Tại các cửa hàng xe đạp điện và trên các trang bán hàng online, không khó để tìm kiếm một chiếc xe đạp điện với đủ kiểu dáng, màu sắc từ xe lắp ráp trong nước đến xe ngoại nhập... Đa số đều khẳng định xe có vận tốc 35-40 km/giờ, thậm chí 50 km/giờ, công suất đều trên 250 W.
Đó là theo thiết kế của nhà sản xuất. Nhưng thực tế có tình trạng các học sinh trong độ tuổi muốn thể hiện bản thân đã lén gia đình độ chế nâng công suất xe để đạt vận tốc lên 70-80 km/giờ, thậm chí cả trăm kilomet/giờ bằng các thao tác rất dễ dàng.
Quy chuẩn hiện hành (Quy chuẩn Việt Nam 68:2013/BGTVT của Bộ GTVT) quy định các loại xe đạp điện là loại xe có công suất dưới 250 W, vận tốc tối đa không quá 25 km/giờ. Nhưng thực tế vận tốc, công suất của các loại xe đạp điện do các nhà sản xuất cung cấp cho thị trường hiện nay đều cao hơn quy chuẩn.
Nói cách khác, xe đạp điện hiện nay có vận tốc không khác gì xe máy nên đòi hỏi người sử dụng phải có kỹ năng xử lý cũng như có kiến thức nhất định về quy tắc an toàn giao thông khi chạy xe trên đường. Nhưng nghịch lý là loại phương tiện này vẫn được xem là xe thô sơ nên người sử dụng không cần bất cứ điều kiện gì và các quy định của pháp luật hầu như bỏ ngỏ, không ràng buộc điều kiện với người sử dụng nó.
Vì được xem là phương tiện thô sơ nên các bậc phụ huynh thường lựa chọn loại xe này cho các học sinh làm phương tiện đi lại. Đã có rất nhiều vụ tai nạn mà nạn nhân là các học sinh sử dụng xe đạp điện chạy với vận tốc cao, không làm chủ tốc độ, lấn làn, thiếu quan sát, xử lý tình huống không kịp... gây đau lòng cho mọi người.
Cũng vì là phương tiện thô sơ, các học sinh lại đang trong độ tuổi chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nên có nhiều trường hợp khi các em vi phạm, điển hình như hành vi độ chế tăng tốc độ xe thì khó có thể áp dụng các chế tài.
Đã có rất nhiều biện pháp như đưa chương trình an toàn giao thông vào học đường, CSGT phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền đến học sinh nhưng điều này vẫn chưa đủ.
Chúng ta cần công cụ pháp luật hữu hiệu hơn như kiểm soát công suất, vận tốc xe đạp điện ngay từ nhà sản xuất, tổ chức sát hạch kỹ năng cho các em nhưng đó chỉ là phần ngọn.
Với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật hiện nay, việc biến một chiếc xe đạp điện đạt vận tốc cả trăm kilomet/giờ là không khó. Ngay hôm qua (14-3) lại xảy ra vụ tai nạn xe đạp điện ở Bình Định làm hai học sinh thương vong.
Vì vậy, đã đến lúc không nên xem xe đạp điện là phương tiện thô sơ để việc quản lý cũng như quy định về điều kiện để sử dụng tương thích.