Ngày 20-9, Hội Y tế công cộng TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức hội nghị Vai trò y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tuyến đầu chăm sóc sức khỏe người dân
GS.TS khoa học Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở tuyến y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng. Cụ thể, tại tuyến cơ sở, người dân được khám bệnh định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, sơ cấp cứu, tiêm chủng vaccine, điều trị các mặt bệnh thông thường...
“Tuy chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng có thể thực hiện tại các tuyến trên nhưng chỉ có thể được thực hiện đồng bộ, toàn diện và liên tục nhất tại tuyến y tế cơ sở. Bởi y tế cơ sở là nơi phát hiện bệnh sớm nhất và đa số người dân có thể tiếp cận.
Đây cũng là nơi có tính tích hợp chặt chẽ giữa y học điều trị và y học dự phòng, thể hiện tính toàn diện trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe” - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, chăm sóc sức khỏe ban đầu không phải độc quyền, duy nhất của y tế cơ sở, nhưng phải trở thành chức năng quan trọng nhất của y tế cơ sở. Cả nước hiện có gần 12.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đây chính là mạng lưới y tế gần dân nhất, tuyến đầu trong bảo vệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
"Để y tế tuyến cơ sở phát triển đúng với vai trò tuyến đầu trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngành y tế cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách liên quan tới phát triển nhân lực, có giải pháp thu hút, đãi ngộ để phát triển đội ngũ.
Đặc biệt, các tiêu chí về chăm sóc sức khỏe phải được cập nhật, bổ sung định kỳ sau mỗi 10 năm để đáp ứng được nhu cầu cũng như tình hình thực tế" - ông Hùng chia sẻ.
Cần phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trường Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhận định bác sĩ gia đình đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Đây là nơi quản lý được hồ sơ sức khỏe cho mỗi cá nhân, vì vậy nó phải nằm trong hệ thống y tế.
Theo ông Hiệp, các chương trình chăm sóc sức khỏe của nước ta hiện nay rất tốt. Đặc thù của TP.HCM là có hệ thống phòng khám tư rất lớn, nếu toàn bộ các phòng khám này hoạt động theo nguyên lý y học gia đình sẽ rất có lợi cho hệ thống y tế TP.
“Nếu tuyến dưới kiểm soát tốt sức khỏe của người dân thì các tuyến trên sẽ không xảy ra tình trạng quá tải. Điều đó cho thấy ngành y tế rất cần mạng lưới bác sĩ gia đình để giảm tải cho tuyến trên” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Hiện nước ta chưa có hệ thống để quản lý đồng bộ mô hình bác sĩ gia đình. Nếu mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình hoạt động hiệu quả không những giúp khắc phục triệt để tình trạng quả tải bệnh viện mà còn góp phần cải tổ hệ thống y tế ngày một tốt hơn” - ông Hiệp cho hay.
Để xây dựng, phát triển mô hình bác sĩ gia đình, ông Hiệp cho rằng các bộ ngành liên quan, các trường khối sức khỏe, y tế cơ sở và BHYT cần có sự chung tay. Song song đó là cơ chế, chính sách thu hút nhân lực; danh mục thuốc phù hợp với quy mô hoạt động...
“Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có mô hình phòng khám bác sĩ gia đình nhưng hoạt động hết sức vất vả vì thiếu thuốc, hạn chế chỉ định xét nghiệm. Do vậy, trường đã xin chuyển thành phòng khám đa khoa hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Hiện trường đang trong lộ trình phát triển thành trung tâm phòng khám bác sĩ gia đình, tiến tới huấn luyện đào tạo cho các nơi” - ông Hiệp cho biết thêm.
4 nguyên tắc cơ bản của chăm sóc sức khỏe ban đầu
- Thứ nhất, phải đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe, giúp cho người nghèo, người yếu thế có thể tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ sức khỏe thiết yếu.
- Thứ hai, cần sự tham gia của cộng đồng chứ không chỉ là giữa người bệnh và người chữa bệnh. Cần phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng vì họ là dân, nằm trong dân, hiểu người dân đang cần gì hơn cả cán bộ y tế. Họ sẽ giúp ngành y tế hiểu được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ưu tiên của cộng đồng.
- Thứ ba là sự phối hợp liên ngành bởi chăm sóc sức khỏe ban đầu không chỉ là chữa bệnh mà còn chăm sóc, phòng bệnh. Vì vậy phải liên kết với các ngành khác để hoạt động sao cho không có hại đến sức khỏe người dân.
- Thứ tư, cần sử dụng kỹ thuật thích hợp, có cơ sở khoa học để tiếp cận rộng rãi với các cá nhân và gia đình trong cộng đồng với chi phí mà cộng đồng và quốc gia có thể duy trì ở mọi giai đoạn phát triển.
TS.BS LÊ TRƯỜNG GIANG - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM