Đề xuất hai phương án hỗ trợ đầu tư công nghiệp dược trong nước

(PLO)- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đưa ra hai phương án hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp dược trong nước…

Sáng ngày 22-10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Đáng chú ý, dự luật lần này đã có những tiếp thu, chỉnh lý đáng chú ý về chính sách của nhà nước về phát triển công nghiệp dược (Điều 8 sửa đổi). Trong đó, đưa ra các phương án gợi mở những chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển công nghiệp dược trong nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay do còn ý kiến khác nhau về nội dung này, để thận trọng, bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu về hai phương án.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Phương án 1 quy định cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỉ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỉ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Phương án 2 không quy định quy mô cụ thể mà dẫn chiếu áp dụng theo Luật Đầu tư có nghĩa là chỉ được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới có vốn đầu tư từ 30.000 tỉ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỉ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (gấp 10 lần quy mô vốn so với phương án 1).

Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, có ý kiến cho rằng do thuốc là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng cho nên cần phải quy định chặt chẽ.

Về nội dung này, bà Thúy Anh cho hay tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng: bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm; quy định loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, các phương tiện điện tử cụ thể được phép kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử; quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử…

Về thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc, dự thảo Luật quy định cụ thể hơn trách nhiệm thu hồi thuốc. Về thẩm quyền ra quyết định thu hồi thuốc, thủ tục thu hồi thuốc theo hướng phân định rõ thẩm quyền của trung ương và địa phương khi ra quyết định thu hồi bắt buộc.

Cụ thể thời gian ra quyết định thu hồi thuốc hoặc ra văn bản trong trường hợp cần thêm thông tin xác định mức độ vi phạm của thuốc, quy định thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở đăng ký thuốc, cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu hoặc ủy thácnhập khẩu quyết định thu hồi thuốc tự nguyện.

Về quản lý giá thuốc, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu, để thể hiện tính chất đặc thù trong quản lý giá thuốc, kế thừa từ biện pháp kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường đã được triển khai ổn định và phát huy tác dụng trong kiểm soát giá thuốc.

Đồng thời, để tránh nhầm lẫn với biện pháp kê khai giá trong Luật Giá, dự thảo Luật quy định về biện pháp công bố giá bán buôn thuốc dự kiến thay cho thủ tục kê khai giá bán buôn thuốc cùng với việc bổ sung giải thích các khái niệm “giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến”, “mặt hàng thuốc tương tự”, xác định rõ chủ thể thực hiện thủ tục, cơ quan tiếp nhận thủ tục.

Quy định chỉ áp dụng biện pháp này đối với thuốc kê đơn, trừ một số trường hợp theo quy định của Chính phủ và biện pháp kiến nghị về giá khi phát hiện công bố giá cao bất hợp lý.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới