Đã trả nợ tín dụng nhưng bị đòi thêm và dọa phạt

Gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM, một số người dân ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM trình bày họ bị người xưng là nhân viên công ty thu hồi nợ xấu gọi điện thoại đe dọa, thách thức trong nhiều ngày qua.

Đã trả nợ đủ vẫn bị đòi thêm

Ông Phạm Minh Hải cho biết tháng 3-2015, ông ký hợp đồng vay tín chấp với Công ty Tài chính F. thuộc một ngân hàng có uy tín để vay 30 triệu đồng. Theo hợp đồng, trong 24 tháng ông Hải phải trả số tiền 2.280.000 đồng/tháng theo phiếu đóng tiền mà công ty cung cấp. Ông luôn thực hiện đúng nghĩa vụ, trả nợ đủ và đúng hạn. Sau hai năm, ông thanh toán xong số nợ và lãi gần 55 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi hoàn tất kỳ thanh toán cuối bỗng nhiên xuất hiện nhiều số điện thoại gọi đến, tự xưng là bên thu hồi nợ xấu, yêu cầu ông đóng thêm 800.000 đồng tiền lãi trong 24 tháng. Họ gọi mỗi ngày, liên tục trong 20 ngày để đòi tiền, thậm chí còn đe dọa nếu không đóng sẽ đưa danh sách lên nợ xấu.

“Tôi đã hoàn trả đầy đủ, số tiền thêm này quá vô lý. Không chỉ vậy, công ty đã đưa tôi lên tình trạng dư nợ cần chú ý, là các khoản nợ quá hạn từ 10 đến dưới 90 ngày” - ông Hải bức xúc.

Ông Phạm Minh Hải bức xúc khi bị ngân hàng đòi tiền dù mình đã trả đủ. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Kim Anh cũng vay Công ty Tài chính F. 20 triệu đồng, trả nợ hằng tháng là 1.477.000 đồng. Thế nhưng sau khi trả nợ xong, bà cũng bị những nhân viên tự xưng là bên thu hồi nợ xấu của ngân hàng yêu cầu đóng thêm 4 triệu đồng bao gồm tiền lãi, tiền phạt do nộp trễ ba tháng trong thời gian thực hiện hợp đồng.

“Trong thời gian thực hiện hợp đồng, do bị bệnh nên tôi không có khả năng trả đúng lịch. Tôi đã gọi điện thoại báo trước và nộp giấy đi bệnh viện cho Công ty F. ngay sau khi ra viện rồi nhưng họvẫn không giải quyết” – bà Kim Anh kể lại.

Các cuộc gọi đòi nợ còn liên tục đổ lên người nhà của ông Hải, bà Kim Anh. Quá mệt mỏi, mọi người định đóng tiền cho xong nhưng ông Hải kiên quyết không đồng ý. Còn bà Kim Anh ngao ngán nói: “Đây chắc chắn là lần cuối cùng tôi làm việc với ngân hàng này”.

Công ty hứa sẽ gii quyết li

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, trưởng bộ phận tiếp thị truyền thông của Công ty F. cho biết phiếu đóng tiền công ty giao cho khách hàng chỉ là để khách ghi nhớ khoản vay và số hợp đồng, không phải là lịch trả nợ hằng tháng như ông Hải tưởng.

Ngân hàng đã gửi cho ông Hải một thông báo lịch trả nợ qua đường bưu điện. Trong đó có ấn định ngày hằng tháng trả nợ cụ thể, nếu ông không trả đúng hạn thì sẽ bị phạt. Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh, công ty kiểm tra lại và xác định thông báo trên không đến tay ông. Vì thiếu sót này, công ty sẽ không thu bất cứ khoản nào của ông Hải nữa và sẽ cập nhật tình trạng tín dụng không thuộc nợ xấu.

Trường hợp bà Kim Anh, công ty đã xác minh khoảng thời gian bà nộp tiền chậm vì bị bệnh nên sẽ không yêu cầu nộp số tiền phát sinh và cũng điều chỉnh tình trạng nhóm nợ xấu trong thời gian tới cho bà.

“Trường hợp nhân viên có hành vi xấu, hăm dọa khách hàng thì trung tâm an ninh của công ty sẽ kiểm tra, nếu xác minh làđúng thì sẽ xử lý kỷ luật theo quy định của công ty” - đơn vị này cho biết.

Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Trong đó biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật; thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới