NHỨC NHỐI NẠN BUÔN NGƯỜI Ở NGHỆ AN - BÀI 2

Đào thoát khỏi chốn ô nhục

Cơn ác mộng của ba cô gái mới bước sang tuổi 16 gồm Ngân Thị Ư., Mong Thị L. và Ven Thị H. (trú huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) bắt đầu từ chuyến bị lừa đi ra thành phố làm việc lương cao để giúp bố mẹ. Trong ánh mắt kinh hoàng, cả ba kể lại những ngày bị làm nhục và hành trình đào thoát khỏi xứ người…

Vào tay bọn buôn người

Giữa năm 2011, khi em Ven Thị H. (đang học THCS ở xã Mai Sơn, huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An) đi học về nhà thì bố mẹ còn ở trên rẫy chưa về. Em H. vừa treo chiếc cặp xách lên vách nứa thì có hai phụ nữ và một người đàn ông ăn mặc sang trọng đến nhà. Ba người này tỉ tê dụ dỗ em H.: “Ra Móng Cái làm việc nhàn hạ, có lương cao để gửi về nhà giúp bố mẹ làm nhà ngói, có điện thoại di động liên lạc về nhà và bạn bè”.

Vốn thật thà, chất phác nên khi nghe lời dụ dỗ của người lạ và cả hấp lực của việc có chiếc điện thoại xịn để khoe với bạn bè, H. liền nhận lời “đi làm việc cùng các cô chú”.

Lần đầu tiên ra khỏi địa bàn xã, được ngồi ô tô nên mọi thứ đối với H. đều lạ lẫm, thích thú. Tuy nhiên, khi đi đến huyện Con Cuông (Nghệ An) thì lập tức H. bị bán trao tay cho một đối tượng khác. “Trên đường đi, em được cho uống nước và ăn cơm rồi ngủ li bì, lơ ngơ cho đến khi tỉnh dậy em mới biết mình đã bị đưa sang Trung Quốc…” - em H. kể.

Đào thoát khỏi chốn ô nhục ảnh 1

Tuy ở ba huyện (Con Cuông, Kỳ Sơn và Tương Dương) khác nhau nhưng các em Ngân Thị Ư., Mong Thị L. và Ven Thị H. nhanh chóng kết thân khi ở xứ người để cùng nhau bàn cách đào thoát về nhà. Ảnh: HẢI TRẦN

Cũng như em H., em Mong Thị L. (ở xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) được một người đàn ông và hai người đàn bà đến nhà “tuyển” ra Móng Cái làm việc với lời hứa mức lương gần 30 triệu đồng/tháng. Do ở vùng rẻo cao thiếu hiểu biết, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên dù chỉ nghe lời hứa ngon ngọt của người lạ, vậy là bố mẹ L. liền đồng ý cho em “đi làm công nhân”. Không ngờ, vừa ra khỏi nhà, nhóm người lạ này đã đưa thẳng em L. ra biên giới phía Bắc rồi bán sang tay cho một người tên Hồng (quê huyện Con Cuông). Tiếp đó, bà Hồng lại bán em cho một người đàn ông Trung Quốc tàn tật, tuổi cao để về làm vợ cho y.

Sau một thời gian, L. lại được bà Hồng (đang ở Trung Quốc) đến đưa đi trốn. Bà nói là để giải thoát cho em khỏi gia đình người chồng tàn tật. Nhưng ngay sau đó, L. lại trở thành một món hàng không hơn không kém khi bà Hồng lại bán em cho một người đàn ông khác mua về làm vợ...

Cuộc sống ô nhục nơi xứ người

Tháng 9-2011, huyện miền núi Con Cuông bị lũ lớn. Bố mẹ em Ngân Thị Ư. (ở xã Đôn Phục) đi làm trên rẫy bị lũ cô lập, chưa kịp về nhà. Ư. phải nghỉ học ở nhà trông em.

“Đêm hôm ấy, bạn em là Lương Thị Việt (ở bản Hồng Điện, xã Đôn Phục) đến nhà rủ em “xuống TP Vinh làm việc đi, có lương cao, tiền nhiều”. Hai hôm sau, Việt nói có xe rồi, đi thôi. Em bế em đi gửi xóm giềng rồi anh Vi Văn Xân ở bản Hồng Điện đến chở em và Việt đi sang xã bên cạnh giao em cho chị Lang Thị Ngân. Sau đó, chị Ngân bắt xe khách đưa em cùng Việt xuống giao cho hai chị Vi Thị Hà và chị Vi Thị Nhung tại một căn nhà có tường cao bao quanh ở TP Vinh (Nghệ An). Chị Hà và chị Nhung đưa em lên xe ô tô thì Việt nói em cứ lên xe trước, Việt đi mua bánh và nước, rồi khi xe chạy không thấy Việt trở lại nữa. Trên đường đi em được chị Hà và chị Nhung cho uống thuốc chống say xe rồi ngủ không biết gì cho đến khi được đưa vào một phòng kín ở Trung Quốc. Ở đó, người ta nói tiếng lạ lẫm, em không hiểu được…”.

Kể lại chuyện trên, em Ư. vẫn chưa hết cảm giác kinh hoàng. Cũng như H. và L., Ư. bị bán về làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc nhiều tuổi. Khi em khóc đòi trở về nhà thì bị giam giữ và đánh đập. “Khi có cảnh sát Trung Quốc đến thì họ đưa em đi trốn. Cho đến khi hiểu được một ít tiếng Trung Quốc thì em mới biết nhà chồng đã bỏ tiền ra mua em với số tiền rất cao, khoảng 160 triệu đồng” - em Ư. kể.

Đào thoát khỏi chốn ô nhục ảnh 2

Em Ngân Thị Ư. (quay lưng) trong vòng tay của mẹ ở quê nhà. Ảnh: ĐẮC LAM

Bà Vy Thị Mày, mẹ của Ư., chen vào: “Sau gần một tuần nước lũ rút, vợ chồng tôi về nhà thì mới biết Ư. đã mất tích. Tôi khóc ngất nhiều lần và đi tìm con trong vô vọng. Gần ba tháng sau tôi mới nhận được tin nhắn của Ư. Lúc đó tôi mới biết chính xác con mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc như nhiều cô gái ở chốn này”.

Em Ư. kể tiếp: “Sau hai tháng bị bán làm vợ, em mới lén lấy được điện thoại trộm nhắn về nhà thông báo là em đã bị bán làm vợ ở vùng sâu Trung Quốc. Hằng ngày em bị giam trong nhà và bị bà cố và “chồng” luôn theo dõi. Khi gia đình nhà “chồng” đi làm, bà cố mới lấy chìa khóa mở cửa cho em ra ngoài đánh răng, rửa mặt và chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà. Đêm nhớ nhà, nhớ thầy cô, bạn bè em nằm rấm rứt khóc trộm chứ nếu phát ra tiếng khóc là bị “chồng” đánh đập. Ông ta là con trai một, thường xuyên vắng nhà đi chơi bời cả ngày đêm, về thì cưỡng bức em…”.

Hành trình trốn thoát

Điều trùng hợp ngẫu nhiên là cả ba em Ư., H. và L. đều bị bán làm vợ ở cùng một làng nên ba tháng sau các em tình cờ gặp nhau. Chính sự may mắn hiếm có này đã tạo điều kiện cho các em có thể hợp sức và hợp ý chí trốn thoát sau này.

Thứ nữa, có lẽ vì muốn an ủi tinh thần để các cô “con dâu” gắn bó lâu dài nên sau đó mỗi tuần nhà “chồng” đều cho ba em gặp nhau một lần. Nhờ vậy, cuối tháng 4-2012, Ư. đưa ra đề nghị cùng nhau tìm đường trốn thoát về nhà. Khi bỏ trốn mỗi người mang theo hai bộ quần áo và điện thoại cùng một ít tiền.

H. kể: “Hôm đó, trên đường chạy xe đạp điện đi chợ, em đến chở bạn Ư. và L. cùng bỏ trốn. Chúng em lo sợ đi đường chính sẽ bị họ đuổi bắt nên chúng em chở ba đi đường vòng trong làng. Trên đường bỏ chạy chúng em lo sợ, vừa run vừa khóc. Đi từ 11 giờ trưa đến cuối buổi chiều thì xe đạp hết điện, chúng em phải dắt xe chạy bộ. Đến 7 giờ tối thì chúng em ra đến đường quốc lộ, chúng em bán xe cho người bên đường được 1.000 nhân dân tệ rồi bắt taxi chạy trốn tiếp. Khi lên xe, tài xế hỏi đi đâu, chúng em nói đi gặp công an Trung Quốc và họ chở chúng em đến đồn công an.

Tại đây, các chú công an hướng dẫn đường về và mua vé tàu hỏa cho ba chúng em đi tiếp. Suốt bốn ngày bốn đêm trên tàu chúng em rất đói. Xuống tàu, chúng em lại gặp mấy chú công an. Chúng em hỏi đường về Việt Nam và được họ bắt taxi đi về hướng cửa khẩu Tân Thanh”.

Nhờ sự phối hợp, điện báo của công an Trung Quốc nên ngay khi ba em H., L., Ư. về đến cửa khẩu Tân Thanh, cán bộ, chiến sĩ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Nghệ An đã ra đến nơi đón ba em trở về quê nhà.

Giả làm “mẹ mìn” để trốn

Tháng 3-2011, chị Hà Thị V. (33 tuổi, ở xã Lục Dạ, Con Cuông, Nghệ An) và bốn phụ nữ cùng huyện bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ. Sau một thời gian, chị V. bị chê xấu và già nên gã “chồng” trả lại chị V. cho kẻ buôn người. Từ đây, chị V. nói: “Ở quê nhà còn có hai đứa cháu gái rất xinh và nhiều thiếu nữ muốn sang đây, cho tôi về đưa họ sang bán, tôi chỉ lấy một ít tiền hoa hồng”.

Không ngờ, bọn buôn người hám tiền tin ngay lời chị nên đã cấp tiền và hướng dẫn chị về VN để dụ đưa “hàng” sang cho họ bán. Tháng 5-2012, sau khi về đến nhà, chị V. làm đơn tố cáo những kẻ lừa bán chị sang Trung Quốc.

Người thân dọa giết, kẻ buôn người mới tha

Hoàng Thị T. (15 tuổi, trú xã Đôn Phục, Con Cuông, Nghệ An) may mắn hơn ba em L., Ư. và H. khi cũng bị lừa bán sang Trung Quốc nhưng chưa bị bán làm vợ vì còn quá… bé. Mẹ của T. bỏ lại ba đứa con đi ra Thanh Hóa lấy chồng khác. Hoàn cảnh khó khăn, cha của T. phải vào Nam làm thuê. Ba chị em T. ở với ông bà nội. Cùng với chiêu bài xuống TP Vinh làm việc lương 7 triệu đồng/tháng, T. bị Lương Thị Nhung lừa đưa ra biên giới phía Bắc bán sang Trung Quốc.

“Khi em sang bên đó, họ đe dọa phải lấy chồng bên đó, nếu không sẽ giao em cho xã hội đen xẻ thịt. Sau đó, nhiều người đến xem để mua nhưng họ chê em còn bé quá” - T. nói. Cùng lúc đó, bác của T. đến nhà Lương Thị Nhung đòi giết nếu không sớm trả T. về nhà. Hai tháng sau, T. được Nhung đưa về nhà.

ĐẮC LAM

Kỳ tới: Bất an ở miền cao xứ Nghệ

Cuộc sống ở các huyện miền núi Nghệ An sao quá bất an, ảm đạm. Trẻ em và phụ nữ hở ra là bị bọn buôn người dụ dỗ, lừa bán. Thanh niên trai tráng thì sa đà vào ma túy, hút chích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm