“Nếu đơn vị thi công thường xuyên quét đá, sỏi và trám vá kịp thời các vết nứt mặt đường thì đã không có người bị té!” - bà Kim Trần, nhà ở mặt tiền gần ngã tư Mai Xuân Thưởng - Hậu Giang (TP.HCM) kể.
Té vì đường hẹp, cát sỏi, trơn trợt
Sở GTVT TP.HCM cho phép từ ngày 31-3, một số tuyến đường ở khu vực Chợ Lớn đã đào từ cuối năm 2015 được đào tiếp ở nhiều đoạn đến tháng 1-2017. Ở nhiều tuyến đường khác, cảnh rào chắn, nhếch nhác gây khá nhiều khó khăn cho người dân.
Đường Mai Xuân Thưởng đoạn từ đường Lê Quang Sung đến Hậu Giang (quận 6) được đào từ 1-11-2015, đến nay vẫn chưa xong. Ngày 5-4, suốt chiều dài hơn 300 m của đoạn này hàng rào chắn công trình chiếm gần hết mặt đường, để chừa lại hai bên từ mép rào vào đến sát vỉa hè chỉ rộng chừng 1 m. Tuy nhiên, trên mặt đường còn lại quá hẹp này lổn nhổn đá sỏi, cát và các vết nứt. Bà Kim Trần cho biết đường hẹp, khó đi như thế nên có nhiều người đi xe máy khi lách rãnh nứt, cán phải sỏi, trượt trên cát khô và bị té xuống mặt đường.
Đi lại cực hình là đoạn ngã ba Mai Xuân Thưởng - Lê Quang Sung. Đây là ngã ba cong, khuất tầm nhìn và mặt đường còn lại rất hẹp, chưa tới 2 m nên dòng xe hai chiều không nhìn thấy nhau liên tục đổ dồn vào gây ùn ứ. Mặt đường đã được đào nên đơn vị thi công cho trải tấm sắt bản rộng, mặt trơn phủ lên trên. “Chính tấm sắt trơn này đã làm nhiều người đi xe máy dù đi rất chậm, chống chân xuống vẫn bị trợt. Nếu nhà thầu cho trải tấm thép có hàn gân chống trợt thì đã không có người bị té, nhất là phụ nữ và sẽ không có cảnh kẹt xe thường xuyên nơi đây” - ông Trần Đề, nhà ở khu vực này kể.
Những ngày qua, đơn vị thi công cho đào tiếp đường Gò Công (quận 5), đoạn từ ngã tư Phan Văn Khỏe đến Hải Thượng Lãn Ông, nơi được coi là tâm điểm buôn bán khu vực Chợ Lớn. Việc đào đường lan rộng nên chuyện buôn bán, đi lại qua đây rất khó khăn. Ngay đầu ngã ba đường Võ Văn Kiệt rẽ phải sang đường Gò Công, rào chắn bít sát vỉa hè bên phải, chỉ còn lại một luồng đường nhỏ bên trái để xe máy chạy hai chiều. Giữa đoạn Võ Văn Kiệt và đường Bãi Sậy của đường Gò Công có một xe xúc bánh xích nằm nghênh ngang chiếm gần hết mặt đường. Theo Thanh tra Sở GTVT, hồi tháng 1-2016, đơn vị thi công đoạn này đã bị lập biên bản, nhắc nhở về việc không dọn vệ sinh và gây khó cho người đi đường. Nhưng tình trạng trên vẫn lặp lại ở đoạn đào kế tiếp.
Ngã ba Mai Xuân Thưởng - Lê Quang Sung, quận 6 gây khó khăn đi lại do bị rào chắn đào đường và mặt đường được lót tấm sắt trơn trợt. Ảnh: LƯU ĐỨC
Đường Bạch Đằng, quận Tân Bình làm xong một bên nhưng vẫn lổn nhổn vì nhà thầu không cho trải thảm bê tông nhựa. Ảnh: LƯU ĐỨC
Khổ với vũng lầy
Cũng thời điểm này, đường Hồng Hà (quận Tân Bình) đoạn từ Trường Sơn đổ về phía Công viên Gia Định được thi công nền hạ phía bên tay phải. Một nửa phần đường còn lại bên tay trái được dành cho lưu thông. Do đây là tuyến cửa ngõ từ sân bay Tân Sơn Nhất ra nên lượng xe máy, ô tô đi qua luôn đông đặc. Phần đường tạm này khá rộng, gần 5 m nhưng không được lu lèn nên lổn nhổn những mô, gò, ổ gà khiến ô tô, xe máy mướt mồ hôi khi đi qua. Trong khoảng 500 m của đoạn này lại có rất nhiều vũng nước đọng nên ô tô luôn đi sát vào bên phải, ép xe máy vào sát rào chắn, rất nguy hiểm. Ngay ở đầu ngã ba đường Hồng Hà tiếp giáp với đường mới xuyên qua Công viên Gia Định có một vũng nước lớn, “chôn” sẵn nhiều ổ trâu phía dưới nên ô tô không dám mở cua rẽ trái. Do né “vũng nước trâu” này nên tốc độ xe lưu thông qua ngã ba rất chậm và thường xuyên ùn tắc. “Nếu nhà thầu cho gọt mặt đường và lấp các ổ gà, lấp vũng nước thì việc đi lại trên đường Hồng Hà không đến nỗi khó khăn, ách tắc!” - ông Hoàng Hải, nhà ở sát bên ngã ba Hồng Hà nói.
Đi tiếp đến đường Bạch Đằng là cảnh tượng công trường ngổn ngang với vật liệu và rào chắn. Phần đường bên phải đã được đặt cống, công trình ngầm và làm nền hạ xong nhưng nhà thầu không cho trải thảm bê tông nhựa nóng ngay mà chờ làm xong phần bên trái. “Kiểu thi công nửa đường, bên nào cũng nham nhở, ngổn ngang thế này thì chỉ có lợi cho nhà thầu, còn dân chúng tôi thì bị hại!” - ông Hoàng Hải nói.
Xử nặng người cấp phép sai Sở GTVT TP.HCM đang xem xét quy định chế tài bổ sung đối với việc cấp phép và thực hiện đào, tái lập mặt đường. Theo đó, đối với công chức, viên chức thuộc Sở hoặc các quận/huyện cố ý tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục trình lãnh đạo ký các giấy phép đào, tái lập mặt đường sai quy định thì sẽ bị xử lý theo quy định công chức, viên chức. Nếu vi phạm nặng hơn, gây hậu quả thì sẽ chuyển hồ sơ sang công an để xử lý. Các trường hợp cố ý tham mưu, cấp phép đào, tái lập mặt đường sai gồm: biết rõ nhà thầu, đơn vị thi công đã vi phạm, tái vi phạm đào, tái lập mặt đường nhiều lần hoặc biết nhà thầu, đơn vị thi công chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lần trước mà vẫn tiếp tục cấp phép đào, tái lập mặt đường… Theo ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, các chủ đầu tư phải kiên quyết từ chối từ một đến hai năm với các nhà thầu có vi phạm đào, tái lập mặt đường từ ba lần trở lên trên một công trình hoặc ở một gói thầu. Phạt 41 nhà thầu Theo Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, trong hai tuần qua đã lập 43 biên bản xử phạt 41 nhà thầu với số tiền phạt 239 triệu đồng. Trong đó, có 15 biên bản xử phạt nhà thầu không tái lập mặt đường theo quy định, tám nhà thầu để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài khu vực gây cản trở giao thông, năm nhà thầu không có giấy phép hoặc có giấy phép thi công nhưng đã hết hạn... |