Để cửa đóng dấu ‘mật’, khác nào cấm dân tiếp cận thông tin

“Anh cho người ta có quyền đóng dấu mật, họ đóng mật phát là xong. Anh phải quy định thông tin nào không phải là mật, thông tin nào là mật. Chứ để cửa cho người ta quyền đóng dấu mật là thôi, là cấm người dân tiếp cận thông tin” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Liên quan đến thông tin thuộc bí mật nhà nước (khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật Tiếp cận thông tin (TCTT)), dự thảo luật quy định việc tiếp cận các thông tin thuộc về bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Về nội dung này, trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật TCTT, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho hay có ý kiến cho rằng việc bảo vệ bí mật nhà nước được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước là không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. ”Vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ với quyền tiếp cận thông tin của công dân. Cụ thể, nếu thông tin mật không được xác định đúng, không được giải mật kịp thời sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân” - ông Lý nói.

Cũng theo ông Lý, theo quy định của Hiến pháp, việc hạn chế quyền công dân chỉ có thể được quy định bằng luật. Theo đó, ông Lý đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: “Đối với tài liệu mật thì có quy trình giải mật và trong luật này cũng quy định rồi, giải mật thì công dân có quyền yêu cầu cung cấp. Mật thì có quy định rồi và trong luật cũng quy định ở cấp độ nào sẽ được tiếp cận các thông tin mật ở các lĩnh vực để phục vụ nghiên cứu. Thông tin nào thuộc về công khai đã được giải mật thì người dân được tiếp cận”.

Trước phần giải trình trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải quy định rõ trong Luật TCTT thông tin gì được tiếp cận, thông tin gì hạn chế tiếp cận, chứ không chờ luật khác quyết định. “Luật bảo vệ bí mật nhà nước không thể quy định hạn chế quyền tiếp cận thông tin mà chỉ quy định bảo vệ bí mật nhà nước thế nào, giải mật thế nào. Phải như vậy Luật TCTT này mới có giá trị” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các ý kiến khác tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới