Tự ý chuyển 50 sinh viên từ cơ sở Sơn Tây, cơ sở II - TPHCM về Hà Nội và tất cả các trường hợp này đều có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn...Đây là những sai phạm của Trường ĐH Lao động - Xã hội do thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) công bố hôm nay.
Tự ý lập khoa Sau ĐH
Sau gần hai tháng thanh tra đoàn đã phát hiện sai phạm trong sử dụng tiền quản lý đào tạo năm 2009 và năm 2010. Cụ thể, trường đã sử dụng một phần nguồn thu học phí để chi quản lý đào tạo cho các cá nhân (có tham gia công tác quản lý đào tạo) như: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; cán bộ viên chức của Phòng kế toán tài vụ, Phòng đào tạo, Phòng công tác sinh viên, Phòng tại chức.
Số tiền chi quản lý đào tạo chưa đúng quy định năm 2009 là 750.383.000 đồng.
Ngoài ra nhà trường còn tự in biên lai thu học phí khi chưa có văn bản đồng ý của Cục Thuế Hà Nội - điều này không đúng với quy định của pháp luật. Thêm nữa, hưa thực hiện kê khai đầy đủ và tính thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tiệp (Hiệu trưởng nhà trường) đối với các khoản thu nhập ngoài lương và phụ cấp với số tiền gần 346 triệu đồng.
Việc nhà trường nhận bà Nguyễn Thị Hồng Bình và 18 trường hợp tốt nghiệp đại học hạng trung bình, trung bình khá hoặc khá để bố trí làm giảng viên giảng dạy bậc ĐH, không đúng với quy định hiện hành....
Cũng theo kết luận này, sau gần hai tháng thanh tra, rà soát 5.322 hồ sơ tuyển sinh vào các hệ ĐH, CĐ của trường đã phát hiện 73 thí sinh thi khác khối, thiếu điểm vẫn được tuyển vào học tại trường.
Trong đó, có 2 thí sinh dự thi khối B trúng tuyển dù trường không tuyển sinh khối này và 3 thí sinh dự thi khối C vẫn được tuyển vào học ngành Kế toán (ngành Kế toán không tuyển sinh khối C). 68 thí sinh khác thiếu điểm, không đăng ký ngành học hoặc tẩy sửa ô đăng ký vẫn được học tại các ngành, các hệ đào tạo của nhà trường.
Thậm chí vẫn cho học tiếp 4 sinh viên đã bị buộc thôi học do vi phạm quy chế tuyển sinh theo điều tra độc lập của công an TP Hà Nội năm 2010.
Ngoài ra, Trường ĐH Lao động - Xã hội còn tự ý chuyển 50 sinh viên từ cơ sở Sơn Tây, cơ sở II - TPHCM về Hà Nội và tất cả các trường hợp này đều có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn vào Hà Nội trường tại Hà Nội. Nhiều sinh viên được sửa điểm thi hết môn, hết học phần bằng nhiều cách như: đã thi đỗ vẫn cho thi lại để nâng điểm, nhập điểm vào máy tính sai...
Cụ thể, Đoàn thanh tra đã yêu cầu nhà trường tiến hành tự rà soát, so sánh lại toàn bộ điểm của tất cả sinh viên trong hai năm học 2009 - 2010 và năm học 2010 - 2011 giữa bộ môn, khoa và phòng đào tạo quản lý và có báo cáo giải trình cụ thể về các trường hợp có chênh lệch điểm. Kết quả, rà soát 12.952 sinh viên có đến 955 lượt sinh viên bị sai lệch điểm.
Trong quá trình thanh tra, ngoài những sai phạm nghiêm trọng về công tác tuyển sinh, đào tạo tại một trường ĐH công lập, ĐH Lao động - Xã hội còn bị phát hiện mắc nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ như bổ nhiệm các phó giám đốc cơ sở Sơn Tây, các trưởng, phó khoa thiếu nhiều quy trình, thủ tục. Hiệu trưởng trường còn lạm quyền tự ý thành lập khoa Sau ĐH hoàn toàn không đúng thẩm quyền.
Trong quy chế tuyển dụng, ký hợp đồng đối với cán bộ giảng viên, trường đề ra tiêu chuẩn rất lý tưởng “tốt nghiệp ĐH chính quy loại giỏi, xuất sắc hoặc có văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp. Trường hợp bằng trung bình khá, bằng khá thì yêu cầu đã đỗ cao học”. Tuy nhiên, trên thực tế, từ 1/1/2009 đến 15/8/2011, trường tuyển mới 48 người về làm công tác giảng dạy và có đến 19 trường hợp bằng trung bình khá, trung bình, khá, không đúng với chính quy định do nhà trường ban hành.
Thôi giảng dạy 19 giảng viên bằng trung bình?
Trước sai phạm nghiêm trọng trên nhiều mặt của nhà trường, Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu lãnh đạo nhà trường tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra những sai phạm tuyển sinh, sai phạm trong sửa điểm, nâng điểm, quản lý điểm, trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ...
Việc kiểm điểm trách nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc. Cuối tháng 12 phải hoàn tất việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và có báo cáo.
Đối với 28 trường hợp thi khác khối, thiếu điểm mà vẫn được tuyển vào học tại các ngành thuộc hệ CĐ, trong đó 8 trường hợp không đủ điểm tất cả các ngành thuộc hệ CĐ; 1 trường hợp thi khối C nhưng học ngành Kế toán; 19 trường hợp còn lại không đủ điểm vào ngành đang học nhưng đủ điểm vào ngành học khác và 43 trường hợp thi khác khối, thiếu điểm mà vẫn được tuyển vào học tại các ngành thuộc hệ ĐH, trong đó, 8 trường hợp không đủ điểm tất cả các ngành thuộc hệ ĐH; 2 trường hợp thi khối C nhưng học ngành kế toán; 33 trường hợp còn lại không đủ điểm vào ngành đang học nhưng đủ điểm vào ngành học khác: giao hiệu trưởng xem xét, trình Bộ trưởng xử lý theo đúng quy định hiện hành về tuyển sinh do Bộ GD-ĐT ban hành.
19 người tốt nghiệp ĐH hạng trung bình, trung bình khá hoặc khá đã được trường tuyển dụng về làm giảng viên, giảng viên kiêm chức bậc đại học: Nếu có nhu cầu làm các công việc khác (không tham gia giảng dạy ở bậc đại học trở lên) thì bố trí sang công việc đó; nếu không có nhu cầu sử dụng thì chấm dứt hợp đồng lao động.
Những sinh viên đã chuyển từ các cơ sở đào tạo khác về cơ sở 43 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) học tập, giao hiệu trưởng kiểm tra, rà soát, đối với sinh viên không đủ các điều kiện để chuyển trường, chuyển trả sinh viên đó về cơ sở đào tạo cũ.
Còn những trường hợp sửa nâng điểm, Bộ LĐTB&XH yêu cầu hiệu trưởng chủ trì, rà soát, so sánh lại toàn bộ việc thi, quản lý điểm của sinh viên, trường hợp sửa nâng điểm không phản ánh đúng kết quả học tập thì phải sửa lại và phản ánh đúng kết quả học tập của sinh viên.
Theo Kiều Oanh (VNN)