Sáng 5-9, Trường THPT Đạ Huoai, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2024-2025 cho hơn 600 em học sinh.
Buổi lễ có sự tham dự của ông Trần Đình Văn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo huyện Đạ Huoai, Ban giám hiệu nhà trường và nhiều khách mời.
Trong không khí vui tươi của ngày tựu trường, Tỉnh uỷ Lâm Đồng, Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Đạ Huoai, các cựu học sinh của trường này và các mạnh thường quân đã trao tổng cộng 49 suất học bổng cho các em học sinh.
Dịp này, Công đoàn báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã trao ba suất học bổng của các nhà tài trợ với tổng số tiền là 50 triệu đồng cho ba em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (1 em nhận học bổng 30 triệu đồng, 2 em nhận học bổng mỗi em 10 triệu đồng).
Trong số các em học sinh được nhận học bổng từ Công đoàn báo Pháp Luật TP.HCM có em Lê Phước Lộc (học sinh lớp 10A1) có hoàn cảnh mồ côi cha lúc 11 tuổi nhưng rất may em được sống trong tình thương của mẹ, em gái và ông bà ngoại. Lộc lớn lên trong nghèo khó nhưng em học rất giỏi, đạt nhiều giải thưởng cấp trường, cấp tỉnh.
Cuộc sống gia đình Lộc rất khó khăn, ông bà của em lại bệnh triền miên nên đôi vai của mẹ em Lộc đã nặng lại càng nặng hơn. Vì vậy, nỗi lo lắng lớn nhất của Lộc là khi ông bà già yếu, sức khoẻ của mẹ giảm sút, con đường học vấn của em sẽ càng gập ghềnh.
"Lộc dường như giỏi toàn diện vì ngoài học lực, em còn là một đoàn viên ưu tú của nhà trường. Các thầy cô giao việc khó đến đâu em cũng vui vẻ khi tiếp nhận công việc và hoàn thành một cách chỉn chu nhất” - cô Phạm Thị Nhài, Bí thư Đoàn trường chia sẻ.
Cô Nhài nói có hai điều đáng quý nhất ở cậu học trò này, đó là: sống có trách nhiệm với bản thân và tập thể; trung thực trong cách nghĩ và cách sống. "Lộc luôn được bạn bè xung quanh yêu mến, quý trọng, bởi em luôn sống chân thành và khiêm tốn, luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ bạn bè. Đó là phẩm chất của một công dân lương thiện!"- cô Nhài chia sẻ.
Trường hợp thứ hai là em Phạm Thị Quỳnh Như, em hiện đang sống với người mẹ bị bệnh suy nhược nặng cấp, bệnh tim, sức khỏe rất kém, gần như không thể lao động. Thu nhập của cả nhà chủ yếu từ công việc đan giỏ lát thuê cho người ta. Dù vậy, em Như luôn cố gắng học tập, thành tích rất đáng khích lệ.
Trường hợp thứ ba là em Dương Phan Minh Thư. Hai chị em Thư hiện sống với bà ngoại. Thu nhập của bà phụ thuộc vào việc làm vườn thuê và đan giỏ. Ngoài giờ học, Minh Thư cũng phụ bà đan giỏ để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày...
Hi vọng rằng, với phần học bổng mà các mạnh thường quân đã trao sẽ góp phần giúp các em vững bước trên con đường học tập.
Các mạnh thường quân đóng góp học bổng thông qua Công đoàn báo Pháp Luật TP.HCM
1. Luật sư Nguyễn Thanh Kha (VPLS Quang Duy), Đoàn Luật sư TP.HCM.
2. Chị Nguyễn Thị Thu Sương, Trung tâm Mạng lưới Mobifone Miền Nam, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone.
3. Ông Lê Thuần Phong, Chánh án TAND quận 7, TP.HCM.
4. Ông Phan Trương Hiền, Viện trưởng VKSND huyện Hóc Môn, TP.HCM.
5. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.
6. Luật sư Hoàng Kim Minh Châu, Công ty Luật TNHH CMB & Cộng sự, Đoàn Luật sư TP.HCM.
7. TS Phùng Đại Khánh, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM;
8. Ông Trần Đức Vinh, Công ty BĐS Trần Anh.