Xu thế hợp tác và chia sẻ giữa công ty Fintech và ngân hàng, giữa ngân hàng với ngân hàng là xu thế tất yếu, bởi không một ai có đủ tiềm lực để tự tin một mình có thể “làm chủ” trong thị trường lớn như hiện nay.
Đó là nhận định chung của các chuyên gia có mặt tại hội Hội nghị Ngân hàng Việt Nam với chủ đề “Đột phá từ số hoá ngân hàng” vừa diễn ra vào sáng nay 16-5.
Hiện tại, đã có 94% ngân hàng Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, và chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong.
Cụ thể, nhiều ngân hàng đã triển khai cung ứng một số dịch vụ ngân hàng đổi mới, sáng tạo như, TPBank với dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank; Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab và dự án chuyển đổi số quy mô lớn; Vietinbank với Corebank thế hệ mới-hiệu suất cao, tích hợp đa dịch vụ và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại; VPbank với ứng dụng ngân hàng số Timo; MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ KH 24x7 trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 20% khách hàng thường xuyên giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử. Khi được hỏi về việc liệu có phải các công ty Fintech đang tranh giành lợi thế trong việc thanh toán với ngân hàng hay không, ông Phạm Thành Đức, CEO M-Service (MoMo) chia sẻ: Nếu quay ngược thời gian trở về năm năm trước, thì đó đúng là câu hỏi lớn của rất nhiều người. Nhưng bây giờ rất cần có sự hợp tác win-win giữa công ty Fintech và ngân hàng.
"Khoảng năm năm trước, chúng tôi thường xuyên gặp khó khăn khi đề cập hợp tác với ngân hàng, nhưng trong vài năm trở lại đây thì Momo đã có sự hợp tác trực tiếp với khoảng 20 ngân hàng lớn nhỏ ở Việt Nam bao gồm cả ngân hàng nội và ngoại. Sau một hồi tìm hiểu thì các ngân hàng đều nhận thấy việc “lợi dụng” thế mạnh của nhau để cùng phát triển là điều quan trọng nhất và đều đem lại lợi ích cho cả hai bên", ông Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho biết thêm: Thị trường fintech có rất nhiều lĩnh vực, trong đó thanh toán chiếm đến 90% và cho đến thời điểm hiện tại thì cũng có khoảng gần 30 giấy phép của các công ty Fintech được NHNN cấp, nhưng trong đó chỉ có 3-4 ví điện tử thực sự có người dùng.
Với quan điểm của người trong ngành này, ông Đức cho rằng đây là một ngành cạnh tranh vô cùng khốc liệt và không dễ cho các doanh nghiệp làm thanh toán. Nói nôm na là ngành thanh toán không hấp dẫn, bởi với doanh thu dưới 1% thì phải có hàng triệu triệu người dùng và tỉ tỉ giao dịch thì doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán mới có lợi nhuận như mong muốn.
"Cho nên tôi xin khẳng định là thị trường thanh toán của ví điện tử không phải là miếng bánh béo bở như nhiều người luôn nói", ông Đức nói.
Hiện mới chỉ có 20% khách hàng thường xuyên giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử.
Ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng giám đốc Napas cho rằng câu chuyện của các fintech bây giờ giống như các ngân hàng nhiều năm trước trong việc mở rộng mạng lưới. Về mối quan hệ giữa ngân hàng và các fintech, ông Nguyên nhận định “xu thế tất yếu phải là hợp tác và chia sẻ”.
"Chúng tôi nhận ra câu chuyện bức tranh thị trường fintech với ngân hàng không khác gì câu chuyện của các ngân hàng trong những năm trước đây. Lúc đó các nhà băng bỏ rất nhiều chi phí để phát triển mạng lưới, phát triển khách hàng và chỉ muốn giữ hệ sinh thái cho riêng mình. Thế nhưng, một trong những thành công lớn nhất của NHNN và Napas là đã thuyết phục được các ngân hàng tham gia vào mạng lưới chung và chia sẻ những gì đầu tư vào thị trường để làm cho thị trường cùng phát triển".
Kết quả là khi hàng loạt các ngân hàng cùng nhau chia sẻ mạng lưới thanh toán, chia sẻ tập khách hàng và cạnh tranh nhau một cách tương đối sòng phẳng về chất lượng dịch vụ thì thị trường thanh toán phát triển với một tốc độ nhanh chóng.
Bằng chứng là trong tất cả các báo cáo tài chính gần đây đều cho thấy tốc độ tăng trường lên đến 30-40%, trong một số ngành dịch vụ điện tử đã ghi nhận có NH tăng trưởng lên đến 100%. Xu thế hợp tác và chia sẻ giữa công ty Fintech là ngân hàng, giữa ngân hàng với ngân hàng là xu thế tất yếu, bởi không một ai có đủ tiềm lực để tự tin một mình có thể “làm chủ” trong thị trường lớn như hiện nay.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định tiềm năng ngân hàng số Việt Nam là rất lớn, với tỉ lệ sử dụng smatphone đang gia tăng, dân số trẻ phát triển đến 2030 cao hơn các nền kinh tế trong khu vực, và giới trẻ hiện nay đã rất nhanh nhạy với công nghệ.
"Lợi thế trong chuyển đổi số sẽ giúp ngân hàng cắt giảm chi phí, tăng doanh thu, giúp ngành ngân hàng phát triển sản phẩm nhanh hơn, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ngân hàng cũng chịu nhiều thách thức, thiếu nguồn lao động chất lượng cao, rủi ro an ninh mạng sẽ phát sinh từ các hành vi gian lận, lừa đảo… ngân hàng cũng sẽ thiếu nguồn vốn để đầu tư chuyển đổi, cạnh tranh ngày càng cao giữa các ngân hàng…", ông Dũng phân tích.