‘Điểm liệt’ cho cán bộ

“Cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đức và có tài. Khắc phục tình trạng cán bộ vòi vĩnh, nhũng nhiễu với người dân và doanh nghiệp, nhất là cán bộ tiếp xúc trực tiếp với dân như ở phường. xã, địa chính, đô thị, công an khu vực… Tạo chuyển biến rõ rệt để làm sao người cán bộ khi dân thấy mặt là dân thương”. Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị được phân công chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM, đã nhấn mạnh như thế tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X sáng 2-12.

Đưa ra tiêu chí “điểm liệt” để đánh giá cán bộ

Ông Lê Thanh Hải cũng yêu cầu TP cần tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng chính quyền, đặc biệt là đẩy mạnh quyết liệt công tác cải cách hành chính, đưa công nghệ thông tin vào quản lý để giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời quyết liệt tinh giản biên chế. “Trong việc tiếp dân, chúng ta nói thương dân mà bức xúc của người dân lại không cố gắng giải quyết cho thật thỏa đáng thì không được, mỗi cán bộ phải tự nhận thức về vấn đề này. Khi tiếp công dân phải đặt mình vào người trong cuộc mới thấu hiểu được lòng dân, từ đó hướng đến những cái có lợi cho người dân” - ông Hải nói.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng khẳng định trong năm tới đây sẽ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh vững vàng, có năng lực và hết lòng phục vụ nhân dân. “Khâu khó và yếu mà chúng ta vẫn thường nói là khâu đánh giá cán bộ. Năm 2016 phải làm sao tạo được chuyển biến ở khâu này” - ông Thưởng yêu cầu.

Một trong những giải pháp mà ông Thưởng đưa ra là đổi mới mạnh mẽ việc đánh giá cán bộ trên cơ sở đổi mới việc xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ. Theo đó, trước mắt xác định một số tiêu chí có tính chất “điểm liệt” để quy định nếu rơi vào tiêu chí đó thì sẽ không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ví dụ như giám đốc Sở KH&ĐT, nếu môi trường đầu tư không được cải thiện, thủ tục rườm rà, doanh nghiệp kêu ca thì sẽ dính “điểm liệt”. Giám đốc Sở TN&MT cũng sẽ thế, nếu người ta nói việc tiếp cận thông tin và thủ tục đất đai chậm. Hay giám đốc Sở Xây dựng mà để tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm kênh rạch tái diễn… Hay là chủ tịch quận, giám đốc sở mà không tiếp dân thì sẽ xem xét đánh giá trong xếp loại…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng (thứ hai từ phải sang) đang trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị ngày 2-12. Ảnh: TÁ LÂM

Tập trung cải thiện hình ảnh chính quyền trong mắt dân

Về công tác xây dựng chính quyền, ông Võ Văn Thưởng cho biết năm 2016, TP sẽ tập trung nâng cao hiệu quả cải cách hành chính tốt hơn với yêu cầu công khai, minh bạch đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ hiện đại, năng động, có hiệu lực, hiệu quả.

Ông Thưởng đưa ra những chỉ số mà theo ông nói sẽ làm cho “các đồng chí nghe sẽ rất chạnh lòng”. Ông Thưởng nói: “Chúng ta đặt ra chỉ tiêu TP.HCM phấn đấu nằm trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index). Đây là những chỉ số cảm nhận của người dân về năng lực điều hành của chính quyền, mà chính quyền của chúng ta là chính quyền của dân, do dân và vì dân, cho nên phải quan tâm tới cảm nhận đó. Năm 2014, chỉ số PCI lần đầu tiên TP.HCM vào top 5 (đứng thứ tư) nhưng trong đó có bốn tiêu chí người ta đánh giá dưới mức trung bình gồm: Chi phí không chính thức cao (theo ông Thưởng, chi phí không chính thức theo diễn nôm của xã hội là phí “bôi trơn”), tính năng động của bộ máy chính quyền thấp, thiết chế pháp lý không minh bạch và cạnh tranh bình đẳng không cao…”. Ông Thưởng yêu cầu dứt khoát phải cải thiện những điều này trong năm tới.

Với trọng trách như thế, ông Thưởng nhấn mạnh trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2015, Đảng bộ TP khóa mới sẽ quyết tâm phấn đấu lên một mức độ cao hơn, tập trung khắc phục và giải quyết nhanh những vấn đề yếu kém và gây bức xúc trong nhân dân mà thời gian qua TP chưa giải quyết hiệu quả. “TP sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ bảy chương trình đột phá để giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân một cách tốt nhất, nếu không giải quyết tốt làm cho bức xúc tăng lên thì niềm tin của dân đối với Đảng và chính quyền sẽ giảm” - ông Thưởng đúc kết lại.

Có cam kết cung ứng thực phẩm sạch cho dân không?

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng đặt hàng: “Anh Phạm Thành Kiên (Phó Giám đốc Sở Công Thương - PV), anh Dũng (Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM Saigon Co.op - PV), chị Trang (Lê Minh Trang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn Satra - PV) có thể cam kết với dân rằng trong chín tháng, hay trong năm 2016, thực phẩm bán trong hệ thống siêu thị Co.opmart, trong hệ thống của Satra là an toàn không? Và nói rằng những thực phẩm nào không an toàn sẽ không bán trong hệ thống các anh chị? Sự phối hợp giữa Sở NN&PTNT, Sở Công Thương và Sở Y tế để kiểm soát an toàn thực phẩm từ trại chăn nuôi đến mâm cơm của người dân tốt nhất được không?”.

Trông đợi vào hành động của lực lượng cán bộ trẻ

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng, tính sơ sơ trong việc chuyển giao cán bộ khóa mới, TP có 15 bí thư và chủ tịch quận, huyện mới, năm thường trực ủy ban, 10 giám đốc các sở, ngành và một số người khác. “Xã hội chờ đợi đội ngũ này làm như thế nào. Đợi coi cán bộ trẻ làm ra sao, đây là thách thức rất lớn. Tôi mong muốn các đồng chí thành ủy viên, các lãnh đạo phải luôn trăn trở về thách thức này để khẳng định sự tin cậy giao việc của tổ chức cho mình là đúng đắn” - ông Thưởng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm