Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT TP.HCM: Sáng tạo, đậm tính nhân văn, giáo dục

(PLO)- Không chỉ gây thích thú cho giáo viên, học sinh TP.HCM, đề thi môn Ngữ văn sáng nay khiến cho giáo viên cả nước cảm thấy tâm đắc. PLO giới thiệu bài viết của cô Hà Hoài Phương- Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngay từ dòng chữ mang thông điệp của đề: Để những nghĩ suy cất lên thành lời… đã là một sự sáng tạo, mới mẻ, gợi nguồn cảm hứng cho nhiều thí sinh.

Bài thi vì thế không chỉ là chuyện trả lời những câu hỏi trong đề mà còn là sự “cất lời” của tâm hồn, trí tuệ các em. Nó là hiểu biết, là nhận thức, là tiếng lòng, là rung cảm của từng thí sinh đối với vấn đề đặt ra trong từng câu hỏi. Nó tránh được sự sáo mòn, công thức, rập khuôn, đồng phục trong tư duy và ý nghĩ.

Cô Hà Hoài Phương

Cô Hà Hoài Phương

Ở câu 1, ngữ liệu là một bức thư của cô giáo gửi học sinh, lời lẽ giản dị, chân thành, mang tính khuyên nhủ nhẹ nhàng thân thiết, nội dung gần gũi với tâm lí học sinh.

Ngữ liệu ấy đi vào tâm trí học sinh như cách các em được đồng cảm, thấu hiểu, nó không tạo nên áp lực nặng nề bởi những thuật ngữ hàn lâm hay ngôn từ nặng tính giáo huấn. Hệ thống câu hỏi vừa kiểm tra được năng lực nhận thức vừa đánh giá được phẩm chất, tư duy của học sinh.

Các câu hỏi c, d không chỉ giáo dục lòng yêu nước, tình cảm biết ơn, tự hào nguồn cội mà còn nhắc nhở ý thức tiếp nối truyền thống, phát huy suy nghĩ độc lập và cá tính sáng tạo của từng cá nhân trong cuộc sống hôm nay.

Câu 2 yêu cầu viết bài văn 500 chữ với nhan đề: Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời, dựa trên ý thơ của Lê Minh Quốc và trải nghiệm của bản thân. Cái hay là câu hỏi mang tính giả định nhưng để trả lời, học sinh phải huy động vốn sống thực tiễn, phát triển bài văn theo hệ thống ý, từ thực trạng - nguyên nhân - hậu quả (trọng tâm của bài viết) - giải pháp - rút ra bài học cho bản thân.

Và như vậy, chính các em đang “cất lời” trước “căn bệnh” đã và đang tồn tại trong đời sống xã hội, thậm chí trong chính bản thân mình. “Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời”… không chỉ ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách cá nhân mà còn tác động và ảnh hưởng nặng nề đến cả xã hội. Khi tiếng nói được cất lên từ đáy lòng và trải nghiệm là lúc các em bộc lộ phẩm chất, năng lực của chính mình.

Các em học sinh trao đổi sau khi thi xong môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ảnh: Trần Minh
Các em học sinh trao đổi sau khi thi xong môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ảnh: Trần Minh

Câu 3 học sinh được chọn 1 trong 2 đề, cả hai đề đều sáng rõ về yêu cầu nội dung, hình thức. Viết bài văn nghị luận về tình yêu nước của con người Việt Nam hay tình cảm gia đình đều là những vấn đề nhân văn muôn thuở, nhưng điểm mới của đề là không áp đặt ngữ liệu mà trao quyền tự do lựa chọn cho thí sinh.

Việc chọn đúng ngữ liệu (về thể loại thơ và về nội dung yêu nước ở đề 1, đề tài tình cảm gia đình ở đề 2) để phân tích là cơ sở đầu tiên để đánh giá chất lượng bài làm của học sinh. Ngoài việc phân tích ngữ liệu, học sinh tiếp tục huy động tri thức và vốn sống riêng để trả lời các vế sau của câu hỏi, như là: cất lên những lời ngợi ca, tác động của văn bản đối với cá nhân, chia sẻ về cách trò chuyện và thấu hiểu tác phẩm…

Như vậy, từ việc lựa chọn tác phẩm/ đoạn trích đến việc nêu lên những suy ngẫm, bài học cá nhân đều có biên độ mở, vừa thách thức trí tuệ của các em vừa là vùng trời sáng tạo mà vẫn vừa tầm với học sinh lớp 9. Đề thi vì thế sẽ có sự phân hoá và không khó để chọn ra những học sinh vững về kiến thức, kĩ năng, biết sống có tâm hồn, tình cảm và trách nhiệm.

Ngoài những vấn đề thuộc về nội dung kể trên thì hình thức trình bày của đề thi cũng rất sáng tạo. Đó là cách đóng khung ngữ liệu bức thư, hình ảnh trái tim ở đầu cuối ngữ liệu, chủ đề sinh hoạt câu lạc bộ Lớn lên cùng sách…

Tất cả đem lại sự gần gũi thân thiện với lứa tuổi học trò, tránh được sự máy móc xơ cứng của một đề thi, nhất là đề thi Văn.

Hy vọng sĩ tử lớp 9 TP.HCM đã có một bài thi xuất sắc trong ngày thi đầu tiên của mình từ một đề Văn sáng tạo, đậm tính nhân văn, giáo dục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm