Đã kháng nghị vụ tòa 3 lần kiến nghị giám đốc thẩm án của mình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-3, TAND Tối cao đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm “Tranh chấp về quyền sử dụng lối đi chung và tháo dỡ tài sản trên lối đi chung; tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, tháo dỡ vật kiến trúc và chấm dứt việc trổ cửa” của TAND tỉnh Quảng Ngãi. Nguyên đơn trong vụ án là bà Võ Thị Hoàng Oanh, bị đơn là bà Nguyễn Thị Kim Bích.

Tòa kiến nghị giám đốc thẩm bản án của chính mình

Đây là vụ án mà TAND tỉnh Quảng Ngãi từng ba lần gửi văn bản kiến nghị TAND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án của chính mình.

Theo quyết định kháng nghị, phần đất hành lang (8,5 m) hiện là đường vào nhà bà Bích là lối đi chung giữa nhà bà Oanh và nhà bà Bích. Đây là phần đất nằm trong lộ giới, không công nhận quyền sở hữu. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm lại công nhận thuộc quyền sử dụng của bà Bích và buộc bà Oanh phải bít cửa ra lối đi chung là không có căn cứ.

Căn nhà của bà Oanh (có bảng màu đen) và bà Oanh đứng trước lối đi.
Ảnh: YC

Về việc buộc nguyên đơn tháo dỡ vật kiến trúc nằm trên lối đi chung, theo TAND Tối cao, phần diện tích đường hành lang nêu trên vi phạm lộ giới, không công nhận quyền sở hữu, nên phần đất này thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước. Vì vậy, cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm nếu xây dựng trái phép.

Do đó, theo TAND Tối cao, nếu bà Oanh xây dựng trái phép trên khoảng không của hành lang thuộc quyền quản lý của Nhà nước thì bà Bích có quyền tố cáo và cơ quan có thẩm quyền giải quyết thuộc UBND TP Quảng Ngãi. Lẽ ra tòa án cần tham khảo ý kiến của UBND TP Quảng Ngãi về việc xử lý vi phạm trong việc xây dựng trái phép thì mới đủ cơ sở giải quyết vụ án.

Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm cho rằng việc nguyên đơn xây dựng trái phép trên khoảng không của phần đất hành lang 8,5 m thuộc quyền sử dụng của bị đơn nên buộc nguyên đơn phải tháo dỡ phần đã xây là không có cơ sở. Bởi 8,5 m đất hành lang này không thuộc quyền sử dụng riêng của bà Bích mà thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Từ những lý do trên, TAND Tối cao quyết định kháng nghị đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy cả hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, TAND Tối cao tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng.

Tranh chấp bắt nguồn từ lối đi chung

Theo hồ sơ, bà Oanh khởi kiện yêu cầu bà Bích tháo dỡ cánh cửa nhôm gắn trên tường nhà bà và trả lại lối đi chung cho hai nhà, bà sẽ thanh toán giá trị cánh cửa.

Bà Bích phản tố yêu cầu công nhận hành lang đi vào thuộc quyền sử dụng của bà, buộc bà Oanh bồi thường cánh cửa bị bà Oanh đập, xây bít cửa thoát hiểm mà bà Oanh đã trổ ra hành lang. Đồng thời, bà Bích yêu cầu bà Oanh đưa hệ thống ống nước và hố ga ra khỏi hành lang; tháo dỡ cầu thang xoắn; tháo dỡ ban công tầng hai, tháo dỡ toàn bộ diện tích xây dựng, lợp mái tôn ở tầng ba; công nhận quyền sở hữu ban công tầng một cho bà.

Tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 9-2016, TAND TP Quảng Ngãi chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Oanh, buộc bà Bích tháo dỡ, dọn cánh cửa nhôm (không chấp nhận yêu cầu của bà Oanh về tranh chấp sử dụng lối đi chung).

Tòa sơ thẩm còn chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bà Bích, buộc bà Oanh bồi thường cho bà Bích hơn 2,4 triệu đồng (tiền cánh cửa); công nhận phần đất hành lang đi vào nhà là của bà Bích, buộc bà Oanh tháo dỡ, dọn hệ thống cấp nước và hố ga, tháo dỡ cầu thang xoắn. Đồng thời, bà Oanh phải tháo dỡ, dọn ban công tầng hai và phần xây dựng ở tầng ba ra khỏi không gian hành lang của bà Bích, buộc bà Oanh xây bít cửa thoát hiểm đã trổ.

Không đồng tình, cả hai kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm năm 2017, TAND tỉnh Quảng Ngãi sửa một phần bản án sơ thẩm về việc công nhận quyền sở hữu ban công tầng một là của bà Bích. Tòa ghi nhận sự tự nguyện của bà Bích về việc tháo dỡ phần ban công này, đồng thời không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Bích về việc buộc nguyên đơn phải tháo dỡ, dọn hệ thống cấp nước, hố ga...

Một bản án khó thi hành

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, quá trình tổ chức thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự TP Quảng Ngãi có văn bản gửi TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vì cho rằng có khả năng gây sụp đổ ngôi nhà nếu thi hành theo bản án. Bà Oanh cũng làm đơn đề nghị giám đốc thẩm bản án. Tuy nhiên, cả TAND Tối cao và TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng đều cho rằng không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm... nên vụ việc kéo dài từ năm 2016 đến nay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm