LTS: Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ X (tháng 10-2015) tới đây.
Pháp Luật TP.HCMxin giới thiệu bài viết của luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa liên quan đến nhiều vấn đề của dự án luật này.
Quyền tiếp cận thông tin (TCTT) là một trong các quyền con người chủ yếu trong nhóm các quyền con người quy định tại Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, được hiến định bởi Hiến pháp 2013.
Quyền phổ quát toàn cầu
Ít người biết rằng quyền TCTT của người dân được thể chế hóa lần đầu tiên vào năm 1766 tại Thụy Điển trong Luật về tự do báo chí. Đạo luật này quy định quyền tự do ngôn luận “trừ trường hợp báng bổ và chỉ trích nhà nước”, đồng thời công nhận quyền của công dân được “tiếp cận tài liệu công”. Đây là thắng lợi của Nghị viện Thụy Điển đối với đặc quyền thông tin của nhà vua lúc bấy giờ. Phải đến năm 1951 mới có thêm Phần Lan ban hành Luật về quyền TCTT, tiếp theo là Mỹ vào năm 1966 và Na Uy vào năm 1970.
Quyền TCTT (Right to Access Information - RTI) còn gọi là quyền tự do thông tin (Freedom of Information - FOI), có một bước nhảy vọt vào năm 1976. Choáng váng sau vụ Watergate, nước Mỹ ban hành một đạo luật nghiêm khắc bảo đảm quyền TCTT của công chúng. Sau đó, một loạt nước tư bản phương Tây cũng ban hành đạo luật tương tự (Pháp và Hà Lan năm 1978, Úc và New Zealand năm 1982, Canada năm 1983, Columbia và Đan Mạch năm 1985, Hy Lạp năm 1986, Áo năm 1987, Ý năm 1990).
Ở góc độ luật pháp quốc tế, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 đã xác định quyền này là một quyền con người và là quyền cơ bản của công dân. Sau khi Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 ghi nhận quyền TCTT là một trong các quyền con người thì các quốc gia thành viên của công ước, trong đó có Việt Nam, đã chấp nhận trách nhiệm và nghĩa vụ bảo đảm quyền này bằng luật pháp và bộ máy nhà nước. Hàng loạt hiệp ước, hiệp định quốc tế ở tầm toàn cầu và khu vực cũng đã quy định quyền TCTT là quyền con người mà các nhà nước có trách nhiệm thể chế hóa và bảo đảm.
Báo chí đang tác nghiệp tại một sự kiện ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Từ quyền công dân thành quyền con người
Hiến pháp 1992, Điều 69 quy định công dân có “quyền được thông tin”. Hiến pháp 2013, Điều 25 thì quy định công dân có “quyền TCTT”. Điểm khác nhau giữa hai quy định này là về mặt chữ nghĩa, “quyền được thông tin” là quyền thụ động, mang dấu ấn “xin-cho”, còn “quyền TCTT” là quyền chủ động, người dân được làm mà không cần xin phép, được yêu cầu và nhà nước có nghĩa vụ đáp ứng.
Tuy nhiên, điểm khác nhau hết sức quan trọng lại là bản chất pháp lý của hai quyền này: Hiến pháp 1992 chỉ công nhận “quyền được thông tin” là một quyền công dân, nghĩa là hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ giữa nhà nước và công dân của từng quốc gia, mỗi quốc gia muốn thiết kế quyền này như thế nào là chủ quyền của quốc gia đó. Theo Hiến pháp 2013, quyền TCTT là một quyền con người được công nhận và bảo vệ bởi luật pháp quốc tế. Theo quy định của công pháp quốc tế, quyền con người là những quyền mà các quốc gia thành viên của các công ước quốc tế phải cam kết bảo đảm bằng những hành động cụ thể như là thể chế hóa các quyền đó bằng luật pháp quốc gia và bảo đảm cho công dân của mình (thậm chí đối với một số quyền nhất định, cho cả những người không phải công dân vì họ cũng là con người) được hưởng thụ các quyền ấy. Nhà nước Việt Nam đã hiến định nghĩa vụ này của mình bằng Điều 14 Hiến pháp 2013:
“1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
Theo tinh thần của Điều 14 Hiến pháp 2013 trên đây, Nhà nước Việt Nam phải nội luật hóa quyền TCTT như là một quyền con người theo những tiêu chí của pháp luật quốc tế, đồng thời phải bảo đảm cho công dân của mình được thực hiện và hưởng thụ những quyền ấy một cách thực chất.
Tìm “độ hợp lý”
Dự thảo Luật TCTT gồm bảy chương, 33 điều. Qua nghiên cứu ban đầu, dư luận hoan nghênh việc ban hành Luật TCTT, đặc biệt hoan nghênh cách làm dân chủ và minh bạch của Chính phủ qua việc cung cấp rộng rãi dự thảo và tài liệu liên quan trên trang mạng của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội và chuyên gia pháp lý cũng đã nêu lên một số băn khoăn và một số điểm cần lưu ý.
Ví dụ, Luật TCTT của một số nước chẳng những quy định phạm vi và nội hàm của quyền TCTT, mà còn đặt ra cơ chế bảo đảm cho người dân được thực hiện quyền này, trong đó có quyền khởi kiện cơ quan nhà nước nếu bị giấu giếm hay không được cung cấp thông tin kịp thời. Dự thảo hiện nay chỉ quy định (Điều 29): “Công dân bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do không được cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật hoặc được cung cấp thông tin sai lệch thì được Nhà nước bồi thường”. Nghĩa là có những thông tin người dân không được cung cấp mà chỉ được bồi thường thiệt hại, trong khi bản chất của quyền TCTT là quyền được biết nội dung thông tin và có những nhu cầu thông tin không thể thay thế được bằng tiền.
Hoặc là trong số những điều cấm tại Điều 9, không quy định “cấm giấu giếm thông tin hay hạn chế, nhũng nhiễu, trì hoãn hay trục lợi trong việc cung cấp thông tin thuộc diện phải cung cấp”, trong khi thiếu công khai, minh bạch và tắc trách, chậm trễ, tiêu cực là tình trạng khá phổ biến hiện nay trong việc cung cấp thông tin của cán bộ, công chức nhà nước cho nhân dân. Ngoài ra, quy định về “thông tin hạn chế tiếp cận” (Điều 21) cũng dùng những khái niệm, cụm từ khá chung chung, rộng nghĩa, đa nghĩa, rất dễ tạo dư địa và cơ hội cho những cán bộ, công chức không thích công khai, minh bạch đối với nhân dân.
Quyền TCTT là một quyền con người cho phép các nhà nước có thể áp dụng những “hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Ngoài ra, để đạt tính khả thi cao, các nhà nước đều có quyền thiết kế luật phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của mỗi nước. Bài toán khó cho cơ quan soạn thảo và sau đó cho các nhà lập pháp là phải tìm được cái “độ hợp lý” cả về nội dung và phương thức thực hiện, sao cho “cái đặc thù” của Việt Nam không trở thành rào cản đối với đất nước và nhân dân trong cuộc đua toàn cầu về đích “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Khi giải bài toán này, các nhà nước tiến bộ đều không lấy những yếu kém, hạn chế chủ quan của bộ máy và nhân sự của mình làm cái “giới hạn trên” cho các quyền tự do, dân chủ của nhân dân.
Dân chủ là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển của đất nước và nhà nước là “của dân, do dân và vì dân”. Việc hạn chế các quyền tự do, dân chủ, trong đó có quyền TCTT, nếu cần thiết thì phải thiết kế theo nguyên tắc “người dân được làm mọi điều pháp luật không cấm, nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”, là nguyên tắc cơ bản của một đất nước có dân chủ và có pháp quyền.
Tính đến tháng 9-2012, ít nhất có 95 nước đã ban hành luật pháp công nhận quyền của công chúng được yêu cầu và tiếp nhận thông tin do nhà nước đang nắm giữ. Nếu tính cả những nước có quy định quyền TCTT bằng Hiến pháp nhưng chưa ban hành luật, như Việt Nam, thì đã có 125 nước thể chế hóa quyền này. Đã có hơn 5,5 tỉ người trên thế giới sống trong các quốc gia có luật về quyền TCTT, trong đó có ba quốc gia có dân số lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, hầu hết các quốc gia châu Âu, hơn một nửa số quốc gia ở Mỹ La tinh, gần 20 nước ở châu Á-Thái Bình Dương, 11 nước ở châu Phi và ba nước ở Trung Đông. |