Từ hôm qua (4-1), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức áp dụng cơ chế tỉ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD, mở ra một giai đoạn mới trên thị trường ngoại tệ.
Với sự thay đổi lớn này, tỉ giá buổi sáng có thể tăng và buổi chiều giảm tùy diễn biến thị trường chứ không “neo” trong một thời gian dài như trước đây.
Linh hoạt hơn cơ chế cũ
Ngay trong buổi sáng đầu tiên khi NHNN điều hành chính sách tỉ giá theo cơ chế mới, các ngân hàng thương mại cũng ngay lập tức điều chỉnh tăng giá USD 10-40 đồng, trong đó chủ yếu là giá mua vào. Chẳng hạn, giá USD tại Vietcombank mua vào 22.470 VND/USD, bán ra 22.540 VND/USD.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho hay các ngân hàng thương mại cập nhật thông tin liên tục lên NHNN Chi nhánh TP.HCM về tình hình cung cầu ngoại tệ. “Tính đến chiều qua, diễn biến thị trường ngoại tệ khá tích cực, không có dấu hiệu tăng đột biến nhưng giá USD buổi sáng có tăng nhẹ so với cuối tuần trước” - ông Minh nói.
Trong phiên họp báo toàn ngành ngân hàng mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay cơ chế điều hành tỉ giá trong thời gian qua “không được thị trường lắm”. Nghĩa là tỉ giá trung tâm (tỉ giá bình quân liên ngân hàng) do NHNN công bố hằng ngày thường cố định trong một thời gian, sau đó mới điều chỉnh. Trong khi đó, thị trường chuyển động hằng ngày, do vậy việc thay đổi bằng cơ chế mới sẽ linh hoạt hơn, phản ánh thị trường tốt hơn, nhất là khi có những biến động lớn trên thế giới.
Cụ thể, theo NHNN, cách thức điều hành tỉ giá mới cho phép tỉ giá biến động linh hoạt hằng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Cách thức điều hành tỉ giá mới cho phép tỉ giá biến động linh hoạt hơn. Ảnh: HTD
Hết thời “bao cấp” tỉ giá
Bình luận về chính sách tỉ giá mới của NNNN, một phó tổng giám đốc ngân hàng phụ trách khối khách hàng DN tại TP.HCM cho rằng đã hết thời NHNN “bao cấp” về tỉ giá. Lý do là trước đây NHNN luôn cam kết sẽ giữ ổn định tỉ giá trong một thời gian dài và nếu có điều chỉnh cũng trong một biên độ cho phép.
Chính vì có sự cam kết này nên DN không việc gì phải chủ động trong vấn đề ngoại tệ. Thậm chí có tình trạng DN “lợi dụng” chính sách này để hưởng lợi. Chẳng hạn như vay USD sau đó bán ra lấy VND rồi hưởng lãi suất cao vì lãi suất VND và USD chênh lệch lớn hơn biên độ biến động mà NHNN cam kết.
“Nhìn chung, với việc điều hành tỉ giá linh hoạt như hiện nay có thể sẽ chặn đứng được tình trạng trên” - vị lãnh đạo này nhìn nhận.
Ở góc nhìn khác, TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng, phân tích với cách điều hành tỉ giá mới chắc chắn DN xuất nhập khẩu cũng phải thay đổi cách tính toán về tỉ giá liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình. Bởi chính sách này tác động trực tiếp đến các DN, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Cụ thể, DN sẽ không lường trước được vấn đề tỉ giá. Có thể hôm nay mua USD với giá 22.500 VND/USD nhưng khi bán có thể giảm chỉ còn 22.400 và sau đó phải mua lại với giá cao 22.600 VND/USD.
Chính vì vậy đã đến lúc DN phải lựa chọn hình thức mua hợp đồng ngoại tệ. Việc mua hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ có thể khiến DN tốn tiền hơn so với trước đây nhưng đảm bảo được rủi ro tỉ giá.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng cho hay ở các nước phát triển đa số DN chọn mua hợp đồng ngoại tệ. Tuy nhiên, ở Việt Nam dường như rất hiếm DN chọn hình thức này, vì lâu nay NHNN cam kết giữ ổn định tỉ giá.
Rủi ro lớn nếu đầu cơ
Với việc tỉ giá trung tâm sẽ thay đổi thường xuyên, nhiều chuyên gia cho rằng những ai có nhu cầu thật về USD mới mua, còn nếu đầu cơ thì nguy cơ rủi ro, thua lỗ rất lớn.
Mặt khác, lãi suất USD đối với cá nhân và DN hiện đã giảm về mức 0%. Thêm nữa, NHNN cho hay thời gian tới không loại trừ khả năng sẽ áp dụng mức lãi suất âm, nghĩa là người gửi ngoại tệ sẽ phải trả phí.
Như vậy, với lãi suất USD bằng 0%, cộng với chính sách điều hành tỉ giá mới cũng có nghĩa những ai giữ USD sẽ “như ngồi trên đống lửa” vì không thể dự báo được thị trường ngoại tệ sẽ diễn biến ra sao, dẫn đến có thể lỗ vì lãi suất và cũng có thể lỗ tỉ giá. Từ đó có thể tránh được tâm lý găm giữ USD trong cả DN và người dân.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại việc thay đổi cơ chế điều hành tỉ giá có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài rút bớt đầu tư vì cảm thấy bất an. Mặt khác, không loại trừ khả năng người dân tìm cách gửi ngoại tệ ra nước ngoài để hưởng lãi suất và tìm kiếm sự an toàn về dự trữ tiền trong bối cảnh lãi suất USD ở Việt Nam bằng 0; hoặc có thể sẽ rút ngoại tệ đang để trong ngân hàng.
Ngoài ra, trả lời báo chí, một số chuyên gia cũng cho rằng cần bàn tay Nhà nước điều tiết tỉ giá nhưng phải trên cơ sở quy luật thị trường, không nên can thiệp quá sâu bằng các biện pháp hành chính.
Tránh gây sốc cho doanh nghiệp Đối với người dân, giao dịch chủ yếu trong lãnh thổ Việt Nam, còn chuyển tiền ra nước ngoài, quy mô khối lượng không lớn được các ngân hàng đáp ứng kịp thời. Nếu có tiền tiết kiệm, thu nhập, chi tiêu thông qua tiền VND, người dân gửi tiết kiệm VND được hưởng lãi suất ở mức 4%-5%/năm, trong khi đó ngoại tệ nay tăng mai giảm. Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, tại cuộc gặp gỡ báo chí về việc công bố tỉ giá trung tâm của VND với USD, tỉ giá tính chéo của VND với một số ngoại tệ khác, diễn ra chiều 4-1. Bà Hồng cho rằng cơ chế tỉ giá mới linh hoạt khiến cho cung cầu thị trường thông suốt nên việc mua bán ngoại tệ sẽ thuận lợi hơn. Việc thay đổi theo ngày giúp tỉ giá biến động nhỏ hơn, không gây sốc cho DN như trước đây. USD tự do tăng giá Sáng 4-1, giá USD tự do đã tăng trở lại sau khi giảm liên tục vào cuối năm 2015. Tại một số điểm giao dịch ngoại tệ tự do ở Hà Nội báo giá USD ở mức 22.640 đồng (mua vào) và 22.665 đồng (bán ra), tăng 40 đồng ở chiều mua và 35 đồng ở chiều bán so với trước kỳ nghỉ. |