Học sinh độ, chế xe đạp điện: Mối nguy khôn lường

(PLO)- Xe đạp điện được độ, chế chạy tốc độ cao, có thể chạy 100 km/giờ, tiềm ẩn nhiều mối nguy nhưng pháp luật chưa điều chỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 15-11-2022, em NMT (15 tuổi, ngụ huyện Thạnh Hóa, Long An) chạy xe đạp điện trên Quốc lộ 62 theo hướng từ huyện Thạnh Hóa về TP Tân An thì va chạm với ô tô 62A-203.28. Hậu quả là em bị hất văng lên kính ô tô, ngã xuống đường tử vong tại chỗ. Xe đạp điện gãy đôi, cách hiện trường hơn 40 m...

Theo kết quả khám nghiệm hiện trường và trích xuất camera, em T đã điều khiển xe đạp điện vượt qua xe tải với tốc độ cao.

Độ xe - chuyện đơn giản với học sinh cấp II

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vấn nạn học sinh (HS) sử dụng xe đạp điện độ, chế ở hai tỉnh Long An, Tiền Giang diễn ra khá nhiều nhưng các em chưa ý thức được sự nguy hiểm khi lưu thông trên đường.

Cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Tân An, Long An tuyên truyền cho học sinh các quy định đối với người điều khiển xe đạp điện, xe điện. Ảnh: H.DU

Cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Tân An, Long An tuyên truyền cho học sinh các quy định đối với người điều khiển xe đạp điện, xe điện. Ảnh: H.DU

Theo ghi nhận của PV, tại các trường THCS ở huyện Thủ Thừa, TP Tân An, Long An và huyện Tân Phước, Tiền Giang, các HS đi xe đạp điện, xe điện đến trường chiếm hơn 70%.

Em NTNT (HS lớp 8 ở một Trường THCS, huyện Thủ Thừa, Long An), người khá hiểu về chuyện độ, chế xe của các bạn, cho biết việc độ, chế xe đạp điện rất dễ dàng. Chỉ cần tháo dây hãm tốc trong bánh xe sau thì xe đạp điện sẽ được “kích tốc” chạy nhanh như xe máy điện.

Theo em T, nếu muốn xe nhanh hơn thì phải tốn tiền, khoảng 2-3 triệu đồng. Nếu muốn xe có tốc độ cao hơn, lạ hơn, mạnh hơn, có thể chạy ngang hoặc hơn tốc độ xe máy thì tốn hơn 30 triệu đồng.

Tập kết các xe đạp điện độ, chế để đua.

Tập kết các xe đạp điện độ, chế để đua.

“Bằng cách gỡ bỏ một số bộ phận không cần thiết như bàn đạp, giỏ xe, cốp nhựa đựng đồ và yên sau… lắp bình ắcquy từ bốn lên năm, sáu hoặc tám bình hoặc pin nguồn cao hơn, nâng cấp IC lỗi bánh xe sau từ 350 W lên 500 W, 1.000 W, 1.500 W tùy theo điều kiện cho phép. Từ đó, xe được cung cấp nguồn điện mạnh hơn, xe chạy nhanh hơn tốc độ thiết kế” - em T nói.

Em T cho biết thêm thiết bị nâng cấp có thể tự đặt mua trên mạng hoặc tìm đến các cửa hàng xe điện mua về rồi tự gắn, chế vào. “Còn muốn độ đẳng cấp thì đến các tiệm hoặc các lò độ xe điện có quảng cáo trên mạng” - em T chia sẻ.

Các học sinh chạy xe đạp điện chưa đảm bảo an toàn.

Các học sinh chạy xe đạp điện chưa đảm bảo an toàn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi việc tự độ, chế xe đạp điện rất dễ dàng. Trên mạng xã hội, có nhiều kênh YouTube, nhiều tài khoản hướng dẫn chi tiết cách tháo dây, lắp ráp... nên nhiều HS dễ dàng làm theo.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro từ xe đạp điện độ, chế

Hành vi thay đổi kết cấu để nâng tốc độ xe đạp điện hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao.

Theo CSGT tỉnh Long An, thực trạng HS điều khiển xe đạp điện gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông trên đường phố như chở ba, chạy bốc đầu, đánh võng, dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm, vừa đi vừa nghe nhạc… đang gia tăng và khó kiểm soát.

Ngành giáo dục đã ban hành văn bản đẩy mạnh tuyên truyền an toàn giao thông và tiếp tục chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường trong các trường phổ thông, triển khai đến các phòng GD&ĐT huyện, thị xã, TP, các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và kỹ thuật tổng hợp trực thuộc.

Ông NGUYỄN HỒNG PHÚC, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Long An

Thực tế, khi lưu thông trên đường, nhiều HS chạy xe đạp điện quá nhanh, chủ quan xem loại xe này không khác gì xe đạp thông thường, dẫn đến không thể xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra.

Nguy hiểm hơn, loại xe này không có tiếng động nên khi vượt lên, xe lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh, nhất là vào ban đêm… hầu hết các loại xe đạp điện không gắn kính chiếu hậu, còi, đèn xi nhan nên khi chuyển hướng cũng có thể xảy ra tai nạn nếu người tham gia giao thông thiếu cảnh giác.

Hiện không ít HS sử dụng xe đạp điện có vận tốc cao, vượt hơn 25 km/giờ nhưng thiếu kỹ năng xử lý, bởi các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức giao thông, chưa được học về kỹ năng điều khiển xe an toàn, đúng cách và đã có nhiều tai nạn thương tâm liên quan đến loại xe này. Trong khi đó, loại xe này đang được xem là xe thô sơ nên chưa có biện pháp quản lý, xử lý hữu hiệu.•

(Bài sau: Các chuyên gia phân tích về việc độ xe cũng như kiến nghị không nên xem xe đạp điện là xe thô sơ)

Thường xuyên tuyên truyền đến học sinh

Theo Trung tá Nguyễn Hữu Nghĩa, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, Phòng CSGT Công an tỉnh Long An, thời gian qua, Phòng CSGT Công an tỉnh Long An phối hợp với các trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức các buổi diễn đàn Thanh niên với an toàn giao thông và tuyên truyền trật tự, an toàn giao thông cho HS.

Thông qua diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên, HS trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, công tác quản lý, sử dụng và điều khiển ô tô, xe máy, các xe tham gia giao thông đối với cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong đơn vị. Đồng thời phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đoàn.

Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm