TP.HCM: Lại ba năm sống chung với đào đường

Ngày 9-11, nhiều người dân trên các tuyến đường Pasteur, Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) bày tỏ bất ngờ với Pháp Luật TP.HCM khi được thông tin một số đoạn trên các đường này sẽ rào chắn để đào đường. “Lại đào nữa hả?” - bà Thùy Trang (kinh doanh sỉ hàng hóa và quán nước tại 48 Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1) hỏi lại PV khi chúng tôi đề cập đến kế hoạch đào đường sắp tới.

Cân nhắc trả mặt bằng

Bà Trang chỉ vào dấu vết đoạn đường vừa lấp và nói cách nay vài tháng ở khu vực này đã có đào đường rồi và việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc buôn bán của bà. “Tôi ủng hộ đào đường để lắp đặt cống chống ngập nhưng cứ đào liên tục thì không ổn. Quán tôi mỗi ngày có hàng trăm khách đến ăn uống nên nếu thi công kéo dài thì chắc chắn việc buôn bán sẽ bị ảnh hưởng” - bà Trang nói.

Tương tự, bà Linh Lan (chủ cửa hàng đá quý tại 149 Đồng Khởi) cho biết từ ngày thi công đường Nguyễn Huệ và tuyến metro số 1, tuyến đường này đã vắng khách hẳn. Gần đây việc buôn bán của cửa hàng giảm sút đến 70%. “Cửa hàng này đã hoạt động trên 10 năm nay. Nhưng nay liên tục bị rào chắn, đào đường thì tôi phải tính đường trả mặt bằng, nghỉ bán, chứ không thể mở cửa ngồi ngó… công nhân thi công” - bà Lan rầu rĩ.

Theo bà Phạm Thị Du (cửa hàng kinh doanh đồ mỹ nghệ ở 125 Đồng Khởi), việc kinh doanh, buôn bán trên tuyến đường Đồng Khởi chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Nếu rào chắn và đào đường thì không chỉ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán mà còn tác động xấu đến khách du lịch.

“Do đó, khi thi công thì cần làm cuốn chiếu, làm xong đoạn này rồi đến đoạn khác chứ đừng làm tràn lan cùng lúc. Ngoài ra, việc thi công phải thực hiện nhanh, gọn nhằm giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến người dân” - bà Dụ đề nghị.

“Mong thông cảm và chia sẻ”

Từ đầu tháng 11, một phần đường Mai Xuân Thưởng và Hồng Bàng đã được rào để đào. Chủ đầu tư dự án này là Ban Quản lý Đầu tư công trình giao thông đô thị TP cho biết có 19 tuyến đường thuộc các quận 5, 6 và 11 sẽ bị đào.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông, Sở GTVT, nhận xét 19 tuyến đường trên nhỏ hẹp trong khi tuyến cống thay lớn, đặt sâu nên phải rào chiếm diện tích đường lớn. Nhiều nơi sẽ phải rào sát vỉa hè hoặc nhà dân nên khi đào đường không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại, kinh doanh buôn bán mà còn dễ sạt đường, ảnh hưởng đến nhà dân. “Chủ đầu tư, nhà thầu nào không có giải pháp bảo đảm an toàn để ảnh hưởng dẫn đến các thiệt hại thì sẽ bị xử phạt và bồi thường thiệt hại” - ông Đường lưu ý.

Theo ông Đặng Ngọc Hồi, đại diện Ban Quản lý Đầu tư công trình giao thông đô thị TP, dự án trên kéo dài khoảng 39 tháng nên việc đào đường chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh sống và kinh doanh của người dân. Vì vậy chủ đầu tư mong người dân thông cảm và chia sẻ để dự án sớm hoàn thành. “19 tuyến đường nằm trong khu thương mại Chợ Lớn và khi rào chắn, đào đường sẽ làm cuốn chiếu từng đoạn 100-200 m. Với hai tuyến đường gần nhau sẽ không thi công cùng lúc. Ngoài ra, khi gần các dịp lễ, tết Nguyên đán thì sẽ ngưng thi công, tháo dỡ rào chắn để trả lại mặt đường” - ông Hồi nói.

Đề nghị giảm hoặc miễn thuế

Sở GTVT cũng muốn thông báo sớm về kế hoạch đào đường đến người dân. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào nhiều lý do (như kế hoạch triển khai của chủ đầu tư…). Ngay khi có kế hoạch, chúng tôi tổ chức thông báo rộng khắp để địa phương, người dân biết. Cụ thể, sắp tới Sở GTVT sẽ thông báo về thời gian đào từng đoạn, tuyến, diện tích đào, rào chắn và khả năng ảnh hưởng tới việc đi lại, mua bán cho các quận 5, 6 và 11.

Ngoài ra, các tuyến đường này nằm ở khu vực Chợ Lớn nên Sở GTVT sẽ đề nghị các địa phương, các chi cục thuế giảm hoặc miễn thuế với các hộ kinh doanh, mua bán bị ảnh hưởng.

Ông TRẦN QUANG LÂM, Phó Giám đốc Sở GTVT

19 tuyến đường sẽ đào trong ba năm

Quận 6: Đường Hùng Vương, Minh Phụng, Hậu Giang, Bình Tây, Mai Xuân Thưởng và Phạm Phú Thứ.

Quận 11: Đường Bình Thới, Lạc Long Quân, Phú Thọ - Hàn Hải Nguyên, Tôn Thất Hiệp và Đỗ Ngọc Thạnh.

Đường liên quận 5, 6 và 11: Gò Công, Đỗ Ngọc Thạnh, Phú Hữu, Tạ Uyên, Vạn Tượng, Phó Cơ Điều và Tân Khai.

Cần thông báo trước sớm

Nếu rào chắn thì phải thông báo sớm thời gian thi công cho người dân biết. Không phải tháng này thông báo thì tháng sau làm mà cần báo trước nửa năm hoặc hơn. Trong đó có đề cập đến sự ảnh hưởng cụ thể để người dân có phương án xử lý, giảm thiểu sự tác động. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ thêm chứ chỉ giảm thuế như lúc thi công phố đi bộ Nguyễn Huệ là không thỏa đáng.

LINH LAN, chủ cửa hàng đá quý tại 149 Đồng Khởi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm