Thao túng giá cổ phiếu, lừa đảo cổ đông, phớt lờ các quy định của Nhà nước… không chỉ đem lại thiệt hại cho công ty, nhà đầu tư mà còn đặt bản thân chủ doanh nghiệp đối mặt với án hình sự.
Gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư
Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giữ hình sự bà Phạm Thị Hinh về tội thao túng thị trường chứng khoán. Bà Hinh nguyên là chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA).
Đây có thể được xem là thông tin sốc nhất trong lĩnh vực chứng khoán thời gian qua. Bởi lâu nay hầu như các hành vi thao túng giá chứng khoán thường bị xử lý hành chính, còn xử lý hình sự được xem là rất hiếm hoi.
Cụ thể, KSA lên sàn vào năm 2010. Bà Hinh giữ vị trí chủ tịch kiêm tổng giám đốc vào năm 2015. Khi lên sàn, KSA tăng vốn điều lệ rất nhanh từ 129 tỉ đồng lên 934 tỉ đồng. Nhưng trái ngược với đó, giá cổ phiếu và tình hình kinh doanh công ty lại lao dốc. Đến năm 2017, giá cổ phiếu của công ty về dưới mức 3.000 đồng/cổ phiếu và lãi ròng chỉ còn 12 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 65 tỉ đồng của năm 2010.
Khi tình hình kinh doanh ảm đạm cũng là thời điểm bà Hinh giữ vị trí lãnh đạo. Đáng chú ý, các cổ đông liên tục tố cáo bà có hành vi thao túng giá cổ phiếu. Sau đó bà Hinh phải viết tâm thư gửi cổ đông để bác bỏ các cáo buộc.
Khi những lời bào chữa của bà Hinh chưa được kiểm chứng thì đầu năm 2018, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã đưa cổ phiếu KSA vào diện bị kiểm soát đặc biệt. Lý do là công ty liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin. Đến tháng 7-2018, HOSE quyết định hủy niêm yết cổ phiếu KSA nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Theo cơ quan chức năng, việc bà Hinh thao túng giá cổ phiếu không quá khó khi bà đảm nhiệm các chức vụ quan trọng tại ba công ty chứng khoán là An Bình (ABS), Phố Wall và Công ty Chứng khoán quốc gia (NSI). Ngoài ra, bà còn có vai trò quan trọng tại nhiều doanh nghiệp thuộc họ khoáng sản như Công ty Khoáng sản Hòa Bình (KHB), Công ty Khoáng sản luyện kim màu (KSK), Công ty Khoáng sản Hưng Long (KHL)…
Một hệ thống công bố thông tin về chứng khoán tốt có thể giúp thu hút vốn, thu hút nhà đầu tư và duy trì lòng tin của thị trường. Ảnh: PM
Câu chuyện của bà Hinh không phải là cá biệt. Chỉ tính riêng từ cuối năm 2018 đến đầu năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã liên tục xử phạt các hành vi thao túng giá cổ phiếu. Chẳng hạn, vào tháng 2-2019, cơ quan này đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với ông Đinh Xuân Cường (Hà Nội) với mức phạt lên đến 550 triệu đồng do đã sử dụng 12 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần ANI (SIC).
Công ty Cổ phần ANI là công ty đại chúng được niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội với mã SIC từ năm 2007. Ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư các thủy điện vừa và nhỏ.
Trước đó một số đại gia cũng đã bị UBCKNN phạt nặng vì thao túng giá cổ phiếu. Ví dụ, ông Bùi Ngọc Bút ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings (IBC). Bằng việc sử dụng 38 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu IBC nên ông Bút bị phạt tiền 550 triệu đồng.
Sẽ mạnh tay trừng phạt
Theo luật sư Trần Phương (Đoàn Luật sư TP.HCM), vì giao dịch nội gián dẫn đến thao túng thị trường vốn nên các quy định về chứng khoán, luật công ty hoặc luật hình sự ở đa số quốc gia đều cấm các giao dịch loại này.
“Những giao dịch này có thể được coi là hành vi vi phạm thông lệ quản trị công ty tốt cũng như vi phạm nguyên tắc đối xử công bằng với mọi cổ đông” - ông Phương nói.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN, cho biết trong năm 2019 đơn vị này sẽ mạnh tay hơn trong việc xử lý các vụ việc thao túng chứng khoán, nội gián nhằm đem lại sự minh bạch, nề nếp cho thị trường. Khi doanh nghiệp, nhà đầu tư có dấu hiệu thao túng, nội gián, UBCKNN sẽ truy xuất và biết từng giao dịch, ở từng thời điểm, kiểm tra dòng tiền của người có hành vi vi phạm.
“Trong quá trình điều tra vụ án và xử lý các vi phạm này, UBCKNN xem xét rất kỹ trách nhiệm các bên và nếu hồ sơ có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cho cơ quan công an” - ông Sơn khẳng định.
Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, để tránh các hành vi vi phạm trong thị trường chứng khoán thì hệ thống công bố thông tin tốt nâng cao tính minh bạch là đặc điểm then chốt của việc giám sát công ty dựa vào thị trường. Đồng thời nó cũng đóng vai trò chủ yếu giúp cổ đông có thể thực hiện quyền sở hữu của mình một cách có hiểu biết. Kinh nghiệm cho thấy công bố thông tin minh bạch là một công cụ hiệu quả để tác động tới hoạt động của công ty và bảo vệ nhà đầu tư.
“Cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng phải được tiếp cận thông tin thường xuyên, tin cậy và so sánh được một cách chi tiết. Từ đó để họ có thể đánh giá trình độ quản lý của ban điều hành và đưa ra các quyết định sáng suốt về giá trị, quyền sở hữu và biểu quyết của cổ phần” - ông Kyle Kelhofer nói.
Tháng 11-2018, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Hữu Tiệp (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung - MTM) và 14 đồng phạm trong vụ án thao túng giá chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác... liên quan đến cổ phiếu MTM. Dù công ty này không hoạt động, không có vốn nhưng các đối tượng làm giả hồ sơ thể hiện năm 2014, MTM có 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần, tương đương 310 tỉ đồng; làm giả chứng từ tăng vốn thực góp lên 310 tỉ đồng… nhằm đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo thống kê riêng năm 2018 đã có tới chín cá nhân bị phạt hành chính về hành vi vi thao túng chứng khoán với mức phạt lên tới 5,1 tỉ đồng. Tổng số tiền phạt về vi phạm thao túng giá chứng khoán chiếm hơn 25% trong tổng số tiền phạt của cả năm. |