Bệnh tim mạch không những tăng lên mà còn trẻ hóa

(PLO)- Các vấn đề về bệnh tim mạch, đặc biệt là bệnh lý động mạch vành hay xơ vữa động mạch đã tăng lên rất nhiều trong những năm gần đây.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, khoa Cấp cứu của Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận điều trị cho nam bệnh nhân (51 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị nhồi máu cơ tim. Khi đang làm việc, bệnh nhân đột ngột ngất xỉu, có dấu hiệu ngưng tim, được sơ cấp cứu ban đầu và chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất.

Bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa

Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng loạn nhịp thất, rung thất, chuyển phòng cấp cứu sốc điện liên tục, hồi sinh tim phổi nâng cao, phục hồi tuần hoàn. Bác sĩ đo điện tim chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, lập tức chuyển lên Khoa Tim mạch sau 20 phút cấp cứu chuyên sâu.

Kết quả chụp mạch vành phát hiện bệnh nhân bị tắc mạch vành rất nặng, tắc gần như mạch vành chính, hai nhánh còn lại tổn thương rất nặng.

bệnh tim mạch - 2
Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ê-kíp tiến hành can thiệp mở thông tổn thương tắc, 5 phút sau ngưng thuốc vận mạch để huyết áp phục hồi. Bệnh nhân được đặt 2 stent mạch vành (thủ thuật điều trị các bệnh mạch vành, xử trí trường hợp nhồi máu cơ tim cấp).

Ca thông tim diễn ra thành công, bệnh nhân được hồi sức một ngày, qua hôm sau được rút ống thở. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, được xuất viện.

Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cũng tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân 59 tuổi (ngụ TP.HCM) đang tập nâng tạ tại phòng gym thì đột ngột lên cơn khó thở, tím tái, ngã gục, ngất, vã mồ hôi...

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tím tái, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp không đo được. Bác sĩ hội chẩn khẩn và chuyển bệnh nhân vào Khoa Phẫu thuật tim với chẩn đoán chèn ép tim cấp tràn máu màng ngoài tim, nghi sau nhồi máu cơ tim.

benh-tim-mach5.jpg
Bệnh tim mạch ở người trẻ ngày càng tăng. Ảnh: BVCC

Sức khỏe bệnh nhân ngày càng nguy kịch, các bác sĩ vừa hồi sức tích cực ngay trong phòng mổ vừa tiến hành mở ngực cấp cứu bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 3,5 giờ đồng hồ. Sức khỏe bệnh nhân dần ổn định sau 7 ngày hồi sức tích cực.

Bệnh nhân cũng được chụp mạch vành để xác định chính xác vị trí động mạch vành bị tắc nghẽn. Từ đó, bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho thời gian tiếp theo.

Hơn 200.000 người tử vong do bệnh lý tim mạch

Tại Diễn đàn Can thiệp tim mạch TP.HCM diễn ra ngày 8-12, GS.TS.BS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, cho biết ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, bệnh tim mạch đang có xu hướng gia tăng. Trong 30 năm qua, số người tử vong do bệnh tim mạch trên toàn cầu đã tăng lên gấp đôi, từ 11 triệu lên hơn 20 triệu, đây là thực trạng đáng báo động.

Tại Việt Nam, theo các thống kê, tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch hiện đang đứng hàng đầu. Tính đến nay đã có trên hơn 200.000 người tử vong do bệnh lý tim mạch, xu hướng vẫn còn tăng.

Theo bác sĩ Hùng, nguyên nhân chủ yếu do yếu tố nguy cơ dẫn đến tim mạch gia tăng hơn rất nhiều so với ngày xưa. Đó là những yếu tố như thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, căng thẳng lo âu, lười vận động, ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, rất nhiều người trẻ đã béo phì. Có những người trẻ có thói quen hút thuốc lá, ít vận động, bị nhồi máu cơ tim khi mới chỉ khoảng 20-30 tuổi.

“Dù chúng ta đã cải thiện về mặt dinh dưỡng nhưng chế độ ăn uống nhiều chất béo, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn sẵn, thức uống có đường là chế độ không được khỏe mạnh cho tim mạch, dễ gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Những yếu tố kể trên kết hợp với nhau làm nguy cơ bị bệnh tim mạch do xơ vữa tăng lên rất nhiều”- bác sĩ Hùng nói.

benh-tim-mach6.jpg
Diễn đàn Can thiệp tim mạch TP.HCM diễn ra ngày 8-12. Ảnh: DƯƠNG KHANG

Về điều trị, bác sĩ Hùng nhận định tim mạch là một trong những ngành có bước tiến rất mạnh trong những năm vừa qua. Nước ta đã triển khai được những kỹ thuật, phương pháp điều trị mới nhất của thế giới cho người bệnh Việt Nam. Vì thế, người bệnh không cần phải ra nước ngoài chữa trị.

Ngành can thiệp tim mạch ở nước ta cũng phát triển rất mạnh mẽ. Ra đời vào cuối những năm 1990, lúc đó cả nước chỉ có 2 trung tâm can thiệp tim mạch. Đến nay, nước ta có khoảng trên 140 trung tâm can thiệp tim mạch, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người cần chạy đua với thời gian như nhồi máu cơ tim cấp phải can thiệp sớm.

“Chúng ta cũng đã làm được những kỹ thuật thường quy như can thiệp động mạch vành, can thiệp bít các lỗ thông của tim trẻ em, thay van, sửa van hai lá, đây là những tiến bộ vượt bậc những năm gần đây”- bác sĩ Hùng chia sẻ.

GS.TS.BS Trương Quang Bình, Chủ tịch Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam, cũng cho hay trong 10 năm gần đây, bệnh lý không lây nhiễm (đái tháo đường, mỡ máu, tăng huyết áp...) tăng lên rất nhiều.

Khi các bệnh lý này tăng lên dẫn đến xơ vữa động mạch cũng tăng, nhiều nguy cơ hư hại thành mạch. Kéo theo đó là sự gia tăng của các bệnh nhồi máu cơ tim, nhồi máu não... trở thành vấn đề nổi cộm trong cộng đồng.

Theo thống kê, trong năm 2024, Việt Nam đang nằm trong vùng cứ 100.000 dân thì có từ 3.000-4.000 người bị bệnh tim mạch do xơ vữa. Như vậy, với dân số khoảng 100 triệu người thì Việt Nam có từ 3-4 triệu người mắc bệnh tim.

“Các vấn đề về tim mạch, đặc biệt là bệnh lý động mạch vành hay xơ vữa động mạch đã tăng lên rất nhiều trong những năm gần đây. Khi tình trạng bệnh tăng lên kéo theo sức khoẻ của người dân giảm đi, gây giảm năng suất lao động, tăng chi phí điều trị”- bác sĩ Bình nói.

Ngoài ra, bệnh lý tim mạch còn có xu hướng trẻ hoá, không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn hiện hữu trên toàn cầu. Trước đây, nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở người từ 60 tuổi trở lên. Hiện nay, độ tuổi mắc bệnh đã giảm xuống, phổ biến từ khoảng 50 tuổi. Tương tự, tăng huyết áp cũng đang gia tăng ở nhóm từ 40 tuổi trở lên.

Phòng ngừa bệnh tim mạch từ sớm

Đại đa số các bệnh tim mạch mắc phải hiện nay đều có thể phòng ngừa được. Các yếu tố như hút thuốc lá, thói quen ăn uống thiếu khoa học và lối sống không lành mạnh là các nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tim mạch.

Để phòng ngừa từ sớm các bệnh lý tim mạch, cần tránh yếu tố nguy cơ xảy ra thông qua chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ và tập thể dục thường xuyên. Nếu đã xuất hiện yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, cần kiểm soát chặt chẽ để giảm tác động lên hệ thống tim mạch.

Việc cải thiện các thói quen này là chìa khóa giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ tử vong. Chỉ cần thay đổi lối sống đã giúp ngăn ngừa được từ 70-80% nguy cơ bị mắc bệnh tim mạch sớm.

GS.TS.BS Trương Quang Bình, Chủ tịch Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm