“Những khó khăn, không hợp lý của khối các trường ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL) nhất định phải tháo gỡ. Tôi nghe các ông “con nuôi” kêu rất dữ, bởi nhiều thứ chưa công bằng. Tinh thần chung là phải thực hiện quán triệt công bằng, bình đẳng, từ chính sách nhỏ bằng móng tay đến những chính sách vĩ mô”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như trên tại hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH-CĐ NCL do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 14-3 tại Hà Nội.
Phân biệt, bất bình đẳng
Bà Trần Kim Phượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường CĐ Asean, cho rằng hiện có sự bất bình đẳng trong chính sách phát triển giữa trường công và trường tư. “Trường công được ưu đãi về mọi mặt, được Nhà nước đầu tư hỗ trợ toàn bộ, ngược lại trường tư phải lo tất cả mọi việc từ mua đất, xin đất xây dựng trường rồi lo chi phí đào tạo, trả lương giáo viên” - bà Phượng phân tích.
Ông Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, cho rằng khó khăn lớn nhất của trường NCL là vừa phải đảm bảo mục tiêu giáo dục phi lợi nhuận vừa phải bồi hoàn vốn đầu tư cho nhà đầu tư. Do vậy mong muốn lớn nhất của các trường NCL là được tạo điều kiện về thuế, đất đai, cơ cở vật chất để nhà trường có “điểm tựa” phát triển.
Nhiều trường kiến nghị Nhà nước nên quy định và xác định rõ vai trò của trường công, chỉ đào tạo theo đặt hàng của Nhà nước, đào tạo những ngành Nhà nước có nhu cầu. Sau khi đào tạo phải làm việc dưới sự phân công của Nhà nước, có như vậy mới tạo ra sân chơi bình đẳng, giúp trường tư có thêm cơ hội cạnh tranh bình đẳng với trường công.
Tìm hiểu thông tin của trường ĐH Tân Tạo tại ngày hội tuyển sinh năm 2014. Ảnh: HTD
Theo Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ NCL, vấn đề lớn nhất còn tồn tại ở cả Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH và nhiều văn bản quy phạm pháp luật là chưa làm rõ cơ chế sở hữu cũng như tính chất “không vì lợi nhuận” của các trường NCL. Vì thế cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cách thức công nhận và những chính sách khuyến khích đặc biệt đối với loại trường này.
Hiệp hội cũng cho rằng quy định pháp luật đã không thể hiện sự khác biệt giữa một trường ĐH NCL với một doanh nghiệp. Do vậy, chỉ những người góp vốn vật chất mới được tham gia HĐQT, mới được biểu quyết các vấn đề lớn của nhà trường. Các giá trị phi vật chất như công lao sáng lập, xây dựng trường, thâm niên làm việc tại trường, giá trị thương hiệu cá nhân... đều không tính thành giá trị cổ phần nên các nhà giáo, các nhà khoa học, những người nhiều tâm huyết với giáo dục chỉ giữ vai trò thụ động.
Chia sẻ với các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn về đất đai, tài chính, Bộ GD&ĐT phải chủ động tháo gỡ ngay các điểm còn bất hợp lý về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của bộ. “Thay vì tăng chỉ tiêu đơn thuần của trường công, chúng ta có thể cho phép tăng chỉ tiêu nếu các trường công liên kết với trường tư, qua đó tạo thêm điều kiện cho các trường ngoài công lập… Bên cạnh đó là phải rà soát lại tất cả chính sách liên quan đến sinh viên các trường trong và NCL, nếu còn điểm nào bất bình đẳng thì nhất định phải giải quyết” - Phó Thủ tướng gợi ý.
Bốn khuyến cáo từ các trường ngoài công lập
Tại hội nghị, Hiệp hội Các trường NCL cũng đã đưa ra bốn khuyến nghị để nâng cao chất lượng cho chính nội bộ trường mình. Thứ nhất, nhà trường cần xử lý vấn đề tài chính với tầm nhìn dài hạn, biết lấy ngắn nuôi dài, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các loại lợi ích, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong các nhà đầu tư, trước hết là các cổ đông lớn và chính ở đây người ta thường nhấn mạnh tới vai trò của những nhà đầu tư có tâm và có tầm.
Thứ hai, tập xây dựng đội ngũ và môi trường sư phạm. Việc xây dựng đội ngũ đối với trường NCL đòi hỏi công sức và trí tuệ không những của các nhà lãnh đạo và quản lý cấp trường mà cả cấp khoa và bộ môn và phải được thực thi thống nhất và lâu dài.
Thứ ba, phải chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo ngay từ khi bắt đầu hoạt động và từng bước phải được nâng lên ngang tầm quốc gia. Giải pháp liên quan đến vấn đề này đó không chỉ nằm ở bản thân mỗi trường mà còn ở chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách bảo đảm cho trường thực hiện tốt quyền tự chủ để qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho mỗi trường.
Thứ tư, phải từng bước xây dựng uy tín và thương hiệu cho trường một cách bài bản và phù hợp với văn hóa Việt...
HUY HÀ
20 năm chung tay cùng khối công lập Trong 20 năm qua, các trường ĐH-CĐ NCL đã phát triển nhanh chóng, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước. Năm 1993, Thủ tướng ban hành quy chế ĐH tư thục. Năm 1994, cả nước có năm cơ sở giáo dục ĐH NCL được thành lập. Năm 2000, có 25 trường, năm 2010 có 82 trường, năm 2013 có 90 trường (gồm 61 trường ĐH và 29 trường CĐ) chiếm 22,2% tổng số các trường ĐH-CĐ toàn quốc. Số lượng ngành đào tạo là 1.143 ngành, chuyên ngành. Hiện nay số lượng sinh viên đang theo học ở các cơ sở ĐH-CĐ NCL là hơn 314.000 sinh viên, chiếm 14,4% sinh viên cả nước. Theo ước tính của một số chuyên gia từ năm 2000 đến nay, chỉ với hơn 80 cơ sở giáo dục ĐH NCL nhưng hằng năm đã có thêm trên 300.000 chỗ học mới cho sinh viên, tạo thêm hàng vạn chỗ làm việc cho người lao động. Tổng số tiền đã huy động được trong 20 năm qua, tạm tính (mới chỉ tính về học phí) đã là gần 30.000 tỉ đồng, gấp sáu lần tổng số tiền phát hành trái phiếu giáo dục lần đầu. Bên cạnh một số kết quả đạt được, khối các trường NCL cũng bộc lộ những yếu kém như chất lượng đào tạo của một số trường còn rất hạn chế, đội ngũ giảng viên cơ hữu còn mỏng, nhiều giảng viên cao tuổi và giảng viên trẻ mới tốt nghiệp, trình độ, kinh nghiệm còn hạn chế khiến cho uy tín đào tạo của trường ngày càng giảm sút. Một số trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, sai đối tượng; tuyển sinh và thực hiện đào tạo liên thông, liên kết sai quy định... |