Đại biểu đặt nhiều kỳ vọng vào Chính phủ nhiệm kỳ tới

Ngày 29-3, theo nghị trình, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Xây dựng bộ máy công tâm, không lợi ích nhóm

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho hay bà rất ấn tượng về một Chính phủ có nhiều quyết tâm lớn, trong đó có quyết tâm xây dựng một Chính phủ không tham nhũng, nói đi đôi với làm, gần dân, sát dân, quan tâm, giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, bức xúc của dân…

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) mong Chính phủ cần cương quyết
xóa bỏ những lối mòn về tư duy, tránh xa những vết xe đổ trong điều hành, quản lý. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng chuyển động bộ máy hành chính còn chậm và chưa vững chắc, có “chuyển” nhưng chưa “động”; có “động” nhưng chưa nhiều, chưa đều và chưa đồng bộ. Bà Hoa nêu dẫn chứng đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để những bất cập trong phân cấp, phân quyền và đây đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Cạnh đó còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức bị lợi ích cá nhân chi phối, dù được gọi là “công bộc của dân” nhưng chưa thật sự toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân.

“Một số cơ quan hành chính nhà nước đang bị đánh giá là hành dân là chính. Nạn tham nhũng vặt đặc biệt vẫn tiếp tục làm xấu hình ảnh công chức, hình ảnh cơ quan hành chính nhà nước” - bà Hoa nói và đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới cần tập trung xây dựng một bộ máy công quyền công tâm, khách quan, có trách nhiệm giải trình cao và không bị chi phối bởi lợi ích nhóm.

“Các thành viên của Chính phủ cần tăng cường vi hành để gần gũi với dân hơn. 570 cuộc lên rừng, xuống biển vừa qua mà các lãnh đạo Chính phủ đã làm theo báo cáo của Thủ tướng là một minh chứng. Nhưng như vậy có lẽ vẫn chưa đủ” - vẫn lời bà Hoa.

Cương quyết xóa bỏ lối mòn về tư duy

ĐB Nguyễn Thái Học, đoàn Phú Yên, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, cho hay hiện người dân quan tâm, lo lắng về những tồn tại, hạn chế kéo dài qua nhiều năm và có thể nói là qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chậm được chấn chỉnh, khắc phục. “Vẫn còn đó một bộ phận cán bộ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không chịu làm việc và ngại va chạm” - ông Học nói.

ĐB Học cho rằng chính vì thiếu quyết liệt, thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến tình trạng việc phải làm, cần làm nhưng không làm được, nói không đi đôi với làm, khi làm đôi khi lại làm không đúng những điều đã nói.

Theo ông Học, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra từ đầu nhiệm kỳ không đạt được, nhiều việc phải làm và trong khả năng làm được nhưng đã không hoàn thành. Những mong muốn, đòi hỏi của người dân về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, vì dân có mặt chưa trở thành hiện thực. Người dân vẫn còn bức xúc, bất bình, không tin tưởng trước những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

“Một nhiệm kỳ mới của QH, của Chính phủ sắp được hình thành và đi vào hoạt động. Người dân đang rất tin tưởng và kỳ vọng khi người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ việc khó, khâu yếu của cán bộ sẽ có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để chấn chỉnh, khắc phục” - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nói.

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) mong tới đây Chính phủ và các bộ, ngành cần dành nhiều thời gian để rà soát, đánh giá thực trạng chính sách thu hút nhân tài, sử dụng nhân lực, đội ngũ chuyên gia trong bộ máy giúp việc, tham mưu của mình có thực chất, có hiệu quả hay không.

Về cách đề ra và thực hiện chính sách, ĐB Hiền cho rằng: “Khi tư duy hoạt động bị thu hẹp theo lối mòn, cái tôi sẽ phình ra. Đó là một trong những nguyên nhân của không ít nhóm chính sách khi ban hành thiếu sự liên kết, tích hợp, thiếu tính thực tiễn, thậm chí là ngắn hạn và đối phó. Những cách làm chính sách như thế hiện nay đang tồn tại rất nhiều trong bộ máy của chúng ta!”. Từ đó, ĐB Hiền mong Chính phủ cần cương quyết xóa bỏ những lối mòn về tư duy, tránh xa những vết xe đổ trong điều hành, quản lý. “Muốn kiến tạo tương lai thì không thể ẩn mình an toàn trong các lỗ hổng chính sách đã cũ, đã hỏng và không còn phù hợp” - ĐB Phú Yên nói.

Mạnh dạn xử lý tới cùng cán bộ vi phạm

ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nêu cảm nhận của mình: “Chính phủ nhiệm kỳ rồi còn quá “hiền lành” trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình”.

Ông Hận dẫn chứng tình trạng xin bổ sung, lùi dự án luật vẫn xảy ra; nợ đọng văn bản hướng dẫn vẫn còn, mà có trường hợp chậm trễ, dẫn đến hệ lụy làm thất thu cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng. Đặc biệt, tình trạng ban hành văn bản không sát, không kín nên có trường hợp lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, để vun vén cho bản thân, thậm chí để đề bạt, bổ nhiệm con cháu, dòng họ vào các vị trí lãnh đạo cơ quan nhà nước…

“Việc xử lý hiền lành nêu trên, theo tôi, cũng đồng nghĩa với sự không nghiêm minh và từ đó dễ tạo tiền lệ không tốt, làm cho xã hội mất công bằng, làm thui chột sự phấn đấu và hệ lụy của nó là sự trì trệ” - ông Hận phân tích và đề xuất hàng loạt giải pháp. Trong đó, ông cho rằng cần mạnh dạn thay đổi, xử lý trưởng ngành, địa phương không tuân thủ hoặc lợi dụng khe hở của pháp luật để trục lợi, không còn đủ uy tín để ngành, địa phương mình có nhiều sai phạm…

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đánh giá Chính phủ nhiệm kỳ này có khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, với một hình ảnh vị Thủ tướng xông xáo, năng động, lăn lộn vào thực tiễn. Tuy nhiên, theo ông, báo cáo sẽ sâu sắc hơn nếu đề cập đến những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức nhân sự, đặc biệt là chất lượng nhân sự của Chính phủ.

“Nhiệm kỳ này, một vị bộ trưởng bị kết án do những sai lầm nghiêm trọng từ khi đang còn là thứ trưởng ở nhiệm kỳ trước, đấy không phải là bài học chăng?” - ông Vân đặt câu hỏi.

Với nhiệm kỳ tới, ông Vân đề nghị Chính phủ quan tâm ba vấn đề, trong đó cần tăng cường chất lượng thể chế, đặc biệt là thể chế tổ chức nhân sự. Theo đó, Chính phủ cần có đột phá trong tổ chức.

“Chúng ta đã cải cách bộ máy hành chính rất nhiều lần nhưng chưa có lần nào có kết quả rõ nét. Nếu như không tổ chức lại bộ máy Chính phủ trong điều kiện công nghệ phát triển, chúng ta sẽ phải tăng chi phí nguồn lực cho bộ máy rất lớn và không có dư địa để tích lũy cho đầu tư phát triển” - ông Vân phân tích và cho rằng tổ chức bộ máy là khâu đột phá thứ nhất, khâu đột phá kế tiếp là nhân sự, là chất lượng nguồn nhân lực.

Cần xem lại hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các bộ trưởng

 “Tư duy nhiệm kỳ làm cho nhiều kiến nghị chính xác và có giá trị đóng góp cao rơi vào quên lãng sau vài năm kiến nghị” - ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nói và đề nghị Chính phủ tổng kết kiến nghị của các ĐB, đoàn ĐB QH đề xuất và công khai các ý kiến này trên các kênh thông tin đại chúng như cổng thông tin Chính phủ để cử tri theo dõi, giám sát.

Còn ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm các vị bộ trưởng, trưởng ngành giữa nhiệm kỳ là “điều rất tốt”. Tuy nhiên, theo ông, hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm chưa cao.

“Người đứng đầu các bộ, ngành, các cấp đôi khi còn dửng dưng, còn thờ ơ, mà như lời Thủ tướng thường nói là: Trên bảo dưới không nghe, trên nóng, dưới lạnh” - ông Giang nhận xét và cho biết có những vướng mắc các sở, ban, ngành gửi các bộ liên quan nhưng đâu đó chậm được xử lý và “nếu không nhắc tới thì xem như trôi vào quên lãng”.

ĐB tỉnh Cà Mau cũng cho biết ông đã nhiều lần gửi văn bản chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành. Các vấn đề ông nêu thường được trả lời rất nhanh, rất đầy đủ, tuy nhiên một số bộ trưởng trả lời lòng vòng, né tránh. “Tôi đọc xong không biết việc đó kết quả như thế nào và cũng không biết tiếp tục hỏi ai” - ông Giang nói tiếp.

ĐB tỉnh Cà Mau sau đó đề nghị QH nhiệm kỳ tới cần xem xét lại việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các bộ trưởng, trưởng ngành, nếu cần thiết phải có những phiên giải trình riêng làm rõ các vấn đề. Theo ông, đây là giải pháp căn cơ để làm rõ hơn trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành.


“Yếu tố nhân hòa tỏa sáng ở nước ta”

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng một trong những lý do cơ bản nhất giúp đất nước ta phát triển mạnh mẽ trong nhiệm kỳ qua là chúng ta đã có nhà nước vì dân, có những đồng chí lãnh đạo vì dân.

Theo ông Trí, việc làm của nhiều bộ, ban, ngành đã làm cho nhân dân cảm kích. Bộ NN&PTNT đã rũ bùn đứng dậy chói lòa. Bộ Y tế kiên cường chống dịch. Bộ Công an kiên quyết, khôn khéo để bảo vệ sự bình an cho đất nước. Bộ Quốc phòng đã làm hết sức mình để đất nước hòa bình…

Đại biểu đặt nhiều kỳ vọng vào Chính phủ nhiệm kỳ tới ảnh 2
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Hà Nội đánh giá Chính phủ đã làm việc rất “đều tay”, cả Chính phủ trăn trở, nỗ lực vì nhân dân để không ai bị bỏ lại phía sau.

“Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bạc tóc lo cho dân giàu nước mạnh, được sống trong hòa bình, chiến thắng được bệnh tật, an toàn, vượt qua bão lũ. Cảm động vô cùng với một vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước có mái đầu bạc trắng hiên ngang với “gánh xuân hạ nặng trĩu hai vai”, là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc…” - ông Trí nói tiếp.

Một vị đại biểu khác của Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá Chủ tịch nước đã thể hiện xuất sắc vai trò nguyên thủ quốc gia, thay mặt nhà nước về đối nội và đối ngoại, là biểu tượng của niềm tin và đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Tổng bí thư, Chủ tịch nước có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ, là yếu tố quan trọng xây dựng tình cảm cách mạng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và toàn xã hội để cả nước đồng lòng vượt qua những khó khăn của một nhiệm kỳ nhiều giông bão và khó khăn chồng chất khó khăn” - ông Hiểu nói.

Ông Hiểu cũng ấn tượng về công tác điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt, sâu sắc, sáng tạo và linh hoạt, tạo sự chuyển biến trong toàn hệ thống của Chính phủ và Thủ tướng.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét trong nhiệm kỳ qua, yếu tố “thiên” có nhiều khó khăn, “địa” có nhiều bất lợi nhưng yếu tố “nhân hòa” lại tỏa sáng ở nước ta. Ông Lộc cho rằng có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của các thiết chế lãnh đạo chủ chốt của đất nước, sự đồng thuận trên dưới một lòng của cả hệ thống chính trị, của đồng bào, cộng đồng doanh nghiệp đã trở thành cứu cánh và sức mạnh nội sinh để chúng ta vượt qua thách thức, đạt tới thành công.

“Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “kiến trúc sư”, là “nhạc trưởng” của mối quan hệ nhân hòa đó” - ông Lộc nhấn mạnh.

Đối với Chính phủ, ông Lộc chúc mừng Chính phủ và Thủ tướng đã có một nhiệm kỳ nhiều năng lượng và rất thành công. “Thủ tướng và các cộng sự của mình là các phó thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã không chỉ là người làm chính sách mà còn đóng vai trò của các “đốc công”, “tả xung, hữu đột”… để đưa chính sách vào cuộc sống và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội” - ông Lộc nói. TRỌNG PHÚ - ĐỨC MINH 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.