Đại biểu Quốc hội tố nạn 'bảo kê' máy gặt

Sáng nay, 26-10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đã dẫn chứng tình trạng "bảo kê" máy gặt khi mùa gặt đến xuất hiện từ năm 2016 đến nay ở nhiều địa phương đang cướp đoạt thành quả lao động của người nông dân, gây bất ổn an ninh trật tự ở nhiều nơi.

“Người nông dân bỏ bao công sức, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đến khi có được thành quả lao động là bông lúa trên chính thửa ruộng của mình thì xuất hiện loại tội phạm bảo kê máy gặt, giành giật miếng cơm, thành quả lao động của họ” - Đại biểu Dung nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung

Theo bà Dung loại tội phạm bảo kê máy gặt này có mục đích là thầu toàn bộ cánh đồng, chúng ép buộc người dân phải thuê máy gặt mà chúng đã nhận bảo kê với giá cao. Nếu không đồng ý chúng sẽ không cho gặt, hoặc giữ lại lúa gặt thu hoạch.

Đối với chủ máy gặt ngoài địa bàn, nếu muốn đưa máy gặt vào thì nộp cho tội phạm bảo kê 20-30 nghìn đồng/sào thì mới được gặt thuê. Đặc biệt chủ máy gặt thuê phải ký vào bản hợp đồng đã soạn sẵn.

“Dù bức xúc với hành vi ngang ngược của loại tội phạm này, nhưng do sợ ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch nên người dân phải chấp nhận, nhẫn nhịn làm theo” - bà Dung nói.

Theo đại biểu Dung, thủ đoạn của những đối tượng bảo kê máy gặt là theo dõi, canh chừng cánh đồng. Nếu thấy máy gặt mới, lạ thì các đối tượng này đến hỏi thăm và nếu không hợp tác thì sẽ phá máy, hành hung chủ máy gặt. Nhiều chủ máy gặt vì muốn yên ổn làm ăn nên phải nộp 1-2 triệu đồng/máy gặt hoặc phải nộp tiền tính trên đầu sào.

Bà Dung cho hay nguyên nhân của tình trạng bảo kê máy gặt diễn ra trên nhiều địa phương là do lợi nhuận thu được trong một vụ mùa gặt cũng tương đối cao và chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 3 tuần. Chủ máy gặt thu một khoảng tiền 10 triều đồng/mùa gặt nên cắn răng phải trả tiền bảo kê.

“Mặt khác, để xảy ra tình trạng như trên là do chính quyền địa phương không giải quyết, xử lý một cách triệt để. Việc bảo kê máy gặt không chỉ gây bất ổn về an ninh, trật tự tại nông thôn mà còn khiến thành quả lao động của người nông dân bị tước đoạt” - Đại biểu này nhấn mạnh.

Theo bà Dung, nạn nhân của hoạt động tội phạm này chính là người nông dân. Vì xét cho cùng chi phí bảo kê cũng do người dân phải đóng. Hiện bình quân công gặt là 120-140 nghìn đồng/sào, trong đó phần tiền bảo kê máy gặt người dân phải đóng là từ 20-30 nghìn đồng/sào. Điều này khiến chi phí sản xuất của người dân gia tăng.

“Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng, giúp dẫn giảm chi phí cho nông dân nhưng tình trạng bảo kê ngày càng nhiều dẫn đến chủ trương của nhà nước bị ảnh hưởng, gây mất an ninh trật tự tại các địa phương, thành quả lao động của người dân bị tước đoạt” - bà Dung nói.

Đại biểu Dung cũng cho hay tại báo cáo 482 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn về công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại nông thôn chưa đề cập đến loại hành vi này. Đây là loại tội phạm mới, hành vi mới, nhưng tính chất của nó lại chính là cưỡng đoạt tài sản của người dân. Nếu tội phạm bảo kê không thực hiện được sẽ dẫn đến cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người.

"Tại báo cáo của Chính phủ thì Bộ Công an đã bố trí 100% công an chính quy tại địa bàn các xã. Theo đó, tôi đề nghị Bộ Công an chỉ đạo quyết liệt, tăng cường nắm địa bàn và ngăn chặn từ gốc, xử lý nghiêm các hành vi bảo kê để đảm bảo trật tự, an ninh vùng nông thôn, bảo vệ thành quả lao động của người nông dân để khi vụ mùa về người nông dân không phải lo âu về tình trạng bảo kê máy gặt” - Đại biểu Dung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm