Dân nghèo sập bẫy lãi suất: 'Trả tiền đi, gia đình tôi khổ quá rồi!'

Ngày 11-3, TAND tỉnh Hậu Giang tiếp tục xét xử vụ Võ Thanh Long, cựu tổng giám đốc Công ty Bất động sản Cao Thắng (gọi tắt là Công ty Cao Thắng), cùng các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. HĐXX tiếp tục phần xét hỏi bị cáo, bị hại cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ba bị cáo đề nghị xem xét thêm tư cách bị hại

Vụ án này, Long bị cáo buộc là người cầm đầu, chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo còn lại thực hiện hành vi phạm tội. Chín bị cáo đồng phạm gồm: Trần Vạn Lợi, Lữ Nhật Trường, Nguyễn Tân Định, Trần Tấn Phát, Phạm Minh Hoàng, Lê Minh Thu, Võ Văn Sang, Lê Thành Nguyên, Đỗ Văn Thọ. 10 bị cáo cùng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Võ Thanh Long tại tòa. Ảnh: CHÂU ANH

Tại tòa, Long khai nhận các khoản nợ của Công ty Ước Mơ Việt được chuyển sang Công ty Cao Thắng hoàn toàn không có văn bản thỏa thuận nào. Cạnh đó, Long cũng thừa nhận bản thân là người đã soạn thảo các tài liệu trình chiếu, thông tin về dự án để đưa cho cấp dưới sử dụng tại các hội thảo nhằm kêu gọi khách hàng đầu tư. Số tiền có được, Long dùng chi trả lương, phụ cấp cho nhân viên, chi phí tổ chức hội thảo... và không trích hoa hồng cho các bị cáo khác.

Trả lời các câu hỏi liên quan đến dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu, bị cáo Long cho rằng tài sản đất là có thật. Bởi chủ trước (tức là Công ty Duy Danh) đã kinh doanh nên bị cáo kinh doanh cũng như vậy. Và mãi cho đến khi bị báo chí phản ánh, bị cáo mới biết rằng: “Không thể kêu gọi đầu tư vào dự án khi chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép”.

Các bị cáo đồng phạm của Long thì cho rằng khi biết thông tin Long mua lại dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu, các bị cáo càng đặt lòng tin nhiều hơn. Từ đó, các bị cáo đã hỗ trợ, giúp sức cho Long trong việc thuyết trình, thông tin dự án tại các hội thảo để kêu gọi đầu tư.

Khai tại tòa, ba bị cáo Phát, Sang, Hoàng cho hay bản thân cũng bỏ tiền để đầu tư vào khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu. Trong đó, nhiều nhất là Hoàng với hơn 2,7 tỉ đồng (đã nhận lại hơn 1,1 tỉ đồng), kế đó là Phát với khoảng 900 triệu đồng và Sang khoảng 300 triệu đồng (đã nhận lại 70 triệu đồng). Từ đó, ba bị cáo này cũng đề nghị HĐXX xem xét cho thêm tư cách là bị hại.

Bị cáo Sang cho rằng cáo trạng quy kết bị cáo phải chịu trách nhiệm từ đầu năm 2018 là chưa hợp lý, bởi lẽ thời điểm này bị cáo chỉ là nhân viên bình thường. Cụ thể, tháng 3-2018, Sang được bổ nhiệm giữ chức giám đốc kinh doanh, đến tháng 11-2018 được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc kinh doanh khu vực 4. Lúc này, Sang mới tham gia hoạt động mời gọi khách hàng trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang tham gia đầu tư. Do đó, bị cáo Sang đề nghị HĐXX làm rõ hơn về trách nhiệm cũng như mốc thời gian phạm tội của mình.

Trong khi đó, bị cáo Hoàng đề nghị HĐXX cho phép được đối chất với các nhân viên và bị hại để xác định bị cáo có gây thiệt hại như cáo trạng đã quy kết hay không.

Các bị hại mong nhận lại tiền

Tham dự phiên tòa, ông Nguyễn Văn Chữ (79 tuổi, ngụ Vĩnh Long) run giọng kể năm 2016, Long (lúc này là lãnh đạo Công ty Ước Mơ Việt) tìm đến làm quen và đề nghị ông làm đại lý kinh doanh các linh kiện điện tử. Thời điểm đó  Long hứa hằng tháng ông sẽ được nhận 4% số tiền đầu tư vào, còn lợi nhuận từ việc bán linh kiện, công ty cũng sẽ chia phần trăm cho ông.

Trước lời đề nghị của Long, ông Chữ ngẫm nghĩ: “Lớn tuổi, ở nhà mà mở được một cửa hàng kinh doanh nho nhỏ, có đồng ra đồng vào cũng tốt”. Do vậy, ông đã gom tất cả 50 triệu đồng (số tiền con cái cho để sau này lo hậu sự) đưa cho Long. Nhận tiền xong, Long hẹn hai tuần sau sẽ cung cấp hàng cho ông, thế nhưng ba tuần, rồi hơn một tháng, tổng giám đốc Long vẫn biệt vô âm tín.

Một thời gian sau, nhân viên của Công ty Cao Thắng đã mời ông Chữ đến khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu để tham gia hội nghị, hội thảo. Tại đây, ông Chữ đã gặp lại Long cùng Sang và Lợi, cả ba bị cáo này giải thích rằng Công ty Ước Mơ Việt đang gặp khó khăn, phá sản và chuyển sang cho Công ty Cao Thắng. Các bị cáo cũng cho biết công ty đang mở kinh doanh bất động sản, mở khu du lịch, phân lô bán nền cho dân...

Theo ông Chữ, khi Long bị bắt, ông cùng nhiều người khác đến gặp Sang đòi tiền thì người này thông báo: “Bà con nào không thưa thì Công ty Cao Thắng sẽ trả tất cả số tiền nợ của bên Ước Mơ Việt và Công ty Cao Thắng. Bà con nào thưa thì đi thẳng ra công an tỉnh lãnh tiền, vì chúng tôi làm đây là có đóng tiền cho công an tỉnh hết rồi”. “Như vậy là quá rõ, tôi biết là Sang đang cố hù dọa nên chúng tôi bước lên thì Sang bỏ chạy” - ông Chữ kể lại.

ý kiến tại tòa, ông Chữ cố nén xúc động, bày tỏ mong muốn các bị cáo sớm hoàn tiền cho ông, đồng thời ông cũng mong HĐXX xét xử các bị cáo đúng người, đúng tội. Ông Chữ là một trong hơn 800 người được triệu tập đến tòa với tư cách là bị hại.

Hầu hết bị hại chỉ mong HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án đúng quy định pháp luật, đúng với những gì các bị cáo đã thực hiện hành vi gian dối với bà con và hơn hết, ai cũng hy vọng sẽ được hoàn trả số tiền đã bị các bị cáo lừa gạt, chiếm đoạt.

“Tôi đi vay ngân hàng 250 triệu đồng để đầu tư, giờ các bị cáo mới trả tôi được 35 triệu đồng. Tôi mong các bị cáo hoàn trả tiền để tôi trả tiền cho ngân hàng. Gia đình tôi quá khổ rồi!” - bị hại Tăng Thị Rết buồn bã nói.

 

Theo cáo trạng, từ tháng 4-2017 đến tháng 10-2019, Võ Thanh Long đã không thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để triển khai dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu (Hậu Giang). Đồng thời không chuyển quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của dự án sang Công ty Cao Thắng.

Dù vậy, Long đã cùng các đồng phạm lợi dụng dự án để huy động vốn theo phương thức đa cấp. Cáo trạng quy kết Long là chủ mưu, cầm đầu và chỉ đạo, các bị cáo còn lại giúp sức cho Long thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 816 bị hại ở 39 tỉnh, thành trên cả nước với số tiền gần 160 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm