Chiều 22-7, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ về kết quả kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm và giải pháp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sáu tháng cuối năm 2021 và năm năm tới.
Đại dịch gây khó khăn lớn đến sản xuất, kinh doanh
Báo cáo trước QH, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết kinh tế sáu tháng đầu năm đạt 5,64%, ở mức khá so với thế giới. Nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm…
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát, nhất là ở các tỉnh phía Nam đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch gặp khó khăn.
“Số doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên. Tỉ lệ người dân thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ gia tăng” - Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, giá một số hàng hóa, nguyên liệu, nhiên vật liệu, chi phí vận tải, đầu vào... tăng cao. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực cải thiện còn chậm. Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương bùng phát dịch và thực hiện giãn cách xã hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp tổ thuộc đoàn TPHCM chiều 22-7. Ảnh: Đ.MINH
Cũng theo Phó Thủ tướng, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định và bền vững. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng. “Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương chậm được khắc phục, nhất là trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay, để phát huy vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng” - ông nói.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của QH nhận định: “GDP sáu tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn”.
Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Cơ quan thẩm tra đề nghị thời gian tới Chính phủ quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó phải xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể.
“Triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động DN nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động. Thực hiện phương châm “cứu DN như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho DN, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19” - báo cáo của cơ quan thẩm tra đề nghị.
Cứu doanh nghiệp, lấy đà cho giai đoạn hậu COVID-19
Thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng nếu không đẩy nhanh phục hồi DN thì nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới là hiện hữu.
“Trong giai đoạn tới, Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, rất cần các gói hỗ trợ không phải dạng “hà hơi, thổi ngạt” như vừa qua, không phải chỉ để DN không bị chết, không phải chỉ để người dân không thiếu đói, mà phải có các gói hỗ trợ để tạo ra những bứt phá của DN” - ông nhấn mạnh.
Ông Cường đề nghị Chính phủ cần mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các công cụ về tài chính, tài khóa. Trong đó cần có các khoản tín dụng thực sự ưu đãi đối với DN, không phải ưu đãi như hiện nay là giãn trả nợ hay giảm một chút lãi suất. Vì điều này chỉ giúp cho DN “không bị chết” thôi. Còn để DN đột phá, đón được các xu hướng kinh tế thì phải có những nguồn đầu tư lớn, mới hoàn toàn.
Ông cũng cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, nếu DN có được nguồn lực hỗ trợ tốt thì có thể “thâu tóm, thay thế các xu hướng đang bị đứt gãy”. Ông cho rằng Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, từ đó tăng cầu Chính phủ, tăng cơ hội việc làm cho các ngành liên quan và tạo tiền đề cho phát triển.
Tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng phải coi trọng yếu tố phát triển bền vững. Một bên là sản xuất, sinh kế, coi ổn định vĩ mô là mục tiêu hàng đầu. Giữ được vĩ mô thì giải quyết được các vấn đề khác. Ông Huệ dẫn số liệu và cho hay ngành nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế, do đó nên chú ý áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực này.
Chủ tịch QH cũng lưu ý cần tập trung vaccine tiêm cho người lao động để đảm bảo vừa phòng dịch, vừa duy trì sản xuất…
Dịch này bào mòn sức lực người dân, doanh nghiệp Phát biểu tại phiên họp tổ TP.HCM chiều 22-7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ nhiều thách thức trước mắt, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành trong nước và trên thế giới. Chủ tịch nước đánh giá cao TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để phòng chống dịch. “Một số đại biểu QH là lãnh đạo TP.HCM đã không tham dự kỳ họp để tập trung chỉ đạo chống dịch, bởi vì không có gì quý bằng tính mạng, sức khỏe của người dân. Tôi cũng ngày đêm lo lắng, nhất là khi đợt dịch lần này đã bào mòn sức lực của người dân, DN” - Chủ tịch nước chia sẻ. Tán thành nhận định giải pháp vaccine là then chốt, Chủ tịch nước đồng tình với việc thúc đẩy tiến trình nghiên cứu, sản xuất, phổ biến vaccine sản xuất trong nước trên tinh thần khẩn trương nhưng thận trọng. Về lâu dài, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị tốt nguồn nhân lực. “Nhân tài nằm ở bìa rừng, góc núi cũng phải tìm cho ra. Ngoài năng lực bẩm sinh, công tác đào tạo cũng rất quan trọng. Phải khơi gợi tinh thần đổi mới, sáng tạo vốn là tiềm năng, thế mạnh của người Việt Nam” - Chủ tịch nước lưu ý. |