Cựu tư lệnh Cảnh sát biển bị phạt 16 năm tù

(PLO)- Theo HĐXX, vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh lực lượng Cảnh sát biển.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 29-6, Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội tuyên án vụ cựu tư lệnh Cảnh sát biển (CSB) Nguyễn Văn Sơn và sáu đồng phạm bị truy tố về tội tham ô tài sản.

Chỉ đạo sáu trưởng phòng phải rút đủ 50 tỉ đồng

HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sơn (cựu trung tướng) mức án 16 năm tù, Hoàng Văn Đồng (cựu trung tướng, cựu chính ủy CSB) 15 năm sáu tháng tù.

Các bị cáo Doãn Bảo Quyết (cựu thiếu tướng, cựu phó chính ủy), Phạm Kim Hậu (cựu thiếu tướng, cựu tham mưu trưởng), Bùi Trung Dũng (cựu thiếu tướng, cựu phó tư lệnh) bị tuyên phạt cùng mức án 15 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu đại tá, cựu phó tư lệnh) bị tuyên phạt 10 năm tù, Bùi Văn Hòe (cựu thượng tá, cựu phó phòng Tài chính) 12 năm tù.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: CTV
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: CTV

Về hình phạt bổ sung, cấm các bị cáo Sơn, Đồng, Quyết, Hậu, Dũng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong thời hạn năm năm, các bị cáo Hưng, Hòe là ba năm.

Tòa cũng ghi nhận các bị cáo đã tự nguyện bồi thường xong toàn bộ thiệt hại là 50 tỉ đồng.

Theo HĐXX, có đủ cơ sở khẳng định hành vi của các bị cáo đã phạm tội tham ô tài sản. Cụ thể, năm 2019, khi Cục Kỹ thuật được phân bổ nguồn ngân sách quản lý hành chính, cựu tư lệnh Nguyễn Văn Sơn đã thống nhất với các bị cáo Đồng, Quyết, Hậu, Dũng về việc rút 50 tỉ đồng.

Ông Sơn sau đó chỉ đạo Hưng thực hiện. Đến lượt ông Hưng chỉ đạo sáu trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật phải rút đủ 50 tỉ đồng. Những trưởng phòng này phân chia nguồn ngân sách thành 29 gói thầu, trong đó có chín gói thầu giá trị dưới 10 tỉ đồng để Tư lệnh CSB phê duyệt, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng.

Họ đặt vấn đề với các nhà thầu để nâng giá, nhằm “hỗ trợ đơn vị có nguồn quỹ vốn sử dụng vào mục đích phúc lợi”. Sau đó, 24 hợp đồng được Bộ Tư lệnh CSB ký với 16 doanh nghiệp, giúp “rút ruột” ngân sách 50 tỉ đồng.

Có được số tiền này, trung tướng Sơn chia cho mình và bốn người là Đồng, Hậu, Quyết và Dũng, mỗi người 10 tỉ đồng.

Tố cáo, nộp file ghi âm nhưng sau đó… rút lại

Theo HĐXX, tính chất vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi sai phạm của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh lực lượng CSB.

Bị cáo Sơn chủ động trao đổi với bốn bị cáo khác về việc rút 50 tỉ đồng để chia cho các thủ trưởng nên phải chịu trách nhiệm chính. Các bị cáo khác là người tiếp nhận ý chí, đồng phạm với Sơn.

Đối với bị cáo Hưng, HĐXX cho rằng pháp luật buộc bị cáo phải biết rằng rút một số lớn tiền từ ngân sách để chi tiêu cá nhân là vi phạm pháp luật. Do đó, đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo là tham ô.

Bị cáo Hòe cho rằng mình có thiếu trách nhiệm nhưng không tham ô tài sản, bản thân không được trao đổi, bàn bạc không được hưởng lợi. Tuy nhiên, bị cáo biết rõ Cục Kỹ thuật chia nhỏ gói thầu để không cần trình Bộ Quốc phòng phê duyệt, nắm được giá cả bất thường mà không báo cáo.

Quy định về chức trách phó phòng phụ trách phòng Tài chính buộc bị cáo phải biết, chịu trách nhiệm về giá cả trước khi hợp đồng được phê duyệt. Nếu bị cáo làm hết chức trách thì không thể có chuyện các trưởng phòng chia nhỏ gói thầu, nâng giá để rút tiền… Lời khai của các trưởng phòng đã khẳng định điều này.

Bị cáo Hòe nhiều lần không kiểm tra giá thì đây không phải lỗi vô ý mà là cố ý.

Hai bị cáo Hưng và Hòe là đồng phạm giúp sức nhưng bị cáo Hòe khai báo có những nội dung chưa rõ ràng cho thấy bị cáo chưa thực sự thành khẩn nên HĐXX cho rằng cần áp dụng hình phạt cao hơn bị cáo Hưng.

Tuy nhiên, HĐXX xét thấy các bị cáo đã thành khẩn khai báo, đã nộp lại số tiền tham ô trước khi khởi tố vụ án. Các bị cáo có nhiều bằng khen, giấy khen, nhiều thành tích trong quá trình công tác…

Bị cáo Sơn tự nguyện khai báo trước khi vụ án khởi tố nên được coi là đầu thú. Bị cáo Hậu có đơn tố cáo, nộp file ghi âm nhưng sau đó rút lại đơn tố cáo nên không được cho hưởng tình tiết giảm nhẹ này.

Sáu trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật có sai phạm chia nhỏ gói thầu, trực tiếp trao đổi thống nhất với nhà thầu nâng giá để rút tiền. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy họ là cấp dưới, có mối quan hệ lệ thuộc, thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, không có động cơ vụ lợi và không biết số tiền 50 tỉ đồng sau đó bị chia cá nhân nên việc không xử lý hình sự đối với họ là có căn cứ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm