Theo đó, đối với công chức, viên chức (thuộc Sở hoặc các quận/huyện) nếu cố ý tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục trình lãnh đạo ký các giấy phép đào, tái lập mặt đường sai các quy định của Chính phủ, UBND TP hoặc Sở GTVT thì sẽ bị xử lý theo Luật Công chức, Luật Viên chức. Vi phạm nặng hơn thì sẽ chuyển hồ sơ sang Phòng CSĐT vi phạm về kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP) để xử lý.
Mặt đường tái lập không đúng quy định, gây khó khăn, không bảo đảm an toàn cho người đi đường thì nhà thầu và đơn vị thi công sẽ bị phạt.
Theo Sở GTVT, các trường hợp cố ý tham mưu, cấp phép đào, tái lập mặt đườnng sai là: Biết rõ nhà thầu, đơn vị thi công đã vi phạm, tái vi phạm đào, tái lập mặt đường nhiều lần hoặc biết nhà thầu, đơn vị thi công chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lần trước mà vẫn cấp phép đào, tái lập mặt đường cho đoạn đường tiếp theo hoặc cho công trình khác…
Sở GTVT cũng sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư (Các Khu quản lý giao thông đô thị, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, Khu Quản lý đường thủy nội địa…) phải kiên quyết từ chối 1-2 năm với các nhà thầu có vi phạm đào, tái lập mặt đường từ ba lần trở lên trên một công trình hoặc ở một gói thầu.
Các nhà thầu tái lập mặt đường để vật liệu gây cản trở giao thông sẽ bị phạt nặng.
Cuối chiều 4-4, nguồn tin từ Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết trong hai tuần qua đã lập 43 biên bản xử phạt 41 nhà thầu thi công các công trình đào đường ẩu, với số tiền phạt 239 triệu đồng. Trong đó có 15 biên bản xử phạt nhà thầu không tái lập mặt đường theo quy định, tám nhà thầu để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài khu vực gây cản trở giao thông, năm nhà thầu không có giấy phép hoặc có giấy phép thi công nhưng đã hết hạn...
Liên quan đến vụ tái lập mặt đường Phạm Thế Hiển ẩu mà PLO đã phản ánh, Thanh tra Sở GTVT cho biết đã lập năm biên bản, phạt đơn vị thi công 20 triệu đồng về các lỗi: thi công không có rào chắn, để vật liệu gây cản trở giao thông, tái lập mặt đường không đúng quy định…