Đầu tư 126 triệu USD cho y tế cơ sở, người dân được hưởng dịch vụ y tế chất lượng

(PLO)- Hàng trăm trạm và trung tâm y tế ở 13 tỉnh được thay áo mới đã thu hút người dân đến khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở”.

Đây là dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các nhà tài trợ, được triển khai từ năm 2020 đến hết năm 2024, đóng góp nguồn lực quan trọng vào mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu suất sử dụng dịch vụ y tế tuyến cơ sở.

Đầu tư xây dựng 478 công trình y tế cơ sở

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, y tế cơ sở là tuyến đầu chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Chính vì vậy, việc đầu tư và phát triển mạng lưới y tế cơ sở luôn được Đảng, Chính phủ và ngành y tế Việt Nam ưu tiên hàng đầu.

y tế cơ sở
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TT

“Có nhiều chính sách chiến lược trong thời gian gần đây về việc phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại cơ sở, cho thấy Việt Nam cam kết và quyết tâm chính trị rất cao trong việc phát triển mạng lưới y tế cơ sở.

Cùng với đó, Việt Nam hết sức nỗ lực để mở rộng hợp tác, nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, đặc biệt là tại các khu vực, địa phương còn khó khăn về kinh tế xã hội”, bà Lan nói.

Dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” được triển khai tại 13 tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang và Bạc Liêu.

Tổng mức đầu tư của cả dự án là 126,25 triệu USD, trong đó vốn vay là 80 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại là 25 triệu USD, vốn đối ứng 21,25 USD do Bộ Y tế và các địa phương bố trí trong ngân sách chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên.

Tổng số công trình xây dựng của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thực tế là 478 công trình, trong đó có 464 trạm y tế (141 xây mới, 323 sửa chữa) và 14 trung tâm y tế. Ngoài ra, có 1.703 trạm y tế được cung cấp trang thiết bị.

Cùng với đó, dự án hỗ trợ giải quyết sự thiếu hụt về năng lực cán bộ y tế tuyến cơ sở, tập trung vào các vấn đề sức khỏe ưu tiên: tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung, chăm sóc bà mẹ trẻ em, lao và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, châm cứu phục hồi chức năng… Tổng cộng, hơn 11.000 nhân viên, cán bộ y tế được đào tạo, tập huấn.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhận định, trải qua nhiều khó khăn, có thể nói dự án đã được triển khai thành công trên tất cả các mục tiêu, mang về nhiều giá trị, lợi ích cho cộng đồng dân cư và hệ thống y tế tại 13 tỉnh.

Cạnh đó, một số can thiệp mang tính chất sáng tạo của dự án có vai trò thử nghiệm thực địa, mở đường gợi ý cho việc hoàn thiện khung chính sách cho y tế cơ sở trong thời gian tới.

y tế cơ sở
Một vài chỉ số đánh giá tác động của dự án.

Bà Genesis May Jopson Samonte, điều phối viên Quỹ Tài chính toàn cầu phụ trách Việt Nam (đơn vị đầu tư 17 triệu USD vốn không hoàn lại), nhấn mạnh dự án đã cải thiện được y tế tuyến cơ sở, tăng cường năng lực và khả năng chống chịu của hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại 13 tỉnh.

Đặc biệt, dự án đã ưu tiên được những người dễ bị tổn thương: phụ nữ, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số... đảm bảo họ có thể tiếp cận công bằng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng.

"Tôi hi vọng điều đó sẽ mang lại sự khác biệt tích cực cho cuộc sống của họ. Hôm nay không chỉ là dịp để nhìn lại những thành tựu đã đạt được, mà còn là dịp tái khẳng định về tầm nhìn chung cùng hướng tới tương lai của chúng ta - một tương lai mà ở đó người Việt Nam luôn khoẻ mạnh", bà Genesis May Jopson Samonte nói.

Trạm y tế thu hút người dân vượt kỳ vọng

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Giám đốc Ban quản lý dự án, cho biết dự án “Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở” là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với ngành y tế nói chung và với mạng lưới y tế cơ sở của 13 tỉnh nói riêng.

Hiện có hơn 900.000 bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm được điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các trạm y tế, trung tâm y tế đã được đầu tư trong dự án, tăng hơn 2 lần so với năm 2019.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết địa phương này được đầu tư hơn 7,6 triệu USD từ dự án.

Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu đầu tư tăng cường cơ sở vật chất mạng lưới y tế cơ sở, gồm: xây mới 1 trạm y tế; nâng cấp và sửa chữa 38 trạm y tế; xây mới một số hạng mục công trình cho Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch; cung cấp trang thiết bị, đào tạo nâng cao năng lực của các trạm y tế.

Tỉ lệ xã, phường, thị trấn tại Quảng Bình đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt hơn 80%. Cứ 10.000 dân thì có 37 giường bệnh và gần 12 bác sĩ.

Dẫn chứng cụ thể, ông Tân cho biết tỉnh Quảng Bình và huyện Quảng Trạch đã giải quyết các vấn đề tồn tại ở Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch theo hướng dẫn của Ban quản lý dự án, cùng với đó tiến hành đầu tư thêm từ nguồn kinh phí địa phương để xây dựng các tuyến đường tiếp cận cơ sở y tế này.

“Khi đưa vào sử dụng, ban đầu chúng tôi cũng rất băn khoăn vì sợ người dân không tin tưởng. Tuy nhiên, thực tế hiện này là bà con đến đây khám rất đông”, ông Tân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm