Từng có một thời gian rất dài các lãnh đạo trong Đảng và chính quyền các cấp (như bí thư/phó bí thư, chủ tịch/phó chủ tịch, giám đốc/phó giám đốc sở…) đều khoảng 50, 60 tuổi hoặc hơn thế nữa. Phải đến những năm sau này mới có một số sếp phó U30. Năm 2005, TP.HCM có một phó chủ tịch quận 29 tuổi. Đến năm 2008, Long An “phá kỷ lục” với việc bổ nhiệm một phó chủ tịch huyện 27 tuổi... Thế nhưng ở vị trí đứng đầu thì trẻ mấy cũng phải cỡ U40 ở cấp huyện (như Phú Thọ từng tiên phong bổ nhiệm nhiều chủ tịch huyện trong độ tuổi này, TP.HCM vừa có một chủ tịch quận 34 tuổi được xem là trẻ nhất TP) và phải tầm 40 tuổi trở lên ở cấp tỉnh. Xem ra đây là lần đầu tiên có một giám đốc sở trẻ nhất nước tuổi 30!
Chuyện quan tỉnh thường phải U50 xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có việc tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn cán bộ. Quyết định 82/2004 của Bộ Nội vụ đưa ra nhiều yêu cầu về phẩm chất, năng lực, trình độ của người làm giám đốc sở với các lưu ý phải đạt ngạch chuyên viên chính trở lên; có năm năm công tác trở lên trong ngành (trong đó có ít nhất ba năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao). Tuy các tỉnh, thành có thể ban hành các quy định phù hợp với thực tế của địa phương nhưng đều phải theo quy định khung này. Vậy nên nếu tính trung bình 22 tuổi tốt nghiệp ĐH cộng với thâm niên quản lý thì cũng phải xấp xỉ 40 tuổi (sau chín năm giữ ngạch chuyên viên) mới có thể thi nâng ngạch chuyên viên chính và thỏa mãn những điều kiện được bổ nhiệm khác.
Trong khi đó, đối với trường hợp cụ thể của tân giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, quá trình công tác của anh chỉ được bắt đầu từ năm 2012 và qua hai cơ quan khác nhau mới đến sở hiện hành. Chiếu theo Quyết định 82, chỉ xét việc chưa là chuyên viên chính thì anh chưa hội đủ các tiêu chuẩn được bổ nhiệm.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM ngày 25-9, ông Trần Xuân Thọ (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam) khẳng định: “Việc bổ nhiệm là đúng quy trình”. Trên Tuổi Trẻ ngày 26-9, ông Đinh Văn Thu (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Nghị quyết của Tỉnh ủy về cán bộ không quy định điều kiện chuyên viên chính”. Lại nữa, Quyết định 82 từng có nhiều ý kiến khác nhau từ các địa phương vì “sau 10 năm ra trường mới được thi chuyên viên chính thì làm sao phát triển được”. Cũng theo hai ông thì “không có chuyện con ông nào cả”, “con của nông dân, công nhân mà giỏi cũng đưa lên”, “mọi cái rất chặt chẽ, khách quan”…
Cứ tin là vậy nhưng dư luận vẫn có quyền đặt câu hỏi vì sao là người ấy mà không là người khác? Tuy không ưng ý với Quyết định 82 nhưng nguyên tắc là phải chấp hành pháp luật. Vậy với các trường hợp đã bổ nhiệm, có phải “ca” nào tỉnh cũng đều du di các tiêu chuẩn luật định hay chỉ có ít “ca” mà trong đó có “ca” này?
Nói đến người trẻ thì phải nghĩ ngay đến những ưu điểm mà những người không trẻ có thể không có, gồm năng động, nhạy bén, dám thay đổi..., do đó dư luận luôn hoan nghênh việc trẻ hóa cán bộ. Vấn đề cần bàn là cách làm để xã hội thấy rằng mọi cơ hội phải được đồng đều cho mọi tài năng trẻ thông qua các phương thức tuyển chọn công khai, minh bạch. Trong đó, Quyết định 82 cần phải được chỉnh sửa để những hiền tài xuất chúng ở độ tuổi 30 có điều kiện nắm giữ những trọng trách.
Trở lại chuyện giám đốc sở 30 tuổi, Quảng Nam đã ghi điểm cộng khi mạnh dạn đề bạt một nhân sự trẻ, song tiếc là tỉnh chưa thuyết phục được số đông về tiêu chuẩn của sự chọn lựa cụ thể này.