“Số đông chấp nhận nghe dòng nhạc thị trường “mì ăn liền”. Điều này đã bào mòn nham nhở những chuẩn mực mà bao thế hệ nhạc sĩ gạo cội dày công vun xới” - GS-NSƯT Bùi Công Thành chia sẻ.
Thực tế ở nhiều nước, nhạc thị trường cứ tồn tại, tự sinh tự diệt. Nhưng các giá trị âm nhạc đã được công nhận luôn được chăm chút.
“Ở Việt Nam nói thẳng là nạn “mù nhạc” vẫn bao phủ trên diện rộng. Hơn nữa vấn đề đào tạo âm nhạc phổ thông thì chưa được đặt ra đúng mức. Xu thế ăn xổi của thị trường đã đẩy không ít nhà sản xuất âm nhạc đến sự dễ dãi trong tác phẩm. Đôi khi tác phẩm chỉ là những cảm xúc chưa được sàng lọc. Thị trường cũng vẫn có người chỉ có nhu cầu thấp nghe loại âm nhạc kém chất lượng đó cho nên mới có hiện trạng hôm nay” - GS Bùi Công Thành nhận định.
Ô nhiễm môi trường âm nhạc
. Phóng viên: Ít nhiều loại nhạc ấy lại thu hút một lượng khán giả đông đảo, thưa ông?
+ GS Bùi Công Thành: Có thể nói âm nhạc bao giờ cũng phản ánh trung thực trình độ thưởng thức cũng như mức độ cảm thụ thẩm mỹ của xã hội. Nó phản ánh các xu hướng thị hiếu và mỗi loại nhạc đều có thính giả riêng, tuy nhiên ở các nước mà nền giáo dục âm nhạc phổ cập được đặt vào đúng vị trí trong đào tạo con người thì số lượng người hiểu biết và ủng hộ nhạc hàn lâm đông hơn và có thể trở thành chủ đạo.
. Thưa ông, vậy do đâu mà dòng nhạc thấp cấp lại trở nên bùng nổ như hiện nay?
+ Khi Việt Nam mở cửa, âm nhạc của thế giới tràn vào hầu hết các loại hình âm nhạc như pop, jazz, blues… Đến nay chúng ta vẫn đang trong giai đoạn khai phá nó. Có những người rất giỏi và những người may mắn thành công. Nhưng thành công có tính chất lẻ tẻ.
Ở nước ngoài cũng là nhạc trẻ, chẳng hạn như nhạc Rap, ca từ vần điệu tiếng Anh rất chuẩn và chặt. Nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng muốn theo dòng mới này nhưng ngôn từ ép theo vần điệu, cố làm cho nó xuôi câu nên sự lựa chọn từ ngữ rất thiếu chọn lọc, thậm chí rất lởm khởm.
Việt Nam chủ yếu là tự học, ít người sang tận nơi tận chốn để học. Mà tự học không khéo học sai nên tiếp thu cái tốt không được nhiều. Ví dụ, có một số người biết nhạc nhẹ R&B nhưng mấy ai cắp sách sang tận Mỹ, Anh để học. Mình cứ theo rồi tự học giống giống, rồi tự thần tượng nhau coi nhau là vua nọ vua kia.
Tổng thống Ý chúc mừng nghệ sĩ Bùi Công Duy sau khi xem anh trình tấu bài Concerto của Beethoven với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.
Thử hỏi xem có “thần tượng”, “diva” nào thuộc lĩnh vực thanh nhạc Việt Nam được mời trân trọng tới dinh tổng thống Ý để trình diễn cho tổng thống nghe như dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và nghệ sĩ violon Bùi Công Duy chưa? Có mấy người được mời đi ra nước ngoài biểu diễn với các dàn nhạc hàng đầu thế giới như dàn nhạc giao hưởng Đức - Berliner Symphoniker? Đúng là chúng ta cứ tự xưng tụng nhau lên thành “thần tượng”, “diva”, “ông hoàng”... mà không đoái hoài đến các chuẩn mực chuyên nghiệp như thường thấy ở các nước quanh ta.
. Biết thế nhưng không thể phủ nhận ở thể loại nhạc hiện đại Việt Nam cũng có những nhạc sĩ với nhiều tác phẩm tuyệt vời, thưa ông?
+ Đúng, những nghệ sĩ âm nhạc chuyên nghiệp của chúng ta rất tài ba và khiêm nhường, họ luôn dõi theo những chuẩn mực quốc tế và hiểu được chặng đường vươn tới đỉnh cao là vô vàn chông gai ở phía trước. Họ là những người sẵn sàng dâng hiến cả đời vì sự cao quý của nghệ thuật đích thực, cho dù cuộc sống vật chất có khó khăn chừng nào thì họ vẫn chắt lọc những âm thanh đẹp nhất dâng hiến cho đời.
. Vậy ở các nước phát triển, liệu có những dạng ca sĩ hát không nổi nhưng vẫn có khán giả không thưa ông?
+ Tôi nghĩ ở đâu cũng có. Ví dụ, ở Nga tôi từng biết có ca sĩ giọng hát ẽo ọt, ăn mặc thì nửa nam nửa nữ… vừa hát vừa diễn trò uốn éo trên sân khấu. Tuy dạng ca sĩ này cũng có công chúng của họ nhưng công chúng của họ thường cũng có tâm lý không bình thường. Và tất nhiên dạng ca sĩ thế này không bao giờ xuất hiện trên tivi. Vì nói thẳng rằng sự xuất hiện của nó sẽ làm ô nhiễm trong môi trường âm nhạc.
“Nhạc nhảm” không có cửa lên truyền hình
. Vậy theo ông, các nhà quản lý cần làm gì để sàng lọc loại nhạc nhảm nhí?
+ Ở các nước tiên tiến có trình độ quản lý, có trình độ chuyên nghiệp cao và có lương tâm thì họ sẽ không bao giờ cho các loại nhạc ấy lên đài phát thanh, truyền hình. Vì việc công chiếu trên đài truyền hình cho cả nước xem còn mang yếu tố giáo dục. Hơn nữa các chương trình dù không phát sóng trên tivi đều có sự góp mặt của các nhà phê bình âm nhạc. Bất cứ người làm nghệ thuật nào cũng đều rất kính nể và ngại các nhà phê bình này.
. Nhưng chúng ta sàng lọc được ca sĩ tham gia chứ sao sàng lọc được khán giả, thưa ông?
+ Có một điều rất khác đó là trên thế giới họ không chỉ đơn thuần tạo ra nghệ sĩ mà còn đào tạo công chúng âm nhạc. Nghĩa là những người đi học âm nhạc không phải để trở thành chuyên nghiệp mà là công chúng được đào tạo. Ví dụ: Tôi có năm đứa con, chúng đều được học nhạc nhưng không phải đi theo con đường chuyên nghiệp. Nhưng đây sẽ là những người mua vé vào các chương trình âm nhạc.
. Nhưng làm sao bắt cá nhân mỗi gia dình cho con đi học nhạc, thưa ông?
+ Thực ra ở các nước phát triển thì môn âm nhạc là môn bắt buộc cho tất cả học sinh, mỗi thành phố đều có vài gian hòa nhạc, nhà hát opera, dàn nhạc giao hưởng, thính phòng, các trường âm nhạc chuyên nghiệp, các câu lạc bộ âm nhạc chuyên nghiệp, nghiệp dư... nhiều vô kể.
Mở nhạc bác học ở sân ga, nhà vệ sinh công cộng
. Vậy nghĩa là cần có cái nhìn tổng thể và đầu tư của Nhà nước về âm nhạc nói chung, văn hóa nói riêng?
+ 20 năm trước, lần đầu tiên tôi đến Hàn Quốc. Tôi rất ngạc nhiên khi đến mỗi sân ga, nhà vệ sinh công cộng, công viên… đều mở nhạc cổ điển. Khi đi qua các thành phố khác tôi càng ngạc nhiên hơn vì họ toàn mở dòng nhạc này. Và bạn không thể tưởng tượng được là sau 20 năm Hàn Quốc đã có nhiều tài năng âm nhạc, rất nhiều người được giải âm nhạc quốc tế. Đó chính là chiến lược của nhà nước.
Hiện nay tính về số lượng các trường âm nhạc, Hàn Quốc không thua gì ở Nga. Ở Hàn Quốc không chỉ nhạc kinh điển mà dòng nhạc pop cũng rất thịnh hành.
Với Đức, thành phố nào cũng có nhà hát opera và dàn nhạc giao hưởng. Những nhạc công ở đây họ đều ăn lương hằng tháng chứ không phải như ở ta tập buổi nào nhận thù lao buổi ấy. Chính bởi chế độ đặc biệt cho âm nhạc, Đức có quá nhiều thiên tài lừng lẫy như Beethoven, Mozart… Họ duy trì phát triển âm nhạc là để tôn thờ niềm tự hào dân tộc và điều này cũng là giữ gìn di sản văn hóa âm nhạc của nhân loại.
Hay như ở Pháp, cho dù kinh tế thị trường đến đâu thì các dàn nhạc, nhạc công đều có lương hằng tháng. Đặc biệt người đến xem cũng rất đông và giá tiền không đắt như chúng ta đi xem mấy ông “hoàng” tự phong hay các ca sĩ hải ngoại về.
Ở Nga, tại Nhạc viện Tchaikovsky, tất cả các giảng viên được lĩnh một loại lương riêng của Putin, trích từ quỹ của nhà nước. Họ có một chế độ lương bổng đặc biệt để nuôi tất cả giáo sư giỏi để duy trì tên tuổi của trường này. Và ở nước này, thành phố nào cũng có trường âm nhạc. Và đặc biệt đại đa số các trường âm nhạc này miễn phí cho người có tài năng. Thí dụ Bùi Công Duy, lúc mới 10 tuổi sang Nga, khi chứng tỏ được tài năng có triển vọng thì ngay lập tức đã được những học bổng nổi tiếng nhất của Nga: Học bổng tài năng, học bổng dòng nhạc thính phòng nổi tiếng nhất của Nga, học bổng tài năng trẻ của Bộ Văn hóa Nga. Nghĩa là khi họ nhận ra anh là người có thể đem lại thành tích gì, vinh quang gì cho trường của họ.
Không chỉ đầu tư cho nhạc cổ điển, ở các nước như Nga cũng đầu tư cho dòng nhạc khác như pop, jazz…, tuy nhiên thể loại này được đầu tư ít hơn. Vì nhạc này nó có tính thời vụ. Mấy năm nay người ta thích nhạc này nhưng vài năm sau người ta thích cái khác rồi.
. Nhưng ngoài việc định hướng, chính phủ những nước này có ưu đãi gì hơn trong việc phát triển văn hóa, thưa ông?
+ Ở các trường đại học danh giá (không phải trường âm nhạc), họ đều có chính sách riêng, một người chỉ cần có một khả năng, chẳng hạn như biết chơi một loại đàn, hát hoặc chơi giỏi một môn thể thao… thì mỗi kỳ thi sẽ được cộng thêm vài điểm ưu tiên. Một điều đáng ngạc nhiên là tất cả trung tâm đào tạo hàn lâm trên thế giới như Nga, Pháp, Đức, Áo… đều có người Hàn Quốc đến học nhạc. Tôi cũng có rất nhiều học sinh theo học nhạc để chuẩn bị đi du học tại các trường uy tín tại Mỹ.
. Xin cảm ơn ông.
Các nước tiên tiến tồn tại hai loại giải trí: Một là loại nhạc trẻ như pop… có thể diễn ở sân vận động. Nhưng ngay cả nhạc hàn lâm họ cũng đưa ra sân vận động. Tôi sang Mỹ xem chương trình một nghệ sĩ piano biểu diễn cùng dàn nhạc với hàng vạn khán giả. Khán giả xem không chỉ là người lớn, họ dắt theo trẻ con đi xem. Chương trình sôi động, đặc sắc, cuối cùng còn có cả bắn pháo hoa rất tưng bừng. Hôm đó vì quá đông, tôi mất 1 tiếng mới lấy xe ra khỏi bãi được. |
YÊN TRANG thực hiện