Đề Toán thi vào lớp 10 tại TP.HCM trả lời cho câu hỏi 'Học Toán để làm gì?'

(PLO)- Nếu thí sinh học thuộc lòng, học theo dạng đề sẽ khó có thể làm tốt đề Toán thi vào lớp 10 tại TP.HCM. Đề thi đã trả lời câu hỏi “Học Toán để làm gì?”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM đã kết thúc. Tuy nhiên xung quanh đề Toán thi vào lớp 10 vẫn có nhiều ý kiến trái chiều.

đề Toán thi vào lớp 10
Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trong khi nhiều thí sinh và giáo viên dạy Toán cho rằng đề khó và lạ thì cũng có luồng ý kiến đánh giá đề thi Toán hay và mang tính thực tế, cần thiết cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện đang được triển khai.

de-toan-thi-vao-lop-10-1.jpg
de-toan-thi-vao-lop-10-2.jpg
Đề Toán thi vào lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

PLO đã có cuộc trò chuyện với thầy giáo Phạm Phúc Thịnh, giáo viên dạy Toán tại TP.HCM về vấn đề trên.

. Phóng viên : Cầm đề Toán thi vào lớp 10 tại TP.HCM, cảm nhận đầu tiên của thầy về đề thi như thế nào?

+ Thầy Phạm Phúc Thịnh: Một đề thi hay. Một đề Toán khiến học sinh không thể làm được nếu chỉ học thuộc lòng.

. Sau khi rời phòng thi, nhiều thí sinh trong đó có nhiều em thuộc dạng khá giỏi bật khóc vì cho rằng đề Toán khó và lạ? Thầy nghĩ sao về điều này?

+ Tôi nghĩ cần phân biệt học sinh có vẻ giỏi và học sinh giỏi khác nhau. Học sinh có vẻ giỏi có nghĩa các em được luyện và làm y chang như bài mẫu, không cần phải suy nghĩ.

Điều này giống như một status tôi vừa viết về đề thi Toán của Hà Nội. Cụ thể với đề thi của Hà Nội quá quen thuộc, học sinh có thể ngồi làm, không cần suy nghĩ. Đồng nghĩa các em chỉ cần học thuộc lòng.

Tuy nhiên với đề Toán thi vào lớp 10 của TP.HCM, mặc dù trong đề cung cấp đầy đủ dữ liệu nhưng nếu các em không suy nghĩ khó có thể làm được bài.

Ví dụ, bài số 5, trong đề công thức tính thể tích khối cầu đã được cho sẵn, công thức tính diện tích toàn phần hình trụ đã được cung cấp. Mọi thông tin đều có chỉ có điều thí sinh cần phải chọn dữ liệu.

Do đó, với đề Toán của TP.HCM, thí sinh có thói quen học tư duy, không phải học theo dạng, học thuộc lòng thì sẽ dễ dàng làm được.

Đối với bài số 4, hoàn toàn không đánh đố cho thí sinh. Dạng bài này năm nào Sở GD&ĐT cũng ra.

Với bài toán số 6, nhiều học sinh thấy lạ trong phần tính câu a do các em học thuộc theo dạng, do đó, khi đề có sự thay đổi gây rối.

. Theo thầy, vì sao học sinh lại bối rối khi gặp đề ra khá lạ?

+ Điều đó cho thấy các em quen học thuộc lòng đề và dạng đề. Trong khi đề Toán TP.HCM từ 5 năm nay luôn ra đề theo cách tư duy. Điều này, đỏi hỏi học sinh phải hiểu rõ căn bản mới có thể làm được.

Với đề thi Toán vừa rồi, tôi đánh giá mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm tới 7 điểm. Có nghĩa học trò chỉ cần học và hiểu được kiến thức cơ bản sẽ đạt được 7 điểm môn Toán.

. Từ đề thi năm nay, giáo viên cần phải thay đổi cách dạy và học ra sao để đáp ứng với sự đổi mới của đề thi?

+ Tôi hay nói đùa việc học Toán như việc học võ.

Với cách dạy hiện nay của các thầy cô ở trong trường và ở trung tâm dạy thêm, thường dạy cho học sinh đánh gối, đánh chỏ nhưng gặp trúng đối thủ chỉ biết đánh thẳng sẽ không đỡ được dù đánh thẳng là đơn giản nhất. Điều này có nghĩa giáo viên đang dạy cho học sinh học chiêu chứ không phải học nội công.

Có một câu chuyện khiến tôi vẫn nhớ mãi liên quan đến vấn đề trên. Hồi tôi đi học đại học, trong lớp có một bạn sinh viên khoảng 55 kg, không to cao. Vào một buổi tối bạn ấy đi chơi bị bốn người khác đuổi theo bắt nạt. Nam sinh bị đuổi theo vào đường cụt, ngay sát cây chuối. Trong tình huống trên, nam sinh trên duỗi thẳng bàn tay xỉa xuyên qua thân cây chuối khiến mấy người đuổi theo khiếp sợ.

Câu chuyện trên cho thấy, với môn Toán không cần phải học nâng cao, mở rộng, điều quan trọng phải nắm kiến thức cơ bản, thực chất, hiểu một cách chi tiết sẽ giải quyết trọn vẹn mọi vấn đề.

. Phải chăng hiện nay kỹ năng đọc hiểu của học trò quá yếu?

+ Vấn đề học sinh không có kỹ năng chứ không phải là yếu. Các bạn quen kỹ năng nghe - nhìn chứ không phải đọc - hiểu.

Vì sao Tiktok thu hút? Vì nó ngắn, khiến mọi người chỉ xem chứ không cần phải suy nghĩ, còn kỹ năng đọc hiểu, đòi hỏi các bạn phải đọc được tốc độ bao nhiêu từ trong một phút. Hai điều này liên quan đến môn Văn trong trường học, hiện các em chỉ được học những trích đoạn nhỏ, không đọc nguyên tác phẩm. Do đó, điều quan trọng phải tập cho học sinh cách đọc văn bản và tóm tắt được ý chính.

Như bài hình cầu, thực ra trong đề đã cung cấp công thức. Học sinh không cần phải ghi nhớ các em chỉ cần dựa trên công cụ đã cho, dữ liệu để giải quyết bài toán.

Tóm lại, đề Toán thi vào lớp tại TP.HCM mang tính thực tế. Trong đề bài số 4, 5, 6, 7, tính thực tế cực kỳ cao.

Đề Toán của TP.HCM cho thấy người ra đề đã có nhiều sáng tạo trong đề thi. Nó phù hợp với định hướng từ năm 2018 Bộ GD&ĐT đã triển khai đó là dạy học theo định hướng phát triển năng lực.

Đặc biệt đề Toán đã trả lời cho học sinh, giáo viên một câu hỏi quen thuộc “Học Toán để làm gì?”. Học toán để giải quyết những vấn đề đơn giản trong thực tế cuộc sống.

. Xin cảm ơn thầy!

Đề Toán thi vào lớp 10 lạ hơn so với mọi năm tuy nhiên phù hợp với một kỳ thi tuyển sinh. "Khó người khó ta" do đó điểm chuẩn năm nay dự kiến sẽ thấp hơn so với mọi năm. Tôi thích cách ra đề như vậy để có sự phân hoá giữa các thí sinh. Tôi cũng mong đề thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ ra đề có sự phân hoá.

Với đề thi trên, tôi nghĩ giáo viên cần thay đổi cách dạy, không nên rập khuôn.

Bản chất môn Toán học không phải rập khuôn, dùng mẹo để giải mà cần sự đọc hiểu, tư duy logic. Khi các em hiểu thì người ra đề cho kiểu nào vẫn có thể giải quyết tốt.

Tôi đánh giá cao ban ra đề thi năm nay vì họ đã đầu tư rất là kỹ với đề thi trên.

Thầy NGÔ PHẠM HƯNG THỊNH, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm