Hoạt động kiểm tra đảng năm đầu tiên sau Đại hội XII đầy nóng bỏng với những vụ việc Trịnh Xuân Thanh, kỷ luật cách chức ông Vũ Huy Hoàng, kết luận sai phạm với hàng loạt cán bộ cấp cao liên quan đến dự án Formosa…
Có tín hiệu gì phát ra từ những cuộc kiểm tra, những “án” kỷ luật này? Pháp Luật TP.HCM trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ), người luôn theo sát những hoạt động của ngành.
Chưa bao giờ bận rộn đến thế
. Phóng viên: Qua hoạt động của UBKTTƯ từ đầu nhiệm kỳ tới nay, ông thấy có gì đáng chú ý?
+ Ông Vũ Quốc Hùng: Bối cảnh giờ phức tạp hơn trước. Đối tượng, vấn đề, nội dung kiểm tra nhiều hơn, rắc rối hơn. Mới năm đầu nhưng đã nổ ra một loạt mấy cuộc kiểm tra chỉ bắt nguồn từ đối tượng Trịnh Xuân Thanh, rồi hàng loạt nội dung liên quan đến dự án thép Formosa, chưa kể cả một loạt các việc ở Bình Định, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ… Kết luận về các vụ việc ấy cũng rất nghiêm khắc và với những đồng chí vi phạm thì án kỷ luật cũng rất nặng, đến mức cách chức - cho dù là chức vụ trước đây từng giữ.
So với thời gian đầu nhiệm kỳ các khóa trước, có lẽ chưa bao giờ UBKTTƯ bận rộn như thế. Thông thường, thời gian đầu với các cơ quan kiểm tra, kỷ luật thường chủ yếu là công tác chuẩn bị, nắm địa bàn… chứ không “làm án” luôn thế này. Nhưng điều đó cũng phản ánh thực tế là tình hình đang rất nghiêm trọng, phức tạp. Những việc vừa khui ra đó có phải vừa xảy ra đâu, đều diễn ra từ trước rồi, đáng lẽ ra cần phải kiểm tra, kết luận từ trước đại hội…
. Tuần trước, Tổng Bí thư có chia sẻ mối băn khoăn, lo lắng của người dân là Đảng ra nghị quyết chỉnh đốn thì đúng rồi nhưng liệu làm có đến nơi đến chốn không. Ông nghĩ thế nào?
+ Lo lắng, băn khoăn là đúng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng có phải giờ mới nêu đâu. Nhiều nghị quyết rồi. Khóa trước có Nghị quyết Trung ương 4, khóa này cũng Nghị quyết Trung ương 4. Nếu làm thực sự thì đâu phải đánh giá “một bộ phận”, rồi “một bộ phận không nhỏ… kể cả một số cán bộ cao cấp” suy thoái. Nếu làm thực sự, đến nơi đến chốn thì những việc như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng… đã phải kết luận, xử lý từ lâu rồi chứ đâu phải nghỉ hưu rồi mới cách chức “nguyên”.
Nghỉ hưu rồi mà vẫn xử thì cũng đỡ đi phần nào lo ngại là “hạ cánh an toàn”. Nhưng việc Tổng Bí thư đánh giá “không ít” nơi công tác kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt, còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc… cho thấy công việc, trách nhiệm của cấp ủy và cơ quan kiểm tra các cấp còn bộn bề lắm.
Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nếu làm thực sự, đến nơi đến chốn thì những việc như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng… đã phải kết luận, xử lý từ lâu rồi chứ đâu phải nghỉ hưu rồi mới cách chức “nguyên”. Ảnh: INTERNET
Có hiện tượng “nặng trên, nhẹ dưới”
. Lý luận của Đảng nhấn mạnh lãnh đạo mà không có kiểm tra coi như không lãnh đạo. Nhưng thời gian qua, người dân thấy hình như chỉ có UBKTTƯ là hoạt động tích cực với các vụ việc cụ thể được công khai. Có vẻ như ở cấp dưới còn “trông chờ, nghe ngóng lắm”?
+ “Trông chờ, nghe ngóng”, “nặng trên, nhẹ dưới”… Hiện tượng như vậy chúng tôi đã vạch ra từ hàng chục năm trước. Vừa rồi Tổng Bí thư có nhắc lại, chứng tỏ còn nan giải lắm.
Thực tế nhiều cuộc kiểm tra, cấp ủy cấp trên, ủy ban kiểm tra cấp trên vào làm rất nghiêm, kết luận dấu hiệu vi phạm rất rõ, đánh giá rất nghiêm trọng. Nhưng đến khâu xử lý kỷ luật, đưa về chi bộ, cấp ủy cấp dưới kiểm điểm thì lại đánh giá mức độ, bỏ phiếu kỷ luật thường nhẹ hơn tính chất vi phạm, thậm chí còn không kỷ luật.
Điều này không chỉ phản ánh cùng một hành vi vi phạm nhưng nhận thức, đánh giá tính chất nghiêm trọng cũng như hình thức kỷ luật tương xứng ở các tổ chức đảng khác nhau nhiều khi khác nhau.
Như vừa rồi, có thông tin là việc kiểm điểm, bỏ phiếu ở dưới cơ sở về hình thức kỷ luật cho những người liên quan trách nhiệm tới đối tượng Trịnh Xuân Thanh cũng cho kết quả mức kỷ luật rất thấp, không phải là cảnh cáo, cách chức như quyết định cuối cùng của Ban Bí thư. Đó chính là “nặng trên, nhẹ dưới”.
. Việc kiểm tra, kỷ luật vừa qua cho thấy chủ yếu là cấp trên kiểm tra cấp dưới chứ hiếm khi chủ động kiểm tra, kỷ luật ngang cấp. Có ý kiến cho rằng do vị thế của ủy ban kiểm tra các cấp còn thấp, do cấp ủy bầu ra chứ không phải do đại hội bầu. Ông có nghĩ là đến lúc cần phải nâng cao vị trí cơ quan kiểm tra để giữ nghiêm kỷ luật đảng, góp phần xây dựng, chỉnh đốn đảng?
+ Từ hồi tôi đang làm, hơn 10 năm trước thì đã có những đề nghị như vậy. Nhưng rồi thấy còn vướng mắc cơ chế trong quan hệ giữa ủy ban kiểm tra do đại hội bầu với cấp ủy cũng do đại hội bầu, nên chưa chín muồi. Giờ thì tình trạng suy thoái nghiêm trọng hơn, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn đảng cấp bách hơn thì tôi cho là cần có đổi mới.
Nhưng cho dù chưa có vị thế tương xứng thì với thẩm quyền hiện tại, nếu người đứng đầu cũng như tập thể cơ quan kiểm tra mạnh mẽ, quyết liệt thì cũng vẫn làm được nhiều việc.
Như thời chúng tôi, các vấn đề dư luận nêu liên quan đến các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, cố vấn Ban Chấp hành Trung ương… mà thấy cần thiết thì chủ nhiệm lúc đấy là chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ cũng ký văn bản đề nghị các đồng chí đó giải trình. Và lúc ấy, các đồng chí lãnh đạo cũng tuân thủ rất nghiêm kỷ luật đảng, giải trình nghiêm túc trước UBKTTƯ.
. Xin cám ơn ông.