Đấu thầu thuốc tập trung nhưng có nên ồ ạt?

Giá cả, hàm lượng, quy cách đóng gói… được phơi bày. Còn đến ba tháng nữa mới có kết quả nhưng hầu như các công ty đã biết chắc mình trúng thầu hay không vì họ đã tranh thủ “chụp” giá nhau trên slide chiếu nên không có khả năng “đi cửa sau” mà trúng.

Buổi mở hồ sơ còn có sự tham gia giám sát của thanh tra Sở Y tế, BHXH TP.HCM và đại diện các nhà thầu cung ứng thuốc.

Cuộc mở hồ sơ có hai gói thuốc, gói dành cho thuốc biệt dược và gói dành cho thuốc generic (thuốc hết thời gian bảo hộ). Gói thầu dành cho thuốc biệt dược diễn ra trong yên lặng, chỉ mất chừng 30 phút với 18/28 công ty mua hồ sơ dự thầu tiến hành mở hồ sơ (10 công ty không nộp), rồi họ ký tên xác nhận và ra về. Gói thầu này chủ yếu dành cho các đại gia ngành dược các nước phát triển tham gia, bởi toàn bộ thuốc này là thuốc gốc, được bảo hộ nên mỗi công ty độc quyền một hoặc nhiều loại, không có sự cạnh tranh về giá.

Nhìn cảnh dò giá của các công ty dược đấu thầu thuốc generic giống như… các phóng viên đang tác nghiệp. Ảnh: TÙNG SƠN

Ở gói dành cho thuốc generic thì ngược lại, không khí nhộn nhịp, có thể nói là xô bồ hiếm thấy, bởi có đến 248/283 nhà thầu nộp hồ sơ nên họ đứng ngồi không yên với tâm trạng sợ bị loại trong “rừng” nhà thầu. Cứ mỗi lần một công ty được gọi lên mở hồ sơ là các công ty còn lại ùa lên, chen lấn để ghi lại giá của nhau.

Giám đốc một công ty dược bán thuốc generic nói công ty ông có 4-5 loại thuốc nhưng trị giá rất lớn, khoảng 20 tỉ đồng vì thuốc cung cấp cho toàn TP. Các năm trước thuốc của công ty ông cũng chen chân vào được bệnh viện 2-3 loại nhưng năm nay không biết thế nào, bởi tiêu chí giá rẻ dễ trúng thầu khiến các công ty thay nhau hạ giá. Tâm trạng của vị giám đốc công ty này cũng là nỗi lo của nhiều công ty khác, bởi 248 công ty sẽ phải cạnh tranh nhau khốc liệt mới lọt vào bệnh viện.

Theo một chuyên gia về dược, đấu thầu thuốc tập trung có cái lợi là bớt tiêu cực, giảm chi phí, tuy nhiên không nên làm ồ ạt mà cần làm từng bước, từng mặt hàng. Bởi vấn đề đấu thầu tập trung không hề đơn giản vì một công ty trúng thầu sẽ phải cung cấp thuốc đó cho tất cả hệ thống bệnh viện rất lớn của TP. Nếu họ không cung ứng đủ thì phải làm thế nào?

“Trong đấu thầu tập trung, những công ty nước ngoài có thuốc biệt dược rất có lợi, thay vì mỗi bệnh viện họ làm một hồ sơ thì nay họ chỉ cần làm một hồ sơ. Còn những công ty đấu thầu thuốc generic mới là vấn đề khó, bởi thị trường hiện nay rất phức tạp, ít công ty nào đủ năng lực sản xuất. Do vậy, nếu cho các công ty nhỏ liên doanh liên kết lại với nhau thì cơ chế phải như thế nào? Nhưng đây là năm đầu tiên đấu thầu tập trung nên vừa làm vừa hoàn thiện và cố gắng sắp xếp để không thiếu thuốc” - một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết.

Theo các chuyên gia, thuốc trúng thầu được xem xét trên hai tiêu chí: Điểm kỹ thuật và giá cả. Về điểm kỹ thuật, nếu xét theo Thông tư 01/2012 của liên Bộ Tài chính - Bộ Y tế thì tất cả công ty đều dễ dàng vượt qua. Còn xét về tiêu chí giá cả thì thuốc nào có giá thấp nhất sẽ trúng thầu thì sẽ không ổn. Do vậy, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã và đang sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 01 để hoàn thiện các tiêu chí cơ bản, làm sao cho thuốc trúng thầu phải chất lượng mà giá cả hợp lý.

Duy Tính

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới