Trên đây là nhận định của BS chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang.
Theo BS Quý, ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế, BV Đa khoa Gò Quao quyết liệt dập dịch và tăng cường công tác điều trị cho bệnh nhân. Đến ngày 28-9, dịch cúm A/H1N1 cơ bản được khống chế.
BS Nguyễn Xuyên Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gò Quao, cho biết ngày 21-9, nhận tin báo có trên 100 công nhân tại Nhà máy may Vinatex Kiên Giang mắc bệnh có biểu hiện giống nhau như sốt, ho, viêm họng, sổ mũi, đau cơ… Trung tâm Y tế huyện phối hợp với BV Đa khoa Gò Quao xác minh, khám bệnh và phát hiện 104 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cúm A/H1N1.
Sau đó, Trung tâm Y tế huyện đã báo cáo về Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy năm mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm. Kết quả là năm bệnh phẩm đều có kết quả dương tính với cúm A/H1N1.
Tính từ ngày 20 đến 28-9, huyện Gò Quao ghi nhận 165 ca mắc cúm A/H1N1, nhập viện điều trị tại BV Đa khoa Gò Quao 68 ca và đến ngày 28-9 có 28 ca xuất viện.
Theo BS Lê Quang Trung, Giám đốc BV Đa khoa Gò Quao, sau khi các công nhân nhập viện, BV đã thành lập khu vực điều trị cách ly. Đồng thời cán bộ y tế hướng dẫn người nhà bệnh nhân đeo khẩu trang, thực hiện phòng hộ cá nhân khi thăm nuôi người thân để tránh tình trạng bệnh lây lan. Đến nay, tình hình sức khỏe của các bệnh nhân mắc bệnh cúm A/H1N1 đang điều trị ở BV đều ổn, chưa có trường hợp chuyển về tuyến trên.
Theo BS Việt, tuy dịch bệnh cúm A/H1N1 cơ bản đã được khống chế nhưng công nhân của Nhà máy may Vinatex Kiên Giang có gần 1.000 người nên rất khó kiểm soát. Do đó, Trung tâm Y tế huyện Gò Quao vẫn theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật số liệu ca mắc mới theo hướng dẫn. Cùng với đó là hướng dẫn nhà máy may phải thường xuyên mở cửa thông thoáng, khử trùng nhà xưởng, nhà ăn, khu vệ sinh; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế huyện trong công tác xử lý ổ dịch và sớm thành lập tổ y tế cơ quan theo quy định.
BS Quý cho biết đa phần các trường hợp bị cúm A/H1N1 chỉ cần điều trị đúng phác đồ sẽ khỏi bệnh. Tuy nhiên, không nên chủ quan vì một số BV lớn vẫn ghi nhận các ca bị cúm nặng do bị nhiễm cúm A/H1N1 do bệnh dễ tiến triển nhanh, gây suy hô hấp, suy đa phủ tạng và tử vong. Để phòng bệnh cúm A/H1N1, người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. |