Nhiều căn cứ chứng minh phần mương giữa hai nhà là mương chung nhưng quận lại cấp giấy chứng nhận (GCN) phần này là đất riêng cho hàng xóm gây khiếu nại.
Có khiếu nại, quận vẫn cấp giấy, cho chuyển nhượng
Bà Lê Thị Thu Hà (ngụ 61/8 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình) cho biết năm 2002, UBND quận 12 cấp GCN quyền sử dụng đất cho căn nhà của bà tại 2614/2B khu phố 2, phường An Phú Đông, quận 12. Theo đó, khuôn viên tiếp giáp mương nước hình thành từ trước để thoát nước chung cho cả khu vực. Kèm theo GCN là bản vẽ sơ đồ nhà đất thể hiện mương nước là đường đứt quãng, lộ giới dự kiến 8 m.
Đến năm 2011, bà Hà và các hộ liền kề góp tiền đặt cống thoát nước nhằm tránh sạt lở và làm đường đi chung. Năm 2013, GCN của bà Hà được cấp đổi, theo bản vẽ hiện trạng vị trí con đường đi chung trên con mương được quận 12 quy hoạch hẻm giới 4 m. Đến năm 2014, Công ty Cấp nước Trung An lắp đặt tuyến cấp nước sạch chạy ngầm suốt hẻm này để các hộ sử dụng. Giữa bà Hà và chủ nhà lân cận cũng có bản thỏa thuận sử dụng chung con mương này.
Đến năm 2010, thấy nhà bên cạnh (người mua lại khu đất năm 2008) san lấp đất, rào lại phần mương chung, bà Hà gửi đơn phản ánh. Tuy nhiên, đến năm 2011, UBND quận 12 cấp GCN cho nhà này có luôn phần hẻm xây trên mương thoát nước. Bà Hà khiếu nại nhưng vẫn không được giải quyết. Thậm chí năm 2015, dù đang bị khiếu nại nhưng chủ nhà vẫn chuyển nhượng và quận 12 vẫn cấp GCN cho người mua sau này.
Hình ảnh thực tế con mương (vùng khoanh tròn) được bà Hà khẳng định là mương chung nhiều năm nay nhưng hiện là đất riêng của nhà hàng xóm và được quận 12 cấp giấy chứng nhận. Ảnh: C.TÚ
Quận nói mương là đất riêng nên cấp giấy
Trước phản ánh của bà Hà, Pháp Luật TP.HCM đã gửi văn bản đến UBND quận 12 để nơi này có ý kiến. Sau gần hai tháng, UBND quận 12 mới hồi âm. Sau khi liệt kê quá trình chuyển nhượng, cấp giấy cho hai căn nhà nói trên, quận 12 thông tin: “Vào tháng 11-2017, Văn phòng HĐND và UBND quận có thông báo kết luận việc UBND quận 12 cấp GCN là đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật”.
Về tuyến mương, UBND quận 12 thừa nhận mương này hình thành từ năm 1976 nhưng quận cho rằng bà Hà không sử dụng mà có tuyến mương thoát nước riêng. Đến năm 2008 con mương này không còn làm nông nghiệp. Quận 12 cho rằng theo tài liệu bản đồ 02 năm 1991, vị trí mương thuộc một phần thửa đất của nhà lân cận, mục đích sử dụng là “ĐRM”, không thể hiện mương thoát nước. Theo tài liệu bản đồ địa chính số năm 2004-2005, vị trí mương là “vườn” và cũng không thể hiện là mương. Từ đó, quận cấp GCN cho người mua đất sau này có cả phần mương. Trong khi đó, những căn cứ bà Hà chứng minh mương chung (như GCN quận 12 cấp cho bà, giấy thỏa thuận giữa hai hộ…), quận 12 không giải thích.
Trước trả lời của quận 12, bà Hà đã bật khóc tại chỗ vì cho rằng không đúng sự thật và thực tế. “Tôi quá bức xúc” - bà nghẹn ngào. Bà Hà đề nghị quận 12 xuống kiểm tra thực tế và đối chất chứng cứ bà cung cấp để làm rõ thực hư. Tuy nhiên, quận này vẫn chưa phản hồi.
Mương chung cho cả xóm, vẫn đang sử dụng để thoát nước Tôi là một trong những hộ dân sống ở đây từ lâu nên biết rõ lai lịch con mương. Đây là mương chung để thoát nước cho các hộ trong xóm và chúng tôi vẫn đang sử dụng. Bên dưới con mương còn có hệ thống cấp nước Trung An. Việc chủ công trình kế cận nhà chị Hà được cấp GCN phần mương chung và san lấp trên đó khiến chúng tôi rất lo lắng vì bảo trì việc mương sẽ gặp khó khăn. Nguyện vọng của chúng tôi muốn bảo lưu phần mương này là của chung như từ trước đến nay. Ông NGUYỄN MINH TRÍ, ngụ 224/27/6/10/7 Vườn Lài, |