vào lớp 10 trường điểm quận Phú Nhuận, bản thân em rất áp lực. Em luôn cố gắng học thật giỏi. Nhưng để đạt kết quả trên, em phải học ngày cày đêm, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng và nghiêm khắc với bản thân. Tình trạng trên cứ kéo dài cho đến khi em biết đây là hội chứng “con vịt nổi” - Ngọc Anh nói.
Theo Ngọc Anh, hội chứng con vịt nổi ám chỉ việc một con vịt bơi trên mặt nước trông có vẻ bình tĩnh nhưng dưới mặt nước, nó đang đạp liên tục để không chìm. Dẫn lời tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hoà An, Ngọc Anh nói: “HS mắc hội chứng này thường phải cố gắng để giữ cho vẻ ngoài hoàn hảo, trong khi bên trong căng thẳng, đối mặt với áp lực. Việc so sánh bản thân với bạn bè là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến áp lực tâm lý".
Theo góc nhìn của Ngọc Anh, giới trẻ đang có xu hướng so sánh bản thân trên mạng xã hội lẫn đời sống thực tại. Ở lứa tuổi này có những sự thay đổi trong tâm lý như mong muốn được thừa nhận, được khẳng định. Ngoài ra, các bạn còn gặp áp lực từ học tập, từ mối quan hệ bạn bè, gia đình... dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Do đó, Ngọc Anh cho rằng dự án này là vô cùng cần thiết. Nghiên cứu không chỉ giúp hiểu rõ hơn về mức độ phổ biến và tác động của hội chứng đối với học sinh mà còn là cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp.
Để thực hiện đề tài trên, Ngọc Anh đã nghiên cứu các HS lớp 10, 11, 12 tại Trường THPT Phú Nhuận và Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình.
Kết quả khảo sát cho thấy mức độ nhận thức của các bạn về hội chứng con vịt nổi chưa cao, chỉ 17,6% trong tổng số 1.000 phiếu khảo sát.
Trước câu hỏi về xu hướng so sánh bản thân, kết quả đây là hiện tượng phổ biến trong học đường với 95,4% HS thừa nhận. Mức độ so sánh giữa các cấp học khác nhau. Khi không đạt được, 99,2% HS thấy thất vọng, 83,3% thấy tiếc nuối.
Từ thực tế trên, Ngọc Anh đã thiết kế “hợp chất dạng dẻo”, với tính chất đàn hồi, hợp chất này giúp người dùng tập trung, giảm lo âu. Màu sắc, hương thơm của nó có tác động tích cực, kích thích giác quan. Bên cạnh đó, xây dựng fanpage “Trạm chữa lành GenZ” để giúp HS hiểu rõ về hội chứng trên.
Thích thú khi học lịch sử qua trò chơi
Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật, đề tài “Giải pháp sáng tạo để gây hứng thú học về chuyên đề chiến dịch Hồ Chí Minh” của em Nguyễn Song Ngọc Châu, HS lớp 9 Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, cũng gây chú ý.
"Nhiều bạn trẻ khi được hỏi về các kiến thức sơ đẳng của lịch sử gần như không thể trả lời. Bởi họ cho rằng lịch sử không cần thiết cho thực tại, khó tiếp thu. Ví dụ, trong môn lịch sử lớp 9, khi tìm hiểu chuyên đề Chiến dịch Hồ Chí Minh, dù nội dung rất hay nhưng cách truyền đạt gây khó nhớ, chưa đầy đủ và rập khuôn. Từ niềm yêu thích bộ môn, từ thực tế trên, em đã nghiên cứu đề tài này” - Ngọc Châu nêu lý do.
Ngọc Châu đã khảo sát HS lớp 8, lớp 9 tại 4 Trường THCS Trần Văn Ơn, THCS Võ Trường Toản (quận 1), THCS Lê Văn Tám, THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh) về cách tiếp cận kiến thức chuyên đề môn lịch sử về chiến dịch Hồ Chí Minh.
Kết quả, đa số đều khó khăn trong việc tự học, tìm hiểu và ghi nhớ chi tiết, địa điểm, cột mốc thời gian và ý nghĩa của chiến dịch. Bên cạnh đó, khi khảo sát về nhu cầu tìm hiểu kiến thức về chiến dịch Hồ Chí Minh, HS lớp 8 chủ yếu tìm hiểu sách vở. Trong khi đó, HS lớp 9 mong được tương tác và làm việc tập thể. Chính điều đó, đã đặt ra cho em một mục tiêu rõ ràng là tìm giải pháp phù hợp.
“Em thiết kế trò chơi lịch sử có tên Chiến dịch Hồ Chí Minh gồm hình ảnh, âm thanh. Sau đó, em nhờ 749 HS tại Trường THCS Lê Văn Tám và THCS Trần Văn Ơn chơi và khảo sát. Kết quả, nhờ trò chơi, HS nhớ được những con số và sự kiện quan trọng của chiến dịch Hồ Chí Minh” - Châu nói.
Mò mẫm nghiên cứu hệ thống thay pin tự động cho máy bay không người lái
Tại không gian trưng bày sản phẩm của nhóm HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5, thu hút nhiều khách tham quan.
Với lĩnh vực hệ thống nhúng, Nguyễn Phước Khang - lớp 12CL2 và Trần Cao Cấp - lớp 11CTIN thực hiện dự án Hệ thống thay pin tự động cho máy bay không người lái.
“Mô hình trên giống như một trạm xăng, máy bay không người lái có thể tự động thay pin và tiếp tục thực hiện, không cần quay về nơi bắt đầu để tìm người thay pin. Sản phẩm này có thể ứng dụng trong nhà máy, hệ thống giao hàng, tưới tiêu nông nghiệp” - Phước Khang chia sẻ.
Theo Phước Khang, quá trình thực hiện mất nhiều thời gian, trải qua nhiều lần thất bại. Ngay trước ngày thi, hệ thống mới có thể quay và đang là mô hình bán tự động, cần sự can thiệp của con người.
“Sản phẩm chưa hoàn thiện. Tụi em sẽ tiếp tục nghiên cứu thành hệ thống tự động qua các cảm biến” - Khang nói.