Bổ nhiệm đúng quy trình, sao dân lại băn khoăn?

Liên quan đến công tác cán bộ, đại biểu (ĐB) Lê Minh Thông (Đoàn Thanh Hóa) đã đặt câu hỏi như thế khi các đoàn ĐB Quốc hội góp ý cho dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tại kỳ họp 10 (Quốc hội khóa XIII) ngày 23-10.

Hoặc sửa quy trình hoặc tuân thủ đúng

ĐB Thông cho rằng: Công tác xây dựng Đảng, trọng tâm vẫn phải lấy cán bộ làm khâu đột phá, quyết định. Theo ông Thông, dân chủ trong Đảng phải được nhấn mạnh. Đó là một bước quyết định dân chủ ngoài xã hội. “Phải có sự cạnh tranh trong công tác bầu cử, để chúng ta thực sự lựa chọn được những người có đức, có tài. Không ít trường hợp nói bổ nhiệm “đúng quy trình”, tại sao dư luận vẫn băn khoăn, xôn xao. Việc này cần phải xem lại. Tôi nghĩ rằng quy trình công tác cán bộ của ta chưa tạo được yên tâm trong xã hội” - ông Thông nói.

Theo ông Thông, trẻ hóa cán bộ lãnh đạo các cấp có thể là luồng gió mới. Ông hy vọng thời gian sẽ chứng minh, các lãnh đạo trẻ sẽ chứng tỏ được mình.

Cũng liên quan tới cán bộ trẻ, ĐB Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng việc bổ nhiệm cán bộ trẻ là tốt. “Tuy nhiên, giữa quy định pháp luật của Nhà nước với cái chúng ta làm “đúng quy trình” là khác nhau” - ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, công tác cán bộ đầu tiên phải từ lựa chọn của xã hội. “Cứ người nào có tài thì được trọng dụng. Bên cạnh đó phải làm bài bản, tức là phải ngồi vị trí đó tối thiểu năm năm, phải là chuyên viên chính, phải cao cấp lý luận chính trị như quy định đặt ra... Anh chưa đến một năm thì có thể ngồi vị trí đó không?” - ông Lợi đặt vấn đề. Theo ông Lợi, chúng ta phải rõ ràng, một là sửa quy trình, cứ người dân đồng tình, Đảng lựa chọn thì bổ nhiệm. Hai là tuân thủ đúng quy trình. “Từ những việc đang xảy ra, tôi có thể sẽ chất vấn bộ trưởng Nội vụ về công tác bổ nhiệm cán bộ” - ông Lợi cho hay.

 
Ông Lê Phước Hoài Bảo (giữa), 30 tuổi, được bổ nhiệm làm giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam gây xôn xao dư luận. Ảnh: Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam

DN tốn nhiều chi phí ngoài luồng

Liên quan đến vấn đề kinh tế tư nhân, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại cho sức cạnh tranh của khu vực kinh tế này trong thời buổi hội nhập.

ĐB Mai Hữu Tín, một doanh nhân thành đạt ở tỉnh Bình Phước dẫn số liệu từ Ban Kinh tế Trung ương cho biết trong cơ cấu kinh tế hiện nay, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang sử dụng 60% tổng vốn tín dụng, cùng khoảng 70% tài nguyên quốc gia nhưng chỉ đóng góp được 32% GDP. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, FDI, chủ yếu dựa vào tín dụng từ bên ngoài nhưng đóng góp tới 70% kim ngạch xuất khẩu, nắm giữ 60% sản xuất công nghiệp, tính theo GDP các DN ngoại này đóng góp 20%.

Phần còn lại, gần 50% là từ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân. Tỉ trọng này xem ra là lớn nhưng thực ra lại rất yếu kém. Bởi chỉ có 10% là đóng góp từ các doanh nghiệp tư nhân (DNTN), còn lại là kinh tế hộ, quán cóc, buôn thúng bán mẹt.

“Dự thảo văn kiện nói kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhưng nếu nhìn vào lực lượng chính quy nhất của khu vực này, là các DNTN, thì thấy động lực ấy yếu đuối lắm” - ông Tín bình luận.

Cái sự yếu đuối ấy là do DNTN thua về vốn, năng lực quản trị, trình độ công nghệ. Nhưng đáng buồn hơn, theo ĐB Phương Hữu Việt, một doanh nhân là ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - còn do khu vực này phải gánh chịu tất cả tác động từ các tiêu cực, nhũng nhiễu của bộ máy nhà nước.

“Khu vực FDI mấy khi bị thanh tra, kiểm tra. Chứ DNTN mới mọc lên là biết bao cơ quan đến hỏi thăm” - ông Việt than thở.

Thực tế các DN có vốn đầu tư nước ngoài ở VN không chỉ có thế mạnh về vốn, quản trị, thị trường toàn cầu mà còn có sức mạnh để chống chọi với những khó dễ đến từ cơ quan nhà nước. Bởi cơ quan quản lý năng lực còn yếu nên đụng đến những công ty FDI lớn là ngại. Và các DN nước ngoài này khi bị chính quyền gây khó dễ là ngay lập tức cơ quan ngoại giao lên tiếng can thiệp, bảo hộ.

DNTN không có sức mạnh ấy, phải “chịu đòn” với nhiều chi phí khác nhau. Chi phí sản xuất vì vậy mà bị đội lên, mất sức cạnh tranh.

Không hỗ trợ nhiều hơn thì DN khó đấu trong TPP

Theo ĐB Mai Hữu Tín (Bình Phước), cơ hội từ TPP là hàng xuất xứ VN sẽ được hưởng thuế suất thấp, thậm chí 0% khi xuất khẩu tới các nước trong khối. Nhưng cơ hội ấy ai hưởng? Chính nhà đầu tư nước ngoài hưởng. Việt Nam sẽ trở thành căn cứ sản xuất của các tập đoàn nước ngoài, sẽ có thêm nhiều DN như Samsung xuất hiện kiếm lời.

Nhưng những DNTN trong nước sẽ gặp khó khăn. Dẫn ví dụ gốm sứ Minh Long, một thương hiệu có uy tín trong nước, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, doanh số hằng năm 800-900 tỉ đồng, ông Tín cho rằng vẫn khó cạnh tranh với các hãng Ý, Pháp có tiềm lực vốn, công nghệ mạnh hơn. “Minh Long chỉ có thể tiếp cận vốn trong nước lãi suất 8%-9%, trong khi các hãng kia vay vốn chính quốc có 2%, đấu nhau chịu được mấy lâu!”.

__________________________________

Nếu không khắc phục được những yếu kém nội tại thì khi tham gia những hiệp định như TPP, khối FDI sẽ tăng tỉ trọng trong nền kinh tế lên nữa, không phải 20% GDP như hiện nay, mà là 30%-40%, thậm chí 50%.

ĐB Mai Hữu Tín (Bình Phước)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm