Ngày 10-12, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao thế hệ mới, gồm máy cộng hưởng từ (MRI), hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) và máy Spectral CT7500.
Tăng gấp đôi năng suất chụp chiếu
Người đầu tiên được sử dụng hệ thống mới này là một bệnh nhân 68 tuổi, vào viện trong tình trạng đau lưng lan xuống 2 chân.
Bệnh nhân có chỉ định chụp MRI khảo sát cột sống cổ và ngực, thắt lưng. Kết quả ngay sau khi chụp phát hiện tổn thương ở đốt sống cụt, bác sĩ sẽ cho sinh thiết thêm để đánh giá bản chất, phân loại tổn thương, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Võ Công Nguyên, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Thống Nhất), cho biết bệnh nhân được chụp MRI thế hệ mới với hình ảnh nét hơn, độ phân giải cao hơn và trường quét rộng hơn. Toàn bộ quá trình chụp mất khoảng 4-7 phút, trong khi chụp bằng hệ thống cũ phải mất 15-20 phút.
Ca thứ 2 là bệnh nhân 70 tuổi, bị phổi tắc nghẽn mãn tính, đã chụp chiếu ở bệnh viện nhiều lần. Nay bệnh nhân có nhu cầu chụp CT-scan thế hệ mới để tầm soát toàn thân.
Bệnh nhân được chụp CT-scan cả mạch vành, đầu, ngực chỉ trong vòng 7 phút, khoảng 30 phút sau có kết quả. So với hệ thống máy cũ, thời gian chụp bằng máy thế hệ mới nhanh hơn, tia phản xạ ít ảnh hưởng hơn và liều thuốc dùng cho bệnh nhân cũng giảm.
Bác sĩ Nguyên chia sẻ thêm, trước đây với hệ thống máy cũ, mỗi ngày khoa Chẩn đoán hình ảnh chụp được khoảng 80 ca. Nay nhờ hệ thống máy mới, thời gian được rút ngắn hơn một nửa nên năng suất phục vụ bệnh nhân có thể tăng gấp đôi.
Đột phá trong chẩn đoán và điều trị
PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cho rằng khu Chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao với 3 thiết bị y tế thế hệ mới sẽ mang lại những đột phá trong chẩn đoán và điều trị.
Cụ thể, máy cộng hưởng từ MRI 3.0 là một trong những thiết bị tiên tiến nhất trong lĩnh vực cộng hưởng từ, cung cấp hình ảnh chẩn đoán độ phân giải cao, sắc nét và chi tiết. Máy có thể khảo sát các vùng khó tiếp cận như não, cột sống, khớp và các cơ quan nội tạng, hỗ trợ phát hiện sớm và chính xác các bệnh lý thần kinh, cột sống, u bướu và nhiều bệnh lý phức tạp khác.
Đặc biệt, công nghệ xử lý hình ảnh tiên tiến của máy giúp giảm thời gian chụp mà vẫn đảm bảo chất lượng tối ưu, mang lại sự an toàn và thoải mái tối đa cho người bệnh.
Còn hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) một bình diện là công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực chẩn đoán và can thiệp các bệnh lý mạch máu. Hệ thống này cho phép hiển thị hình ảnh mạch máu với độ sắc nét cao, hỗ trợ các thủ thuật can thiệp như đặt stent, nong mạch, tắc mạch hóa chất điều trị ung thư, hay xử lý phình và tắc nghẽn động mạch.
Sự tích hợp trí tuệ nhân tạo và điều khiển tự động trong hệ thống giúp đảm bảo độ chính xác tuyệt đối trong các can thiệp y khoa phức tạp.
Cuối cùng, máy Spectral CT7500 là thế hệ mới và cao cấp nhất của Philips. Với công nghệ cắt lớp siêu mỏng và tốc độ xử lý nhanh vượt trội, thiết bị này mang lại hình ảnh 3D chi tiết và rõ nét, đáp ứng tối ưu các nhu cầu chẩn đoán từ cấp cứu đến theo dõi điều trị.
Máy có thể quét toàn thân chỉ trong vài giây, đặc biệt hữu ích trong các tình huống cấp cứu như đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay tai nạn nặng. Cạnh đó, máy còn có chức năng giảm liều tia X, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh mà vẫn duy trì độ chính xác cao trong chẩn đoán.
Đây là thế hệ máy hiện đại có sự tham gia của AI, khu vực Đông Nam Á hiện có 4 máy. Bệnh viện Thống Nhất là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được trang bị máy này.
“Song song với trang bị máy móc hiện đại, bệnh viện cũng đào tạo đội ngũ nhân viên y tế để đáp ứng vận hành hệ thống máy thế hệ mới. Chúng tôi tin rằng những thiết bị tiên tiến này sẽ không chỉ nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị mà còn giúp người bệnh được chăm sóc toàn diện và hiệu quả hơn” - bác sĩ Thanh nói.
PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, nhận định hệ thống máy thế hệ mới giúp thuận tiện hơn trong việc điều trị bệnh nhân cao tuổi. Bởi có những ca chụp phải yêu cầu nhịp tim 70 nhịp/phút. Nhiều trường hợp vừa vào phòng chụp, nhịp tim đã tăng, phải hẹn lần sau quay lại. Nhưng máy CT-scan thế hệ mới có thể chụp với trường hợp nhịp tim lên tới 80-90 nhịp/phút.
“Khi người lớn tuổi chụp MRI toàn thân hay CT-Scan, phải đi ra đi vào phòng chụp không gian kín khoảng 20 phút, tất nhiên sẽ cảm thấy ngột ngạt, sốt ruột. Hệ thống máy mới chụp nhanh sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn, độ chính xác cao hơn giúp nâng cao hiệu quả điều trị” - bác sĩ Dũng chia sẻ.
Lợi ích cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế
Khi đầu tư hệ thống 3 máy thế hệ mới, điều quan trọng là sự đồng bộ trong vận hành. Hệ thống máy này cùng một thế hệ với những cái tính năng vượt trội sẽ hỗ trợ nhau trong chẩn đoán hình ảnh.
Nhờ đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác các loại tổn thương phức tạp, giúp chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp, tốt nhất cho người bệnh. Từ đó bệnh nhân được tiếp cận phác đồ điều trị chất lượng cao, ít tác dụng phụ.
Ngoài ra, với hệ thống máy thế hệ mới hiện đại, thao tác nhanh chóng, rút ngắn thời gian sẽ giúp người nhân dễ chịu hơn, kỹ thuật viên cũng đỡ vất vả hơn.
PGS.TS.BS ĐỖ KIM QUẾ, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất