1. Diếp cá nấu nước vo gạo
Chỉ với hai nguyên liệu rất bình dân này, nhưng nếu kết hợp với nhau thì lại cho ra một vị chữa ho và viêm họng rất công hiệu. Theo dân gian, dấp cá (có nơi gọi là diếp cá) vị tanh, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, lợi tiểu.
Cây diếp cá
Cách làm: Chuẩn bị một nắm nhỏ rau diếp cá rửa thật sạch, để ráo. Nước vo gạo (không nên lấy nước đầu) chừng một chén. Tiếp đó, đun sôi nước vo gạo, thả diếp cá vào đun nhỏ lửa chừng 20 phút là dùng được. Diếp cá đã nấu chín không để lại mùi tanh, nếu muốn dễ uống, có thể cho thêm chút đường. Uống đều đặn ngày ba lần, mỗi lần một ly nhỏ, chừng 5-7 ngày là dứt ho.
2.Tắc chưng đường phèn
Trái tắc (hay ngoài Bắc còn gọi là quất), theo Đông y trái này có vị chua ngọt, tính ấm. Các bộ phận của cây như rễ, lá, quả, hạt… đều được dùng làm thuốc. Một trong những tính năng của trái tắc là chữa ho, đau họng.
Trái tắc (quất)
Để giúp giảm ho, đau họng, chuẩn bị ba trái tắc (xanh hay chín đều được), xắt đôi, bỏ hạt, cho vào chén nhỏ cùng một chút đường phèn. Vị thuốc này có thể hấp trong nồi cơm hoặc đun cách thủy cho tới khi chín, chắt lấy nước cho bé uống ngày ba, bốn lần, mỗi lần một muỗng nhỏ. Với người lớn, có thể ăn cả xác.
Chỉ cần hai trái tắc với chút đường phèn là bé đã có thể đủ dùng trong cả một ngày.
3. Tần lá dày chưng đường phèn
Tần lá dày (hay còn gọi là húng chanh)
Tần lá dày (húng chanh) có mùi thơm, tính ấm, vị chua the, được rất nhiều người dùng để chữa viêm họng, ho có đàm. Để chuẩn bị cho một ngày uống, cần 7-10 lá tần dày, giã hoặc xay thật nhỏ, trút ra chén, cho thêm một chút đường phèn hấp cách thủy, lấy nước uống ngày ba, bốn lần cho đến khi hết ho thì thôi.
4. Chanh ngâm mật ong
Trái chanh vị chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, sáng mắt…
Để làm một bình chanh ngâm mật ong (có chanh đào càng tốt), cần chuẩn bị nguyên liệu chừng 1 kg chanh, 1 lít mật ong, nửa ký đường phèn. Chanh rửa sạch, lau khô. Sau đó xắt lát tròn hay bổ làm tư đều được. Chuẩn bị bình sứ hoặc bình thủy tinh, cứ xếp một lớp chanh lại một lớp đường cho đến hết thì dùng vỉ nén chặt để chanh không trồi lên trên. Cuối cùng đổ mật ong, đậy bình cho kín. Để khoảng ba tháng sau là dùng được. Vị thuốc này bảo quản càng lâu càng phát huy tác dụng. Để trị ho, uống mỗi ngày hai lần sáng và tối, mỗi lần một muỗng cà phê. Nếu muốn dễ uống hơn, có thể pha thêm với nước ấm.
5.Lá me đất hoa vàng mật ong
Me đất hoa vàng
Lá me đất (chua me đất) thường mọc những nơi ẩm, mát, rất dễ kiếm, trị ho cũng cực nhạy. Chỉ cần hái một nắm nhỏ cây chua me (cả thân cả lá), rửa kỹ, ngâm nước muối cho sạch, để ráo rồi cho vào chén hấp cách thủy cùng với một lượng vừa đủ mật ong. Uống nước này ngày hai, ba lần sẽ rất chóng dứt cơn ho.