Đà Nẵng: Nhà cao tầng sẽ phá hỏng không gian đô thị

Những cao ốc bọc kính bóng loáng sẽ khiến “hình hài” TP có vẻ hiện đại nhưng cũng chứa đựng đầy nguy cơ làm mất đi các giá trị văn hóa, lịch sử của không gian đô thị hai bên sông.

“Trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy xu thế tất yếu là Đà Nẵng cần phát triển hài hòa, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, hướng tới phát triển đô thị bền vững”. GS-TS Hồng Kế (tham gia nghiên cứu quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2020) từng nhận định trong hội thảo Quy hoạch TP Đà Nẵng - Quá trình hội nhập và phát triển, tổ chức cuối năm 2010.

Sông Hàn như “cái gáy” của cuốn sách

Sự phát triển “hài hòa giữa hiện đại và truyền thống” cho Đà Nẵng, theo TS Phạm Thúy Loan (ĐH Xây dựng Hà Nội), cần gắn liền với định hướng thiết kế đô thị hai bờ sông Hàn. “Sự phát triển của Đà Nẵng được ví như cuốn sách mở ra hai bên sông Hàn. Dòng sông như gáy của cuốn sách, như cột trụ của sự phát triển đã trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết đối với Đà Nẵng về mặt không gian, kinh tế, văn hóa-xã hội, môi trường” - TS Loan nói.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đánh giá Đà Nẵng đã đầu tư đáng kể cho sông Hàn từ khi cây cầu quay đầu tiên của Việt Nam bắc qua dòng sông năm 2000. Tiếp đó là những công viên, đường đi dạo, những cây cầu nối tiếp nhau, những sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế như lễ hội pháo hoa… Điều đó khiến sông Hàn đồng thời trở thành hành lang “vàng” của các dự án bất động sản hàng trăm triệu USD. Các dự án xây dựng hai bên sông Hàn, đặc biệt trong khu vực trung tâm, diễn ra nhanh chóng với các công trình quy mô rất lớn, hứa hẹn một hình ảnh Đà Nẵng phát triển, hiện đại.

Đà Nẵng: Nhà cao tầng sẽ phá hỏng không gian đô thị ảnh 1

Các công trình cao tầng bên sông Hàn chưa tạo nên hình ảnh tổng thể đẹp mắt, độc đáo, ấn tượng cho Đà Nẵng. Ảnh: HẢI CHÂU

Áp lực từ các công trình cao tầng

Tuy nhiên, TS Phạm Thúy Loan cảnh báo: “Những cao ốc bọc kính bóng loáng sẽ khiến “hình hài” TP có vẻ hiện đại và phát triển nhưng cũng chứa đựng đầy nguy cơ làm mất đi các giá trị văn hóa, lịch sử của không gian đô thị hai bên sông. Sự phát triển quá nhanh có thể khiến Đà Nẵng bỏ qua cơ hội tạo dựng nên một TP và dòng sông không chỉ đẹp như trong bưu thiếp mà còn có chiều sâu, đầy cuốn hút và khó quên.

Theo bà Loan, gần đây hàng loạt dự án nhà cao tầng xuất hiện ở bờ tây sông Hàn thuộc khu vực đô thị có giá trị lịch sử lâu đời. Các công trình này thường nằm rải rác, tái xây dựng trên các miếng đất cũ bằng cách phá bỏ các công trình kiến trúc trước đó. Đây là dạng thái đô thị hiện đại, tập trung đậm đặc các hoạt động đòi hỏi không gian rộng rãi, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông tương xứng nên không phù hợp với đặc điểm về hình thái của các khu vực lịch sử.

Ở bờ đông sông Hàn hiện chưa có nhiều công trình cao tầng xuất hiện nhưng cũng có hai dự án lớn đang triển khai là Olalani và Đà Nẵng World Trade Centre. Phía vịnh Đà Nẵng, cửa sông Hàn đổ ra biển, cũng có hai quần thể công trình cao tầng đang trong thi công là khu đô thị quốc tế Đa Phước và Blooming Tower... Có thể thấy các công trình này chưa tạo nên một hình ảnh tổng thể đẹp mắt, độc đáo, ấn tượng cho Đà Nẵng nhưng lại đang có nguy cơ phá hỏng đặc điểm không gian và hoạt động trong khu vực trung tâm đô thị lịch sử do quy mô, khối tích và các chức năng mới không phù hợp.

Cần có thiết kế tổng thể

Qua những chuyến khảo sát thực địa tại Đà Nẵng, TS Phạm Thúy Loan cho rằng lãnh đạo TP cần cân nhắc, hạn chế hoặc dừng các dự án cao tầng thuộc khu vực trung tâm cũ. Đặc biệt, cần xây dựng thiết kế tổng thể về mặt hình ảnh đô thị để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án, chú trọng các hướng phát triển mới sang khu vực bờ đông sông Hàn.

“Sông Hàn là một hành lang thị giác tuyệt vời để chiêm ngưỡng kiến trúc hai bên bờ sông. Từng công trình kiến trúc đẹp mắt, hiện đại không đảm bảo một hình ảnh tổng thể đô thị đẹp mắt, ấn tượng và đáng nhớ. Nguy cơ các công trình được thực hiện bởi các chủ đầu tư khác nhau mà không có một kịch bản thiết kế đô thị dẫn hướng sẽ khiến Đà Nẵng mất đi cơ hội trở thành một trong những TP đẹp và ấn tượng trên thế giới” - TS Loan lưu ý.

Đô thị dọc sông Hàn có lịch sử phát triển lâu đời, từ năm 1835, khi vua Minh Mạng quyết định cửa Hàn là nơi duy nhất buôn bán với phương Tây. Đầu thế kỷ XX, người Pháp bắt đầu xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị kiểu Tây phương... Bờ tây sông Hàn, nhất là khu vực trong phạm vi các đường Bạch Đằng-Đống Đa-Ông Ích Khiêm-Lê Đình Dương được đánh giá là “khu vực trung tâm lịch sử” của Đà Nẵng, từ đó hình thành nên bản sắc đô thị rõ nét.

Nhiều TP trên thế giới đều cẩn trọng trong vấn đề bảo tồn các hình thái không gian lịch sử. Cụ thể, họ không cho phép các công trình đồ sộ xuất hiện trong khu vực lịch sử mà tạo ra những khu vực đô thị mới, có cơ sở hạ tầng đảm bảo, có không gian để chiêm ngưỡng các công trình hiện đại, cao tầng. Singapore, Thượng Hải đã làm tốt ý đồ này.

TS PHẠM THÚY LOAN, ĐH Xây dựng Hà Nội

HẢI CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm