Đại gia đua nhau mua bán, sáp nhập dự án triệu USD

(PLO)-  Dù thị trường M&A thống trị bởi tập đoàn trong nước, nhà đầu tư quốc tế vẫn muốn tham gia bằng cách liên doanh.

Khác với dự đoán, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) trong ba tháng đầu năm 2022 diễn ra sôi động với hàng loạt thương vụ lớn trị giá từ hàng trăm triệu USD đến gần 1 tỉ USD.

Cuộc chơi của các ông lớn

Các thương vụ M&A lớn diễn ra ở cả thị trường bất động sản (BĐS) phía Bắc lẫn phía Nam. Đầu tiên phải nói đến thương vụ có giá trị lên tới 550 triệu USD chuyển nhượng tòa nhà văn phòng hạng A tại Hà Nội về tay Công ty VivaLand hồi cuối tháng 1.

Đầu năm nay, Tập đoàn Keppel Land cũng vừa ký thỏa thuận ràng buộc với Công ty CP Địa ốc Phú Long để mua 49% cổ phần trong ba khu đất tại một khu đô thị ở Hà Nội với tổng giá trị hơn 2.700 tỉ đồng (tương đương 120 triệu USD).

Thị trường bất động sản đang đón nhận làn sóng M&A sôi động của các tập đoàn
địa ốc lớn.
Ảnh minh họa: KIÊN CƯỜNG

Trong khi đó, các thương vụ M&A giá trị “khủng” cũng bùng nổ ở các tỉnh phía Nam. Đơn cử như Tập đoàn Nam Long vừa hoàn tất mua lại 100% tại công ty sở hữu dự án 170 ha ở Đồng Nai. Nam Long cùng đối tác Nhật phát triển dự án này với tổng mức đầu tư 18.600 tỉ đồng.

Cũng trong quý I-2022, thị trường chứng kiến các thương vụ M&A quy mô lớn tại TP.HCM như Tập đoàn Novaland và Công ty Tài Nguyên để khởi động lại dự án tại huyện Nhà Bè sau hơn 10 năm bất động. Hay thương vụ tòa nhà từng được xem là biểu tượng tại quận 1 là Saigon One Tower đã được đổi tên thành IFC One Tower do Công ty VivaLand quản lý.

Đánh giá về bức tranh hoạt động M&A trong những tháng đầu năm 2022, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman&Wakefield Việt Nam, cho biết khẩu vị của các nhà đầu tư M&A chủ yếu vẫn nhắm đến các loại tài sản truyền thống bao gồm thị trường nhà ở, khu đất phát triển, công nghiệp, văn phòng và bán lẻ. Trong đó, 76% giao dịch nhà ở tập trung ở TP.HCM; trong khi Bắc Ninh, Đồng Nai và Bình Dương chiếm hơn 50% tỉ trọng đầu tư BĐS công nghiệp; Hà Nội sở hữu 65% tỉ trọng giao dịch khách sạn.

Theo bà Trang Bùi, dù thị trường thống trị bởi nhà đầu tư trong nước, nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn ưa chuộng tham gia bằng hình thức liên doanh với các đối tác trong nước. Hầu hết nhà đầu tư tham gia vào các thương vụ liên doanh và M&A chứ không phải là các giao dịch BĐS thuần túy. Nguồn tiền đầu tư không hề thiếu nhưng khó khăn nằm ở cơ hội. Rào cản lớn nhất là việc khan hiếm quỹ đất phù hợp trong các TP lớn như TP.HCM và Hà Nội để phát triển dự án.

Thị trường hưởng lợi

Các chuyên gia dự báo trong năm 2022, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục sôi động với những thương vụ M&A. Lý do quan trọng là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính sẽ rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế. Hơn nữa, dịch bệnh cũng khiến không ít doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, nợ xấu, không thể hồi sinh dự án dang dở, đành phải bán lại cho doanh nghiệp có đủ năng lực.

Vốn ngoại vẫn đổ vào bất động sản Việt

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20-3, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành kinh doanh BĐS đứng thứ hai với tổng vốn gần 2,7 tỉ USD, chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Cũng theo thông tin tổng quan về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường BĐS quý I-2022 của kênh batdongsan.com.vn, trong khi FDI đăng ký toàn ngành giảm 12% so với cùng kỳ năm trước thì vốn FDI đổ vào BĐS tăng 213%. Số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới cũng tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021.

Người mua nhà tiếp tục đánh giá tích cực về thị trường sau tết Nguyên đán. Kết quả khảo sát cho thấy BĐS được lựa chọn là kênh đầu tư ưu tiên với 60,7%.

Lượt tìm kiếm BĐS trong quý I-2022 giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng lại tăng khoảng 2% so với quý I-2019 - thời điểm dịch bệnh chưa diễn ra. Diễn biến này cho thấy BĐS vẫn rất được quan tâm bất chấp những tác động tiêu cực và kéo dài từ dịch COVID-19. Thậm chí nhu cầu tìm kiếm, sở hữu BĐS còn tăng cao hơn, ở cả nhu cầu đầu tư và an cư

Đại diện Colliers Việt Nam cho rằng M&A cũng giúp cho nguồn cung và thanh khoản BĐS được gia tăng, góp phần tạo thêm sự sôi động cho thị trường. Đặc biệt, các tập đoàn địa ốc cũng tiết kiệm được thời gian giải quyết thủ tục pháp lý, tìm kiếm khu đất có vị trí phù hợp trong bối cảnh giá BĐS có xu hướng tăng lên.

Theo đại diện Colliers Việt Nam, các thương vụ M&A trị giá hàng trăm triệu USD trở lên vẫn do các tập đoàn trong nước nắm vai trò chủ đạo vì có lợi thế như uy tín sẵn có, kinh nghiệm phát triển dự án và bán hàng hiệu quả.

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang đánh giá M&A sôi động tác động tích cực đến thị trường và có thể giúp các dự án đang gặp khó khăn hồi sinh. Đồng thời việc này giúp gia tăng nguồn cung, góp phần hồi phục và ổn định lại thị trường.

Bên cạnh đó, M&A là phương thức hữu hiệu giúp những doanh nghiệp giàu tiềm lực có thể giảm bớt thời gian, chi phí trong việc tham gia thị trường hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh BĐS.

Chuyên gia cũng cho rằng M&A giúp doanh nghiệp hai bên tận dụng được thế mạnh của mỗi bên như kinh nghiệm phát triển BĐS, thương hiệu, vốn, quỹ đất, trình độ kỹ thuật… M&A đòi hỏi tiêu chuẩn về pháp lý đối với dự án và doanh nghiệp, từ đó giúp thị trường minh bạch hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới