Thực ra, tình huống của kỳ 4 không khó nhưng dễ gây nhầm lẫn. Hầu hết ai cũng biết “di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” (Điều 646 BLDS 2005) và tài sản của người để lại di chúc được gọi là di sản (Điều 634 BLDS 2005). Ngoài ra, Điều 648 BLDS 2005 quy định về quyền của người lập di chúc đã thể hiện: Người để lại di chúc được toàn quyền định đoạt đối với di sản của mình. Chính vì vậy, nhiều bạn đọc cho rằng vợ chồng anh A có quyền yêu cầu công chứng viên (CCV) ghi thêm vào di chúc câu: “Để lại toàn bộ tài sản” là phù hợp với quy định, CCV từ chối yêu cầu này là không đúng. Bằng chứng là khoảng 1/3 đáp án gửi về À Ra Thế đã có nhận định như vậy.
Tuy nhiên, về nguyên tắc để yêu cầu CCV công chứng di chúc, người lập di chúc phải chứng minh di sản để lại là có thật và thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình (đối với đất đai là quyền sử dụng). Nguyên tắc này được thể hiện tại các quy định của BLDS 2005 về tài sản, về quyền sở hữu và các quy định về thừa kế. Cụ thể, điểm d khoản 1 Điều 653 BLDS 2005 quy định “di chúc phải ghi rõ: Di sản để lại và nơi có di sản”.
Cạnh đó, khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 (LCC 2014) cũng định nghĩa: “Công chứng là việc CCV của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản…”. Đồng thời điểm d khoản 1 Điều 40 LCC 2014 quy định người yêu cầu công chứng phải cung cấp cho CCV: “Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó”. Bản sao ở đây có thể là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính (khoản 2 Điều 40) và CCV sẽ yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ nói trên để đối chiếu trước khi thực hiện việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch (khoản 8 Điều 40 và khoản 3 Điều 41 LCC 2014). Với các quy định này của LCC 2014, chúng ta có thể xác định khi có yêu cầu công chứng, người yêu cầu có nghĩa vụ phải cung cấp cho CCV các giấy tờ về nhân thân và giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng của họ đối với các tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đó.
LCC 2014 cũng có ngoại lệ đó là: “Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 của luật này nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng” (khoản 2 Điều 56). Tuy nhiên, đề thi À Ra Thế kỳ 4 không rơi vào trường hợp này.
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể xác định: Yêu cầu lập di chúc của vợ chồng anh A “để lại toàn bộ tài sản” mà không xác định được loại tài sản gì, không chứng minh được quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp đối với những tài sản đó là không phù hợp quy định pháp luật.
Do vậy, đáp án của À Ra Thế kỳ 4 là: CCV từ chối yêu cầu công chứng di chúc của vợ chồng anh A là đúng theo quy định của pháp luật.
À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Các bạn có đáp án khác cũng xin đừng nản chí vì chúng ta “Không được giải cũng được luật” mà.
Trong thời gian chờ đợi À Ra Thế phân loại và chấm giải, xin mời quý bạn đọc tiếp tục tham gia với tình huống của À Ra Thế kỳ 5.