Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) đang điều trị cho một thai phụ mang thai 27 tuần mắc bệnh sởi biến chứng nặng. Đây là ca đầu tiên phải đặt nội khí quản thở máy tại khoa này từ đầu mùa dịch sởi đến nay.
Thai phụ biến chứng nặng do mắc bệnh sởi
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Ngọc Trung, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), cho biết bệnh nhân là nữ (35 tuổi) nhập viện hồi đầu tháng 12.
Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhân sốt phát ban ở nhà 5 ngày, nhập viện vào đầu ngày 6 của bệnh với biểu hiện viêm đường hô hấp, ho nhiều, sốt, sổ mũi, chảy nước mắt, suy hô hấp.
Bệnh nhân được chuyển từ khoa Cấp cứu lên khoa thường, tại đây tình trạng suy hô hấp diễn tiến nặng, khó thở nhiều hơn, hỗ trợ thở mặt nạ ô-xy nhưng đáp ứng chưa tốt. Do bệnh nhân mắc bệnh sởi khi có thai nên suy hô hấp sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nên bệnh nhân được chuyển về khoa ICU để hồi sức.
Tại đây, bác sĩ dùng các phương pháp hỗ trợ không xâm lấn nhưng thấy đáp ứng không tốt, tổn thương lan tỏa hai phổi nên quyết định cho bệnh nhân đặt nội khí quản thở máy.
Sau 2 ngày thở máy, huyết động bệnh nhân ổn, giảm sốt, tình trạng có phần thuyên giảm. Hiện bệnh nhân đang được giảm an thần, dự kiến thời gian tới sẽ từ từ cai máy thở.
Khoa đã mời hội chẩn sản khoa để xin ý kiến về chăm sóc điều trị thai nhi, chích trưởng thành phổi. Nguy cơ sảy thai trong thai kì của bệnh nhân sởi rất cao, gấp 3 lần so với người bình thường. Vì vậy thai nhi được theo dõi liên tục, siêu âm 2 lần/ngày để đánh giá tim thai. Hiện thai nhi khá bình thường, chưa có dấu hiệu chuyển dạ.
Người lớn mắc bệnh sởi tăng kéo theo ca nặng tăng
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM), vào tuần đầu của tháng 11-2024 đã tiếp nhận điều trị 46 ca sởi nội trú. Đến tuần cuối tháng 11, số ca mắc bệnh sởi nhập viện tăng lên 122 ca.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Hồng Lan, Trưởng khoa Nội A Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cho biết vào giữa tháng 11, mỗi ngày khoa điều trị khoảng 40-50 ca mắc bệnh sởi, trong đó 2/3 là người lớn. Sau đó, số lượng ca sởi tiếp tục tăng lên ở cả người lớn và trẻ em nên bệnh nhi mắc sởi được chuyển lên khoa Nhi C điều trị, giải áp cho khoa Nội A.
Đầu tháng 12, khoa Nội A chỉ điều trị sởi người lớn với 23 ca, trong đó có 4 ca nặng phải thở ô-xy. Đa số các ca thở ô-xy nhập viện trong bệnh cảnh sốt, ho, đỏ mắt, bắt đầu phát ban từ đầu, mặt, lan xuống thân mình và tay chân. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 6-8 ca mắc bệnh sởi mới ở người lớn. Khoa Nhi đang điều trị khoảng 40 ca sởi trẻ em, trong đó khoảng 6 ca thở ô-xy.
Tính đến 9-12, số ca sởi nhập viện tại khoa này đã tăng lên 60 ca, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 15 ca mắc mới.
“Hầu hết người lớn mắc bệnh sởi nhập viện vì sốt, ho, sổ mũi. Đây là những triệu chứng ban đầu, dễ bị nhầm lẫn với cảm thông thường, trừ trường hợp có tiền sử tiếp xúc rõ. Vì vậy bệnh nhân dễ đi vòng vòng, khi bắt đầu phát ban và đỏ mắt, viêm kết mạc thì mới biết bị mắc bệnh sởi, lúc này sởi đã lây cho nhiều người rồi” - bác sĩ Lan nói.
Cũng theo bác sĩ Lan, thường mọi người cứ nghĩ sởi là bệnh của trẻ em, nhưng hiện tại người lớn mắc bệnh sởi cũng nhiều và đang có xu hướng tăng lên. Người lớn mắc sởi có thể do trước đó chưa từng mắc sởi, chưa có kháng thể, nên khi tiếp xúc với sởi đã bị lây bệnh.
Với cả người lớn và trẻ nhỏ, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, suy hô hấp nếu không được điều trị đúng cách. Những bệnh nhân có bệnh nền như ung thư, tim bẩm sinh, đái tháo đường, bệnh gan mạn, bệnh thận mạn hoặc suy tim có nguy cơ bị biến chứng nặng hơn nếu không điều trị kịp thời ngay từ đầu. (Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Lan)
Còn theo bác sĩ Trung, từ đầu mùa dịch sởi, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn đã tiếp nhận khoảng 4 ca sởi người lớn biến chứng nặng. 3 ca trước đó chưa ca nào phải đặt nội khí quản thở máy, chỉ thở không xâm lấn, hồi sức khoảng 1 tuần.
“Khi ca mắc sởi gia tăng sẽ kéo theo tăng số ca nặng. Có những người do cơ địa khi mắc sởi sẽ làm cho biến chứng nặng hơn, điển hình như người đang mang thai, người già, trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền, hay HIV...
Biến chứng viêm phổi của sởi thông thường sẽ xuất hiện ở giai đoạn phát ban rầm rộ cho tới lúc ban bắt đầu phai đi, ngày thứ 4-8 của bệnh. Giai đoạn này nếu ho nhiều, thở mệt, lừ đừ, ngủ nhiều, cần tiếp cận y tế càng sớm càng tốt” - bác sĩ Trung lưu ý.
Phòng ngừa lây lan sởi
Sởi là một trong những bệnh lây nhanh, 1 người mắc sởi có thể lây cho khoảng 10-15 người. Khi ở chung trong gia đình, khả năng lây lan sởi từ bé cho ba mẹ cũng rất cao.
Phòng ngừa sởi là ngừa bệnh lây qua đường hô hấp nên người bệnh cần đeo khẩu trang, người tiếp xúc cũng đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ.
Nên tiêm vaccine ngừa sởi cho trẻ, tiêm nhắc cho người lớn để tăng khả năng kháng thể. Đối tượng nguy cơ cao khi tới chỗ đông người cần bảo vệ hô hấp bằng cách đeo khẩu trang. Người có biểu hiện bệnh hô hấp cũng nên mang khẩu trang khi ra ngoài để ngừa lây lan cho cộng đồng.
Bác sĩ chuyên khoa 2 NGUYỄN THỊ HỒNG LAN, Trưởng khoa Nội A Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM)