Đại biểu chất vấn về vất vả của ngư dân khi giá xăng dầu tăng cao

(PLO)- Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giá dầu diesel tăng trên 8.000 đồng/lít, làm cho chi phí nhiên liệu cho khai thác tăng thêm 2.640 tỉ đồng/tháng.

Chiều 7-6, Quốc hội Khoá XV tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Mở đầu phiên chất vấn là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho biết thời gian qua nhiều ngư dân vất vả khi giá xăng dầu tăng cao.

Một số ngư dân ở miền Trung phải cho tàu cá nằm bờ, một số ngư dân vươn khơi bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng rất khó khăn khi giá dầu leo thang. Một số chủ tàu cá mặc dù biết mình sẽ khó khăn trong đối đầu với thua lỗ, nhưng nhiều chủ tàu vẫn quyết định bám biển vì mưu sinh của gia đình.

"Bộ có giải pháp gì, và phối hợp với Bộ Công Thương như thế nào để có chính sách bình ổn giá, trợ giá, hỗ trợ cho ngư dân bám biển" - đại biểu đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết về vấn đề tăng giá nguyên liệu đầu vào, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã làm hết sức mình.

Bộ đã cùng các Hiệp hội ngành hàng tìm các giải pháp để làm sao giảm thiểu rủi ro nhất trong điều kiện có thể. Đồng thời Bộ trưởng cho biết giá xăng dầu thuộc trách nhiệm quản lý điều hành của Bộ Công Thương.

Tiếp tục trả lời, Bộ trưởng Hoan cho biết, thời gian qua, ngành thuỷ sản không chỉ gặp khó khăn ở vấn đề xăng dầu mà còn có câu chuyện hệ luỵ của Nghị định 67.

“Ngành thuỷ sản có 800 ngàn ngư dân trên biển, gần 4 triệu người làm các dịch vụ hậu cần ở ven biển, xung quanh các cảng cá.... Nhưng trong số ngư dân đó hầu như không tham gia vào một tổ chức nào, phát triển manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” - Bộ trưởng Hoan nói và cho biết Bộ NN&PTNT đã xây dựng chiến lược phát triển thuỷ sản bền vững với phương châm giảm khai thác, tăng nuôi trồng, vì trữ lượng ngư trường không giống như xưa nữa.

Một khó khăn nữa được Bộ trưởng NN&PTNT chỉ ra là cơ sở hạ tầng nghề cá như các cảng neo đậu, cảng cá mà thời gian qua, vấn đề đầu tư, vấn đề nguồn lực, do quản trị… nên không đủ để biến ngành thuỷ sản thành ngành thuỷ sản hiện đại, làm hao hụt đến 30% sản lượng thuỷ sản mà bà con thu hoạch được.

“Thủ tướng nhiều lần yêu cầu Bộ NN&PTNT phải có đề án. Chúng tôi đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp đa giá trị, theo hướng quản trị mới hơn” - Bộ trưởng Hoan cho hay.

Cùng tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành tham mưu, có thể nghiên cứu điều chỉnh lại các loại thuế, nhất là trong trường hợp đặc biệt khi giá nhiên liệu tăng cao thì phải sử dụng các công cụ, chính sách an sinh để giúp cho người dân, đặc biệt là người yếu thế.

“Một mặt bằng các công cụ thuế, quỹ bình ổn để kiểm soát và kìm tốc độ gia tăng của giá xăng dầu. Mặt khác tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường và có chính sách an sinh để hỗ trợ cho các đối tượng này. Chúng ta không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh, thông qua hỗ trợ an sinh để bớt khó khăn cho người dân nói chung và cho những ngư dân vươn khơi bám biển” - Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giá dầu diesel 0.05S tăng trên 8.000 đồng/lít, làm cho chi phí nhiên liệu cho khai thác tăng thêm 2.640 tỷ đồng/tháng; cộng thêm giá các mặt hàng khác tăng theo 10 - 20%, kéo theo chi phí chuyến biển tăng cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới